Nâng chất giáo dục

Đón nhận thông tin về chủ trương dạy học 2 buổi/ngày không thu phí ngay từ năm học 2025 - 2026, với bậc Tiểu học và Trung học cơ sở, người dân đang kỳ vọng chính sách mang tính đột phá này sẽ giảm gánh nặng tài chính cho các gia đình, góp phần nâng 'chất' giáo dục. Dẫu thế, còn không ít băn khoăn về những khoản phụ phí trong nhà trường - nếu công tác quản lý, giám sát lỏng lẻo.

Trên thực tế, kể từ khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học là bắt buộc nên hầu hết các địa phương đều tiệm cận ở mức 100% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, ở cấp trung học cơ sở (THCS) thì việc này phụ thuộc rất lớn vào điều kiện thực tế và sự chủ động của mỗi địa phương.

Đơn cử như Lào Cai là địa phương sớm nhất áp dụng mô hình này, bắt đầu từ năm học 2019-2020. Tính đến thời điểm này, nhiều địa phương đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; trong đó 5 ngày/tuần ở cấp THCS là Lào Cai, Yên Bái, Ninh Bình, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ… Tại Hà Nội, học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày đạt gần 100%, nhưng ở cấp THCS tỷ lệ này thấp và có sự chênh lệch giữa các quận, huyện.

Ngành giáo dục các địa phương cho hay, việc học 2 buổi/ngày ở trường và nghỉ học 2 ngày cuối tuần giúp học sinh có thêm thời gian tham gia các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống, còn giáo viên sẽ được nghỉ ngơi, tập trung học hỏi, nâng cao nghiệp vụ.

Thời gian qua, thông tin năm học 2025-2026, học sinh học sinh từ cấp học mầm non đến hết trung học phổ thông (THPT) được miễn học phí hoàn toàn; cùng đó là chủ trương dạy học 2 buổi/ngày không thu phí với bậc tiểu học, THCS đã làm nức lòng người dân, phụ huynh cả nước. Chính sách mới đang dược kỳ vọng sẽ tạo ra sự bình đẳng, công bằng với tất cả học sinh. Song thực tế nhiều năm học qua cũng cho thấy, các khoản thu của hệ thống trường công lập, đặc biệt ở khu vực thành thị, ngoài học phí vẫn còn rất nhiều khoản thu khác, từ tiền nước uống, tiền vệ sinh, tiền thiết bị dụng cụ học tập, liên kết dạy tiếng Anh, tin học, kỹ năng sống…

Những băn khoăn này không phải không có cơ sở, bởi trước đó thực hiện siết dạy thêm trong nhà trường, mục đích để thầy - trò tập trung vào dạy - học chính khóa, đảm bảo khối lượng kiến thức cho học trò ngay trên lớp. Vậy mà khi triển khai, không ít thầy cô vẫn tổ chức dạy thêm ở các trung tâm bên ngoài nhà trường và “kéo” học sinh học thêm. Cách lách luật này không sai, nhưng về bản chất là học sinh vẫn phải đi học thêm. Điều đáng lưu tấm, việc siết lại dạy thêm trong trường đã ngăn chặn trường công trở thành đơn vị dùng cơ sở vật chất công ích dạy thêm thu phí, nhưng chưa ngăn chặn được nhiều chương trình hợp tác, liên kết xen ngang vào thời khóa biểu.

Trở lại với nỗi lo phụ phí, có rất nhiều yếu tố nhạy cảm khi các gia đình khó khăn phản kháng với những khoản phí thu thêm theo hình thức tự nguyện “bắt buộc", nên họ chọn cách im lặng và chịu đựng vì con.

Vì thế, nhiều phụ huynh bày tỏ hi vọng và mong muốn việc miễn học phí học 2 buổi/ngày cùng với hướng dẫn của Bộ GDĐT về nội dung dạy học trong nhà trường khi học 2 buổi sẽ được giám sát, quản lý chặt chẽ để đảm bảo đúng mục tiêu nâng chất giáo dục, tránh để xảy ra tình trạng các trường đưa thêm các môn học, hoạt động giáo dục liên kết với các đơn vị ngoài nhà trường để tăng các khoản thu. Nếu không, mọi chủ trương đổi mới khi áp vào triển khai vẫn là câu chuyện bình mới rượu cũ.

Ngoài ra, còn một yếu tố khác để đảm bảo cho việc dạy 2 buổi/ngày, miễn học phí từ năm học tới là cần chú trọng, quan tâm tới việc đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và chương trình dạy học phù hợp.

Minh Quang

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nang-chat-giao-duc-10305486.html