Nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh
Hiện, toàn tỉnh có gần 320.000 số thuê bao điện thoại thông minh (ĐTTM). Việc nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng ĐTTM góp phần thực hiện công tác chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Sáu - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Hiện nay tỷ lệ phủ sóng di động ở các thôn, bản, tổ dân phố chiếm 97,27%; tỷ lệ phủ internet không dây chiếm 82,93%; tỷ lệ phủ internet có dây đạt 80,20%. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng mạng internet băng thông rộng, cáp quang là 41,5%, tương đương với khoảng 43.391 số hộ gia đình có kết nối/104.563 tổng số hộ gia đình. Toàn tỉnh có gần 320.000 số thuê bao di động thông minh, trong đó, số dân trưởng thành có ĐTTM đạt 60%. Đây là những nỗ lực của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh trong việc đẩy mạnh thực hiện công tác chuyển đổi số.
Để có được những kết quả nổi bật đó, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, kế hoạch thực hiện công tác chuyển đổi số, định hướng phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh nhằm mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử; quan tâm đầu tư hạ tầng mạng viễn thông di động, kết nối đến 100% các xã, bản, khu dân cư. Trên cơ sở đó, các ngành, địa phương, đơn vị viễn thông đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, vai trò quan trọng của chuyển đổi số bằng nhiều hình thức phong phú: phát động phong trào thi đua hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, Tháng tiêu dùng số; treo băng-rôn, khẩu hiệu; ra quân phổ biến, hỗ trợ người dân sử dụng sản phẩm, dịch vụ số.
Thực hiện hiệu quả các đề án của Chính phủ về: “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 -2025, tầm nhìn đến 2030”; “Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt”. Tăng cường phổ cập cho người dân sử dụng ứng dụng VneID có giá trị tương đương thẻ căn cước. Tuyên truyền, khuyến khích các cửa hàng, cửa hiệu, bệnh viện, trường học hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt. Sử dụng nền tảng số để quảng bá bản sắc văn hóa, truyền thống lịch sử, sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Triển khai các kênh tư vấn, hỏi đáp, trợ lý ảo về kinh tế số, xã hội số, hỗ trợ người dân nâng cao kỹ năng số, sử dụng nền tảng số, dịch vụ số và công nghệ số.
Ông Nguyễn Văn Thủy - Chủ tịch UBND xã Bản Lang (huyện Phong Thổ) cho hay: Xã tích cực khuyến khích nhân dân sử dụng ĐTTM, tận dụng tối đa tiện ích sẵn có để phục vụ cuộc sống hằng ngày như giải trí, xem tin tức; giao dịch mua bán hàng trực tuyến. Thông qua ĐTTM, bà con có thể kinh doanh bán hàng online tăng thu nhập. Khi Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 -2025, tầm nhìn đến 2030”, xã chỉ đạo đội ngũ cán bộ, công chức xã phối hợp với lực lượng công an đến từng thôn, bản để tuyên truyền, vận động bà con mua ĐTTM nhằm hoàn thiện dữ liệu dân cư trên hệ thống quản lý quốc gia, kích hoạt tài khoản định danh điện tử; hướng dẫn, hỗ trợ từng người dân sử dụng các tính năng của điện thoại, các bước tra cứu thông tin. Đến nay, hầu hết các hộ gia đình trên địa bàn xã đều có ít nhất một chiếc ĐTTM.
Ngoài ra, các ngành, địa phương trong tỉnh tích cực phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông triển khai dịch vụ Mobile Money, phát triển điểm kinh doanh và đơn vị chấp nhận thanh toán. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có thể nạp, rút, chuyển tiền và thanh toán bằng tài khoản Mobile Money mà không cần có tài khoản ngân hàng.
Để tăng tỷ lệ người dân sử dụng ĐTTM, các doanh nghiệp viễn thông, cửa hàng điện máy, thế giới di động… thường xuyên có chương trình khuyến mãi, giảm giá ưu đãi cho người dân. Cụ thể như: tặng 1 tháng cước dịch vụ, tặng 10% thẻ cào, tặng quà cho khách hàng thứ 10, 101, 1010; mua điện thoại trả góp 0%...
Chị Mè Thị Định ở xã Phúc Than (huyện Than Uyên) phấn khởi chia sẻ: Tôi sử dụng ĐTTM được mấy năm nay. Tôi thấy rất hay, thiết thực cho cuộc sống. Từ chiếc điện thoại này, tôi có thể gọi video cho người thân hàng ngày; kết nối, trò chuyện với bạn bè muôn phương qua zalo, facebook; đọc báo, mua hàng online. Hiện nay, tôi còn biết quay cả video các bài múa, hát do chị em trong bản biểu diễn để làm tiktok, giới thiệu cho mọi người biết về văn hóa của dân tộc Thái chúng tôi.
Thời gian tới, các ngành, địa phương, đơn vị viễn thông tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ để tuyên truyền, vận động người dân sử dụng ĐTTM. Phấn đấu đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử; mỗi hộ gia đình có một thiết bị thông minh, mỗi người dân trưởng thành đều có ĐTTM.