Nâng chất bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
Cục Đường bộ Việt Nam đề ra nhiều giải pháp để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng, đảm bảo chất lượng, an toàn giao thông.
Nhiều công trình giao thông quan trọng được đưa vào khai thác, vận hành thời gian qua đã góp phần tăng kết nối, giảm ùn tắc giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, một số chuyên gia giao thông cho rằng, song song với việc phát triển thì nhiệm vụ bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, trật tự an toàn giao thông cũng rất quan trọng.
Theo đánh giá của Cục Đường bộ Việt Nam, hệ thống quốc lộ hiện nay có hơn 25.000 km và hơn 6.700 cây cầu với giá trị ước tính khoảng 3 triệu tỷ đồng. Đây là khối tài sản lớn của đất nước. Vì vậy, đòi hỏi phải nâng cao chất lượng bảo trì đường bộ, quản lý hiệu quả đồng vốn, đáp ứng an toàn, đúng pháp luật và chặt chẽ hơn.
Ông Lê Hồng Điệp, Trưởng phòng - Phòng Quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông (Cục Đường bộ Việt Nam) cho hay, việc quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông thời gian qua đã đạt được các kết quả tích cực, hệ thống quốc lộ được duy trì, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân an toàn, thông suốt; chất lượng phục vụ của đường ngày càng tốt lên, ứng dụng khoa học công nghệ, vật liệu mới, tiên tiến được đẩy mạnh, thời hạn khai thác kéo dài.
Cụ thể, ông Lê Hồng Điệp dẫn chứng, chiều dài đường rải bê tông nhựa tăng từ gần 50% năm 2015 lên trên 70% năm 2022, hàng nghìn km quốc lộ mặt được mở rộng; trên 40 điểm thường xuyên ngập lụt tại Tây Nam bộ đã được sửa chữa, nâng cấp; hàng trăm điểm đen và điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đã được sửa chữa, khắc phục.
“Về công trình an toàn giao thông đã sửa chữa, bổ sung hàng nghìn km hộ lan, hàng vạn cọc tiêu, biển báo, hàng chục vị trí xây dựng đường cứu nạn và các công trình an toàn giao thông khác đã được sửa chữa, bổ sung để hệ thống quốc lộ ngày càng an toàn với tốc độ và lưu lượng giao thông ngày càng tăng”, ông Lê Hồng Điệp nhìn nhận.
Đáng chú ý, việc sửa chữa khắc phục hậu quả thiên tai đã có nhiều chuyển biến tích cực, từ khâu xây dựng thể chế, đến bổ sung nguồn lực và đặc biệt đã thực hiện tốt chủ trương 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) để sửa chữa, khắc phục kịp thời thông đường sớm, bảo đảm giao thông an toàn…
Tuy nhiên, ông Lê Hồng Điệp cho rằng, bên cạnh các kết quả tích cực thì hoạt động quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông cũng còn những bất cập như quy mô, chất lượng các tuyến quốc lộ chưa đều, nhiều tuyến quốc lộ chất lượng tốt, nhưng cũng có một số đoạn quốc lộ còn hạn chế, chất lượng quản lý, bảo trì (sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên) vẫn còn tồn tại, hạn chế.
Vì vậy, Cục Đường bộ Việt Nam đề ra nhiều giải pháp để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng, đảm bảo chất lượng, an toàn giao thông.
Đồng thời, cải thiện chất lượng phục vụ giao thông theo hướng an toàn, thông suốt, êm thuận, hệ thống biển báo hoạt động hiệu quả; phát hiện và có biện pháp phòng ngừa, xử lý sớm, không để cầu và các công trình đang khai thác có nguy cơ dẫn đến sự cố, hoặc xảy ra sự cố công trình.
Nghị quyết chuyên đề 06-NQ/ĐU ngày 10/11/2022 của Đảng ủy Cục Đường bộ Việt Nam về tăng cường các giải pháp để đảm bảo chất lượng công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng.
Theo đó, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ thực hiện sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật; đổi mới việc kiểm tra quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ; quản lý dự án và lựa chọn tư vấn lập dự án, thiết kế các dự án sửa chữa công trình đường bộ; tăng cường quản lý, kiểm tra đối với các công trình cầu.
Đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế của các công ty có năng lực, kinh nghiệm quản lý, bảo dưỡng thường xuyên công trình đường bộ; quản lý, bảo quản, sử dụng và bảo trì các nhà hạt thuộc tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ của nhà nước; triển khai áp dụng Chính phủ điện tử, Chính phủ số trong quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ; khen thưởng và xử lý vi phạm chất lượng quản lý, bảo trì.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, việc nâng cao chất lượng bảo trì đường bộ là vấn đề sống còn trong bối cảnh hiện nay. Trong bảo trì có 3 vấn đề lớn là sửa chữa thường xuyên, định kỳ, đột xuất.
Trong đó, việc đầu tiên phải làm là nâng cao chất lượng hồ sơ, đổi mới trách nhiệm của tư vấn, thiết kế, thẩm định, phê duyệt. Tôn trọng vấn đề chất lượng bảo trì ngay từ tư tưởng chỉ đạo giữa các chủ đầu tư, nhà thầu, phải nghiêm túc coi trọng chất lượng, không được để công trình nào xảy ra vấn đề về chất lượng không đảm bảo.
Trong điều kiện chỉ còn 2 cấp quản lý, khi Tổng cục Đường bộ Việt Nam chia tách thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường cao tốc Việt Nam, ông Thắng cho hay, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ rà soát lại theo hướng phân cấp, phân quyền trong duy tu, quản lý bảo trì phù hợp. Những gì Khu Quản lý Đường bộ, Sở Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án làm được sẽ được giao ngay.
Nhấn mạnh mục tiêu lấy con đường, an toàn và hiệu quả là trung tâm, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, hệ thống đường bộ rộng lớn và có giá trị nên cần có các “chân rết” là các doanh nghiệp quản lý bảo trì đường bộ truyền thống.
Từ quan hệ hợp đồng giữa hai bên có thể nâng lên thành đối tác chiến lược cùng bảo vệ con đường, cây cầu được an toàn, khai thác hiệu quả. Khi là đối tác chiến lược, các doanh nghiệp cũng phải nâng tầm hệ thống máy móc thiết bị cũng như con người phải đáp ứng được yêu cầu.
Chia sẻ thêm, ông Lê Hồng Điệp, Trưởng phòng - Phòng Quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông (Cục Đường bộ Việt Nam) cho hay, thời gian tới, để nâng cao chất lượng bảo trì đường bộ, góp phần gìn giữ kết cấu hạ tầng giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiếp tục kiến nghị từng bước tăng tổng vốn dành cho quản lý, bảo trì quốc lộ; bổ sung vốn để duy trì hoạt động các hệ thống phần mềm, công nghệ thông tin phục vụ quản lý, cập nhật, khai thác sử dụng dữ liệu cầu, đường, kết cấu hạ tầng đường bộ.
Qua đó bảo đảm sự hoạt động các hệ thống này liên tục, khai thác hiệu quả trong quản lý, bảo trì, lập kế hoạch thực hiện bảo trì, theo dõi, dự đoán, tình trạng xuống cấp; phục vụ kiểm định định kỳ, đánh giá an toàn công trình.
Đặc biệt, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nhà thầu tham gia bảo trì quốc lộ để theo dõi, đánh giá chất lượng thực hiện của nhà thầu, nhằm phân loại trong lựa chọn nhà thầu; có hình thức khen thưởng khuyến khích kịp thời hàng năm.
Ông Lê Hoàng Minh, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho hay, để tăng cường hiệu quả trong bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung hệ thống văn bản pháp luật để điều chỉnh hoạt động liên quan đến vấn đề này. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tăng cường phân cấp, ủy quyền cho các Sở Giao thông Vận tải địa phương trong quản lý hoạt động bảo dưỡng, duy tu hệ thống đường giao thông.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu các đơn vị trong ngành đường bộ tăng cường ứng dụng công nghệ, vật liệu mới trong bảo dưỡng, duy tu, qua đó tăng tuổi thọ con đường, cây cầu và tiết kiệm được nguồn vốn bảo trì.
Thông tin thêm, ông Lê Hoàng Minh cho biết, năm 2023, ngành đường bộ sẽ có nguồn vốn khoảng 12.000 tỷ đồng tăng khoảng 10% so với năm 2022. Mặc dù ngân sách còn khó khăn nhưng đây sẽ là nguồn lực quan trọng giúp duy trì, nâng cao tuổi thọ cho hệ thống kết cấu giao thông đường bộ, qua đó góp phần vào thúc đẩy hoạt động phát triển kinh tế - xã hội./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nang-chat-bao-tri-ket-cau-ha-tang-giao-thong-duong-bo/282850.html