Nâng cao chất lượng giáo viên ngoại ngữ: 'Giữ lửa' cho mỗi thầy cô
Ngoại ngữ là môn đặc thù, bồi dưỡng giáo viên cho môn học này cần chú trọng hình thức trực tuyến để giáo viên học mọi lúc mọi nơi, đặc biệt chú trọng khâu đánh giá, giám sát chất lượng bồi dưỡng để tăng cường hiệu quả sau bồi dưỡng.
Để giáo viên được chia sẻ kinh nghiệm
Từ một địa phương có kết quả dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh không cao, 3 năm gần đây, Nam Định đã có sự bứt phá để liên tục nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có kết quả trung bình môn Tiếng Anh trong kỳ thi thi THPT quốc gia cao nhất cả nước. Chia sẻ về kết quả này, ông Bùi Văn Khiết, Trưởng phòng Trung học, Sở GD&ĐT Nam Định cho biết, giải pháp nằm ở nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.
“Năm 2011, khi bắt đầu triển khai Đề án Ngoại ngữ quốc gia, Nam Định rất khó khăn về đội ngũ giáo viên do mặt bằng chất lượng không đồng đều, nhiều giáo viên trước khi thực hiện đề án không hiểu hết nội dung sách giáo khoa, phát âm còn sai. Nam Định bước vào cuộc rà soát, phân loại trên diện rộng để đưa ra giải pháp bồi dưỡng cho từng đối tượng giáo viên khác nhau. Kết quả đến nay, chỉ còn 10% giáo viên ngoại ngữ của Nam Định không đạt chuẩn năng lực theo đề án”, ông Khiết cho hay.
Cách thức bồi dưỡng giáo viên của Nam Định là kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến, trong đó chú trọng để giáo viên được chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp, tài liệu, giáo án và chú trọng hoạt động đánh giá sau bồi dưỡng. Sự hỗ trợ của Hội đồng Anh trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cũng là một yếu tố giúp chất lượng dạy và học tiếng Anh của Nam Định nâng lên.
“4 năm trước, khảo sát của Nam Định cho thấy, chỉ có khoảng 20% học sinh cảm thấy hào hứng với giờ học tiếng Anh, đến nay con số đó là 60%. Hội đồng Anh đã về Nam Định dự các giờ học, chỉ ra vấn đề của từng giáo viên, sau đó thiết kế chương trình, kế hoạch bồi dưỡng, thực hiện các giờ dạy mẫu, sau khi tổ chức bồi dưỡng, hoạt động dự giờ lại được lặp lại để đánh giá chất lượng giáo viên và mức độ hài lòng của học sinh. Đã có 580 giáo viên trong toàn tỉnh được Hội đồng Anh hỗ trợ bồi dưỡng”, ông Khiết nói.
Cũng là địa phương luôn nằm trong top đầu cả nước về kết quả thi môn ngoại ngữ song Khánh Hòa không phải không có khó khăn trong công tác bồi dưỡng giáo viên. Theo bà Đỗ Thị Huyền Trang (Phòng Trung học, Sở GD&ĐT Khánh Hòa), vấn đề nằm ở chính đội ngũ giáo viên, nhiều giáo viên vẫn chưa thực sự hướng vào việc giảng dạy mà vẫn đặt nặng thành tích thi cử, nên thời gian đầu sau khi tham gia bồi dưỡng dạy rất tốt, chú trọng phương pháp mới, nhưng qua một thời gian lại quay về phương pháp cũ.
“Quan trọng là phải quan tâm tới tâm tư nguyện vọng của học sinh, các thầy cô đổi mới, nâng cao trình độ là vì học sinh chứ không phải vì thành tích”, bà Trang nêu quan điểm.
Bồi dưỡng phải là nhu cầu tự thân
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, Thông tư 26 về quy chế bồi dưỡng thường xuyên đã quy định, hàng năm giáo viên phải tự đăng ký nội dung bồi dưỡng, trên cơ sở đó nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục sẽ tổng hợp và triển khai bồi dưỡng.
