'Nặng lòng' với du lịch Sa Pa

Dù không sinh ra tại Sa Pa, nhưng rất nhiều người 'nặng lòng' với mảnh đất này, đóng góp công sức để ngành du lịch Sa Pa ngày càng phát triển.

Những người làm du lịch ở Sa Pa không ai không biết anh Tô Bá Hiếu, người đam mê, gắn bó và có nhiều đóng góp với sự phát triển của du lịch ở “thành phố trong sương”. Những ai từng tiếp xúc với anh Tô Bá Hiếu đều dễ dàng cảm nhận được người đàn ông này luôn đau đáu để du lịch Sa Pa phát triển bền vững. Ít ai biết rằng, anh Hiếu quê gốc ở Nghệ An - dải đất miền Trung đầy nắng và gió. Năm 2001, anh đến Sa Pa và gắn bó với mảnh đất này đến nay.

Là người vừa đam mê làm du lịch, vừa đam mê nhiếp ảnh, nhiều năm gắn bó với du lịch Sa Pa, anh Hiếu không chỉ có những bức ảnh đẹp về “xứ sở trong mây” đoạt giải thưởng cao tại các cuộc thi ảnh trong nước và quốc tế, mà còn đam mê sưu tầm những bức ảnh “hiếm” về Sa Pa, Lào Cai xưa. Đến nay, anh Tô Bá Hiếu đã sưu tầm được gần 100 bức ảnh về Lào Cai, Sa Pa xưa, trong đó nhiều bức ảnh đẹp có giá trị nghệ thuật và lịch sử với dung lượng lớn, đảm bảo cho công tác lưu trữ, in ấn.

Những bức ảnh về Sa Pa xưa không nhiều và ảnh chất lượng cao để lưu trữ và in ấn hiếm. Tôi thường tìm kiếm thông tin về Sa Pa trên các website nước ngoài, đặc biệt là các website của hệ thống bảo tàng Pháp, từ đó có được những hình ảnh “cực hiếm” về Sa Pa xưa. Có những bức ảnh chưa được công bố rộng rãi, phải trả phí bản quyền mới sở hữu được. Tôi sưu tầm để lưu trữ và hiểu hơn về Sa Pa - nơi tôi yêu và gắn bó.

Anh Tô Bá Hiếu chia sẻ.

Không chỉ sưu tầm ảnh, anh Hiếu cũng là người ưa tìm hiểu, khám phá những công trình, dấu tích kiến trúc Sa Pa xưa còn lại. Theo anh Hiếu, ngoài công trình nhà du lịch, trạm khí tượng, bảo tàng, khách sạn Công đoàn hoặc thủy điện Cát Cát… ở Sa Pa còn dấu tích của những chiếc cổng đá, phần còn lại của những công trình được Pháp xây dựng, rất thích hợp để bảo tồn, phát triển du lịch. Hiện nay, tại số 31 Cầu Mây còn giữ được 1 trụ cổng và tại tổ 4, phường Sa Pa có 1 cổng đá còn khá nguyên vẹn.

Anh Tô Bá Hiếu giới thiệu về chiếc cổng đá tại số 31 Cầu Mây.

Từ góc độ của người làm du lịch, anh Tô Bá Hiếu cho rằng, việc gìn giữ, bảo tồn các công trình, kiến trúc di sản rất có giá trị trong phát triển du lịch. Những chiếc cột đá, cổng đá tại Sa Pa là công trình “độc nhất vô nhị”. Rất có thể ở Sa Pa còn nhiều công trình như thế trong các khu dân cư. Nếu không được bảo tồn, phục dựng thì các công trình sẽ mai một theo thời gian. Cột đá, cổng đá có giá trị nghệ thuật và lịch sử, phù hợp làm điểm check-in và chắc chắn sẽ có nhiều du khách thích thú với những công trình này.

Chia tay anh Hiếu với những bức ảnh hiếm về Sa Pa và câu chuyện về những dấu tích “di sản” cần bảo tồn, chúng tôi tìm gặp anh Đỗ Xuân Tựa, thầy giáo mỹ thuật từ Phú Thọ lên Sa Pa công tác, ở thôn Bản Pho, xã Mường Hoa - người có nhiều “công trình nhỏ” làm đẹp cho vùng đất du lịch này.

Công trình đầu tiên anh đóng góp cho “quê hương thứ 2” của mình là cổng thôn Bản Pho được lấy cảm hứng cây rừng trên núi Hoàng Liên và bãi đá cổ Sa Pa. Công trình ngay sau đó đã tạo ấn tượng mạnh, trở thành điểm check-in của du khách khi đến bãi đá cổ Sa Pa.

Anh Đỗ Xuân Tựa bên công trình biển tên điểm du lịch cộng đồng thôn Sín Chải.

Chiếc cổng thứ 2 mà anh Tựa cùng cộng sự thực hiện là cổng, biển tên điểm du lịch cộng đồng thôn Sín Chải, tổ 3, phường Ô Quý Hồ. Công trình được lấy ý tưởng từ cây rừng, đá núi cùng các họa tiết thổ cẩm, ruộng bậc thang đặc trưng của vùng đất Sa Pa. Đặc biệt, điểm nhấn của biển tên điểm du lịch là hình tượng đôi trai gái người Mông múa khèn ô, phía sau là ruộng bậc thang, núi rừng Hoàng Liên kỳ vỹ. Tất cả được vẽ hài hòa trên khuôn bê tông tạo hình khối đá, đặt trên gốc cây lớn.

Ngoài những công trình cổng thôn, biển tên để lại ấn tượng cho du khách, với tài năng hội họa của mình, anh Tựa còn là tác giả của nhiều bức vẽ đường thổ cẩm tại các điểm du lịch hoặc những bức vẽ khắp phố phường, cột điện… làm đẹp cho thị xã Sa Pa.

“Tôi luôn coi Sa Pa là quê hương thứ hai của mình và muốn góp một phần nhỏ bé tạo nên những công trình khác biệt, mang bản sắc riêng của vùng đất Sa Pa, để du khách tới đây ấn tượng, dành thời gian ở lại chụp ảnh, ngắm nhìn”

Anh Đỗ Xuân Tựa tâm sự.

Ngoài anh Tô Bá Hiếu và anh Đỗ Xuân Tựa, ngày ngày vẫn còn rất nhiều người “nặng lòng” với Sa Pa và công tác phát triển du lịch bền vững của địa phương. Họ dù không sinh ra tại “thành phố trong sương”, nhưng coi mảnh đất này là “quê hương thứ hai” để góp sức xây dựng du lịch Sa Pa ngày càng phát triển và đẹp hơn trong mắt du khách.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nang-long-voi-du-lich-sa-pa-post373935.html