Nâng cao chất lượng giáo dục học sinh rối loạn phát triển
Ngày 28/11 tại Hà Nội đã diễn ra khai mạc hội thảo quốc tế 'Giáo dục học sinh rối loạn phát triển' lần thứ 2 với chủ đề: Nâng cao chất lượng mô hình giáo dục học sinh rối loạn phát triển.
Hội thảo có sự tham dự của 250 đại biểu. Trong đó 50 đại biểu quốc tế đến từ các nước Anh, Pháp, Nauy, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia…; 200 đại biểu Việt Nam là đại diện lãnh đạo Bộ GDĐT, các Sở GDĐT, chuyên gia về giáo dục đặc biệt, các cơ sở giáo dục trẻ khuyết tật, các tổ chức xã hội dân sự và vì người khuyết tật.
Hội thảo nhận được sự quan tâm chia sẻ những nghiên cứu mới nhất của nhiều diễn giả như: Ông Cho Joon Ho – Giám đốc Tổ chức Angel’s Haven, Hàn Quốc; GS Dong Young Chung – Đại học Giáo dục Quốc gia Hàn Quốc; TS Jaeyeon Ryu, Đại học Zararene, Hàn Quốc; TS Hitoshi Kaneko- Trung tâm Hỗ trợ tâm lý và Nghiên cứu phát triển nhân lực, Đại học Nagoya Nhật Bản… Đây là những chuyên gia hàng đầu trong khu vực và thế giới về các lĩnh vực có liên quan đến chăm sóc, hỗ trợ và giáo dục học sinh rối loạn phát triển.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Trần Công Phong - Viện trưởng, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết: Trẻ khuyết tật (TKT) nói chung, trẻ rối loạn phát triển (RLPT) nói riêng là một trong những đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất trong học tập, phát triển và hòa nhập xã hội.
Làm thế nào tất cả TKT được giáo dục có hiệu quả và phát triển hết khả năng để trở thành những người sống độc lập và có ích cho xã hội?... Đó là những câu hỏi mà các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực luôn trăn trở tìm kiếm câu trả lời.
Cũng theo sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối nhiễu tâm thần, cơ thể phân rối loạn phát triển gồm 6 nhóm: Khuyết tật trí tuệ; Rối loạn giao tiếp; Rối loạn phổ tự kỷ; Rối loạn tăng động/giảm chú ý; Rối loạn học tập đặc thù; Rối loạn vận động.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy tại 18 quốc gia thu nhập thấp và trung bình cho thấy 23% trẻ em từ 2-9 tuổi có nguy cơ hoặc có một khuyết tật phát triển… Chính vì vậy, việc thúc đẩy phát triển tiềm năng của trẻ em là đòn bẩy quan trọng để tối đa hóa tiềm năng kinh tế của một quốc gia.
Các đại biểu đã tập trung trao đổi theo chủ đề chính: Ứng dụng trị liệu hoạt động và Tâm vận động trong đánh giá, can thiệp và xây dựng môi trường giáo dục phù hợp cho trẻ RLPT; Đánh giá, can thiệp và xây dựng môi trường phù hợp cho trẻ khuyết tật trí tuệ; Phát hiện, can thiệp và xây dựng môi trường giáo dục phù hợp cho trẻ Rối loạn phổ tự kỷ; Xây dựng môi trường giáo dục phù hợp cho trẻ RLPT.
3 mục tiêu cơ bản được hội thảo hướng tới: Cung cấp thông tin khoa học, cập nhật quan điểm về học sinh rối loạn phát triển trên thế giới và Việt Nam;
Chia sẻ các kết quả nghiên cứu lí luận và thực tiễn phát triển mô hình giáo dục học sinh rối loạn phát triển, các phương pháp, kĩ thuật và hình thức tổ chức can thiệp, hỗ trợ học sinh rối loạn phát triển, trong đó có học sinh rối loạn phổ tự kỉ; các xu hướng phát triển mô hình giáo dục học sinh rối loạn phát triển trên thế giới và Việt Nam;
Xây dựng mạng lưới giao lưu chia sẻ kinh nghiệm giữa các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, giáo viên, cha mẹ và những người quan tâm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục học sinh rối loạn phát triển.
Hội thảo quốc tế “Giáo dục học sinh rối loạn phát triển” lần thứ 2 sẽ kết thúc vào ngày 29/11.