Tuy nhiên, việc này vẫn còn hình thức vì không ít giáo viên khi lựa chọn nội dung bồi dưỡng không xuất phát từ nhu cầu, việc đánh giá kết quả bồi dưỡng cũng chưa đạt hiệu quả như mong muốn, giám sát chất lượng bồi dưỡng ở các cấp còn hạn chế.
“Ngoại ngữ là môn đặc thù, bồi dưỡng giáo viên cho môn học này cần chú trọng hình thức trực tuyến để giáo viên học mọi lúc mọi nơi, đặc biệt chú trọng khâu đánh giá, giám sát chất lượng bồi dưỡng để tăng cường hiệu quả sau bồi dưỡng”, ông Tuấn Anh đề nghị.
Ông Vũ Văn Dũng, Trưởng phòng Trung học, Sở GD&ĐT Tuyên Quang đặt vấn đề, nên có nghiên cứu để đổi mới chương trình bồi dưỡng theo hướng chú trọng đồng đều nội dung kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ, không nên theo định hướng bài thi như hiện nay.
“Nên có giáo viên người nước ngoài tham gia bồi dưỡng, cũng cần mở rộng tài liệu, học liệu như sách, bài giảng trực tuyến cho giáo viên. Chú trọng bồi dưỡng nâng cao phương pháp, nghiệp vụ sư phạm. Thực hiện nghiêm túc việc thanh tra, kiểm tra tư vấn sau bồi dưỡng, làm sao “giữ lửa” để giáo viên tiếp tục áp dụng các kiến thức, phương pháp được bồi dưỡng vào thực tế giảng dạy”, ông Dũng nêu một số giải pháp nâng cao chất lượng bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ.
Để việc bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ đạt yêu cầu, ông Trần Hữu Phúc, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng cho rằng, phải để các thầy cô thấy được bồi dưỡng là nhu cầu tự thân, là “liều thuốc tinh thần”, niềm vui chứ không phải áp lực, thúc ép.
Cần chính sách hỗ trợ đào tạo
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tiếng Anh thành công tại Thái Lan và 4 tỉnh, thành phố của Việt Nam (Nam Định, Cần Thơ, Bắc Giang và Lạng Sơn), bà Sadie Maddocks, Cố vấn đào tạo cao cấp của Hội đồng Anh cho biết: “Chương trình bồi dưỡng của chúng tôi có thời lượng từ 60 đến 100 giờ bao gồm nhiều nội dung thực tiễn hơn lý thuyết. Chúng tôi cũng khuyến khích xây dựng văn hóa phát triển chuyên môn thường xuyên trong nhà trường thông qua hoạt động giảng dạy mẫu và dự giờ của giảng viên Hội đồng Anh với các em học sinh trong lớp học thực tế”.
Để việc bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ và năng lực sư phạm giảng dạy tiếng Anh cho các giáo viên khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa của Việt Nam đạt hiệu quả, ông Jacob Heinrich, Trưởng Khoa tiếng Anh, Đại học RMIT đề xuất việc bồi dưỡng cần được thực hiện theo các khóa học tập trung, tách biệt với các hoạt động khác, kết hợp giảng dạy trực tuyến với tương tác chặt chẽ giữa giảng viên bồi dưỡng và giáo viên, tạo động lực tự học, tự bồi dưỡng cho giáo viên.
Đại diện Apollo Việt Nam và Đại học Anh quốc Việt Nam, bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc Pháp chế và đối ngoại cho rằng, để thúc đẩy đào tạo giáo viên tiếng Anh có hiệu quả, cần quan tâm tới các chính sách hỗ trợ đào tạo để tạo động lực cho giáo viên. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng cần xây dựng lộ trình cụ thể những chính sách ưu tiên cho 5-10 năm tới để thúc đẩy việc dạy và học ngoại ngữ, trong đó có đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.
Nhận định bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ phải là một quá trình liên tục, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, bồi dưỡng không phải để giáo viên giỏi trong mấy tháng mà phải giỏi liên tục, muốn vậy cần phải có các chương trình, học liệu phù hợp để sau khi kết thúc bồi dưỡng, giáo viên tiếp tục tự học nâng cao kiến thức của mình.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, với vai trò của mình, Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện, ban hành và tham mưu ban hành các chính sách phù hợp, minh bạch, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ, đặc biệt là giáo viên tiếng Anh trong thời gian tới.