Nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển kinh tế nông nghiệp
Để kinh tế nông nghiệp ở địa phương phát triển hiệu quả, bền vững, những năm qua, tỉnh Quảng Trị triển khai đồng bộ các chính sách của trung ương trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển toàn diện, góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và cải thiện đời sống người dân nông thôn.

Mô hình nuôi cá kết hợp chăn nuôi vịt hiệu quả ở Triệu Phong -Ảnh: M.L
UBND tỉnh đã cụ thể hóa, ban hành các kế hoạch, cơ chế chính sách và bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện chính sách phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025.
Triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phát triển lâm nghiệp bền vững; các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế thủy sản, hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm...Huy động nguồn vốn đầu tư ngân sách địa phương cho phát triển nông nghiệp hỗ trợ các sản phẩm chủ lực, thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp hữu cơ và xây dựng nông thôn mới.
Từ các nguồn vốn huy động được, tỉnh thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh như lúa chất lượng cao, cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, dược liệu, gỗ nguyên liệu, con bò và con tôm. Đến nay, có hơn 1.784 ha cây trồng có liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, sản lượng chăn nuôi hằng năm đều tăng trên 15%.
Nhiều sản phẩm đã xây dựng được chuẩn hóa và xây dựng thương hiệu; được hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế như: gạo hữu cơ, hồ tiêu hữu cơ, cà phê chè Khe Sanh, cao dược liệu, gỗ trồng rừng đạt chứng chỉ trồng rừng bền vững (FSC, PEFC, ...); thúc đẩy chế biến sâu, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn tiên tiến như HACCP, ISO 22000, GMP.
Đến nay, toàn tỉnh có 172 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó có 2 sản phẩm OCOP được công nhận OCOP 5 sao, 33 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 137 sản phẩm đạt 3 sao. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn ưu tiên nguồn vốn tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn. Từ đó cung cấp nguồn vốn cho nhu cầu đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Nhờ triển khai tích cực các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng nông-lâm-ngư nghiệp của Quảng Trị bình quân 5 năm trở lại đây đạt 2,96%, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra (KH: 2,5-3%/năm). Sản lượng lương thực có hạt bình quân đạt 29 vạn tấn/ năm, đạt 111,6% so với kế hoạch (mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh là 26 vạn tấn). Chăn nuôi phát triển theo hình thức thâm canh bán công nghiệp và công nghiệp, hình thành nhiều gia trại, trang trại, áp dụng có hiệu quả nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng tốc độ chu chuyển, nâng cao chất lượng đàn, tăng sản lượng thịt hơi xuất chuồng cũng như giá trị sản xuất của chăn nuôi.
Công tác bảo vệ và phát triển rừng luôn được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và triển khai đồng bộ, tỉ lệ che phủ rừng được duy trì hằng năm đạt gần 50%. Đến nay toàn tỉnh có 26.002,90 ha rừng có chứng chỉ FSC, tăng 27,7% so với năm 2020, là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích rừng trồng được tổ chức quốc tế cấp chứng chỉ FSC.
Phát huy tiềm năng lợi thế về kinh tế biển, đẩy mạnh khai thác, nuôi trồng đi đôi với bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản; từng bước chuyển dịch, phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững. Diện tích nuôi thủy sản đạt 3.141ha, trong đó hơn 110 ha nuôi thủy sản theo hướng công nghệ cao.
Chất lượng khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) ngày càng được nâng cao. Toàn tỉnh có 318 HTX nông nghiệp và 2 liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX, tăng 28 HTX so với năm 2020. Có 193 HTX xếp loại khá, tốt, 81 HTX có tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên của HTX, chiếm 25,47% số HTX; 28 HTX có sản phẩm OCOP 3 sao trở lên.
Giai đoạn 2020- 2025, toàn tỉnh có thêm 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn đến cuối năm 2024 là 75/101 xã, chiếm 74,25% (nếu tính số xã sau sáp nhập hiện nay là 69/95 xã); dự kiến cuối năm 2025 có thêm 6 xã, nâng số xã đạt chuẩn lên 75/95 xã đạt chuẩn (số xã tính sau sáp nhập), đạt 78,9% xã đạt chuẩn.Đến nay có 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có thêm 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Trong giai đoạn 2021-2024, tổng giá trị đầu tư công trong nông nghiệp đã thực hiện đạt 674 tỉ đồng, điều đó cho thấy sự quan tâm và ưu tiên của Nhà nước đối với lĩnh vực đầu tư công trong nông nghiệp.
Mặc dù là tỉnh có ngân sách còn hạn hẹp, tuy nhiên nguồn vốn chi thường xuyên trong nông nghiệp vẫn được tỉnh duy trì và tăng đều qua các năm. Trong giai đoạn 2015-2024 ngân sách chi thường xuyên cho nông nghiệp là 1.950 tỉ đồng, trong đó từ năm 2021 đến năm 2024 là 754 tỉ đồng.
Nhìn chung, kinh tế nông nghiệp của tỉnh tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí chiến lược trong nền kinh tế, an ninh lương thực được đảm bảo, cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung chuyên canh, thâm canh, khai thác được tiềm năng đất đai và lợi thế mỗi vùng, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế.