Nắng nóng vượt mốc lịch sử và những cảnh báo thiên tai bất thường tại Đắk Lắk

Được ví như 'lá phổi xanh' nhưng thời tiết ở Đắk Lắk ngày càng biến đổi bất thường, thiên tai khắc nghiệt. Mới đây, nắng nóng ở địa phương này đã vượt mốc lịch sử.

Những ngày trung tuần tháng 5, Đắk Lắk vẫn đang quay cuồng trong cái nắng gay gắt.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, điều kiện El Nino tiếp tục duy trì đến tháng 5/2024. Hiện nay, mực nước các sông trên địa bàn tỉnh phổ biến duy trì mức thấp, lượng dòng chảy phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ từ 10 - 30%; vùng đầu nguồn của một số sông và các suối nhỏ xuất hiện tình trạng cạn kiệt.

Người dân Đắk Lắk tưới cà phê

Tình trạng hạn hán tiếp tục xảy ra trên diện rộng gây ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Vùng đầu nguồn các sông, suối thuộc các huyện Krông Bông, Ea H’Leo, Cư M’gar, Buôn Đôn, Ea Súp tiếp tục xảy ra khô hạn. Thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk cho thấy, tính đến ngày 9/5, trên địa bàn có khoảng 5.100 héc-ta cây trồng các loại bị ảnh hưởng hạn, thiếu nước. Chưa hết, tình trạng thiếu nước sinh hoạt đã xảy ra cục bộ ở một số địa phương.

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, năm 2023, mùa mưa trên địa bàn tỉnh bắt đầu muộn hơn so với TBNN và kết thúc vào khoảng đầu tháng 11; tổng lượng mưa xấp xỉ TBNN; một số khu vực thấp hơn TBNN như Ea H’leo đạt 85,5%, Krông Năng đạt 86,7%.

Từ đầu năm đến nay thời kỳ mùa khô, thời tiết trên địa bàn tỉnh chủ yếu không mưa. Theo số liệu thống kê, lượng mưa toàn tỉnh trung bình đến nay đạt 71,7mm, bằng 4,1% so với TBNN và 45% so với TBNN cùng kỳ. Từ giữa tháng 4 đến nay, trên địa bàn đã xảy ra một số đợt mưa dông, tuy nhiên diện mưa còn hẹp nên tình hình hạn hán và thiếu nước vẫn đang xảy ra trên diện rộng.

Lúa của bà con bị rụng hạt sau trận mưa đá

Ông Nguyễn Quốc Hội - Phó Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Đắk Lắk cho biết, do tác động của hiện tượng El Nino khiến tình trạng nắng nóng trên địa bàn tỉnh ngày càng gay gắt. Bắt đầu từ tháng 5, một số khu vực trên địa bàn có mưa song lượng mưa chưa lớn. Mùa mưa tới sẽ bắt đầu muộn hơn so với trung bình hằng năm (nửa cuối tháng 5).

Đáng chú ý, nhiệt độ cao nhất tại Đắk Lắk đã vượt mốc lịch sử. Cụ thể, nhiệt độ cao nhất được ghi nhận vào tháng 4/2016 tại TP Buôn Ma Thuột (38,2 độ C) và tại huyện Ea H’leo (37,3 độ C). Tuy nhiên, vào cuối tháng 4 vừa qua, nhiệt độ tại 2 khu vực này được ghi nhận vượt mức lịch sử. Theo đó, tại TP Buôn Ma Thuột (38,9 độ C), huyện Ea H’leo (38,2 độ C). Ông Hội cho biết thêm, đi kèm với cơn mưa đầu mùa là các hiện tượng nguy hiểm như lốc, sét, mưa đá…

Thực tế, chiều 26/4 vừa qua, một trận mưa to kéo dài hơn 30 phút trút xuống xã Ea Kly (huyện Krông Pắc) kèm theo mưa đá. Trận mưa bất ngờ này khiến 260 héc-ta lúa sắp đến ngày thu hoạch của bà con bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong đó, 190 héc-ta bị thiệt hại 100%, 20 héc-ta bị thiệt hại từ 30-70%, diện tích còn lại thiệt hại dưới 30%.

Mưa đá trắng trời tại xã Ea Kly (huyện Krông Pắc), hồi cuối tháng 4

Chưa hết, những năm gần đây, Đắk Lắk còn xuất hiện những hiện tượng thiên nhiên bất thường như: “Bão” trong mùa khô, hạn giữa mùa mưa… Ngoài ra tình trạng mưa lũ, ngập lụt cũng diễn ra ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Huỳnh Thủy

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nang-nong-vuot-moc-lich-su-va-nhung-canh-bao-thien-tai-bat-thuong-tai-dak-lak-post1636541.tpo