Năm ứng viên sáng giá cho vị trí Tổng thống Iran

Dù ông Mohammad Mokhber đang nắm chức vụ quyền Tổng thống Iran nhưng 4 cái tên sau đây hứa hẹn sẽ là đối thủ đáng gờm trong cuộc bầu cử Tổng thống Iran sắp tới.

Theo tờ National, các ứng viên Tổng thống sẽ đăng ký tranh cử từ ngày 20-30/5 và Hội đồng Giám hộ Iran gồm 12 giáo sĩ và thẩm phán cao cấp phụ trách tiến trình bầu cử sẽ tiến hành sàng lọc ứng viên.

Giới phân tích nhận định, quyền Tổng thống Mohammad Mokhber được cho là có nhiều cơ hội trở thành Tổng thống mới của Iran nhất khi ông cũng là tay chân thân tín của cố Tổng thống Raisi – người vừa thiệt mạng trong vụ rơi máy bay ngày 19/5.

Các ứng viên tiềm năng cho chức vụ Tổng thống Iran (Ảnh: AFP; Reuters; AP).

Các ứng viên tiềm năng cho chức vụ Tổng thống Iran (Ảnh: AFP; Reuters; AP).

Ông Raisi được cho là có mối quan hệ rất thân thiết với Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei và hẳn ông Ali Khamenei cũng muốn lựa chọn một người có quan điểm cứng rắn với Mỹ và phương Tây như ông Mokhber nên nắm chính quyền.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, bên cạnh ông Mokhber, có tới 4 cái tên khác cũng rất tiềm năng trong việc trở thành vị Tổng thống mới nhất của Iran.

Quyền Tổng thống Iran Mohammad Mokhber

Ông Mohammad Mokhber là ứng cử viên hàng đầu khi chính ông được đích thân ông Raisi chỉ định làm cấp phó của mình vào năm 2021. Một điểm lợi thế khác của ông Mokhber là rất thân thiết với Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei – người có tiếng nói quyết định nhất trong mọi vấn đề của Iran.

Quyền Tổng thống Iran Mohammad Mokhber (Ảnh: EPA).

Quyền Tổng thống Iran Mohammad Mokhber (Ảnh: EPA).

Trên cương vị Phó Tổng thống Iran, ông Mokhber đã trở thành một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trên bình diện ngoại giao khi được tin tưởng giao phó tiếp xúc với các quan chức cấp cao Nga, Syria, Trung Quốc – 3 trong số những đồng minh thân cận hàng đầu của Iran. Ông cũng là người được đích thân Tổng thống Raisi chỉ định phát triển kế hoạch chiến lược về công nghiệp và thúc đẩy sản xuất trong nước.

Trước đó, những kinh nghiệm lâu đời về quản lý các tổ chức và định chế tài chính lớn tại Iran như quỹ Mostazafan, quỹ quỹ Setad, Ngân hàng Sinai đã giúp ông Mokhber "lọt mắt xanh" Lãnh tụ tinh thần tối cao Ali Khamenei và từng bước thăng tiến nhanh chóng trên chính trường Iran.

Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad Bagher Ghalibaf

Ông Ghalibaf, 62 tuổi, từng là Chủ tịch Quốc hội Iran kể từ năm 2020. Trước đó, trong giai đoạn 2005-2017, ông là Thị trưởng Tehran.

Ông cũng từng là Bộ trưởng Công an Iran từ năm 2000-2005 và tư lệnh không quân của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran từ năm 1997-2000.

Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad Bagher Ghalibaf (Ảnh: AFP).

Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad Bagher Ghalibaf (Ảnh: AFP).

Nếu đứng ra tranh cử lần này, đây sẽ là lần thứ 4 ông chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống. Năm 2009, Hội đồng Giám hộ đã tước tư cách ứng viên của ông.

Đến năm 2013, ông là người thất bại trong cuộc tranh cử trước đối thủ Hassan Rouhani. Năm 2017, trong lần tranh cử thứ 3, ông Ghalibaf chấp nhận rút lui mở đường cho cuộc đua tranh giữa 2 đối thủ mạnh hơn là ông Rouhani và ông Raisi.

Trong các chiến dịch tranh cử, ông Ghalibaf có hình ảnh cứng rắn của một người từng là Bộ trưởng Công an và tư lệnh không quân của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran chống lại giới thượng lưu giàu có.

Cựu Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani

Ông Ali Larijani, 65 tuổi, đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Quốc hội Iran từ năm 2008-2020. Ông được cho là có nhiều khả năng sẽ ra tranh cử Tổng thống lần 2 diễn ra vào tháng 6 tới.

Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội Iran, ông Larijani từ lâu được cho là có tiếng nói bảo thủ dù sau đó ông chấp nhận ra liên minh với Tổng thống Rouhani - một người có quan điểm khá ôn hòa trên chính trường Iran vào thời điểm đó.

Trong cuộc đua vào ghế Tổng thống Iran năm 2005, ông Ali Larijani chỉ giành được vỏn vẹn 5,83% phiếu bầu, đứng thứ 6 trong số các ứng viên tham gia tranh cử.

Cũng như ông Ghalibaf, ông Ali Larijani từng là Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Trước đó, ông từng là Bộ trưởng Văn hóa và Định hướng Hồi giáo Iran và là người đứng đầu cơ quan phát thanh truyền hình Iran.

Cựu Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani (Ảnh: Reuters).

Cựu Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani (Ảnh: Reuters).

Dưới thời Tổng thống theo đường lối cứng rắn Mahmoud Ahmadinejad, ông được bổ nhiệm là Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran trong 2 năm đồng thời là nhà đàm phán cấp cao về chương trình hạt nhân Iran. Sau đó, ông Ali Larijani trở thành Chủ tịch Quốc hội Iran trong vòng 12 năm trước khi chuyển giao chức vụ này cho ông Mr Ghalibaf.

Cựu Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani xuất thân từ một gia đình "trâm anh thế phiệt" của Iran. Ông có người anh trai là giáo sĩ cấp cao từng đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Tư pháp. Bố của ông cũng là một thủ lĩnh Hồi giáo dòng Shiite có tiếng tại Iran.

Cựu Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif

Ông Zarif, 64 tuổi, là Ngoại trưởng Iran từ năm 2013-2021. Ông từng theo học tại Mỹ và nói thành thạo tiếng Anh. Nhiệm kỳ ngoại trưởng của ông đánh dấu một giai đoạn quan hệ khá thân thiện với phương Tây của Iran.

Năm 2015, Ngoại trưởng Zarif là người dẫn đầu đoàn đàm phán hạt nhân Iran với các cường quốc phương Tây với mục tiêu Iran ngừng phát triển vũ khí hạt nhân đổi lấy việc phương Tây dừng áp đặt các lệnh trừng phạt.

Cựu Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (Ảnh: Reuters).

Cựu Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (Ảnh: Reuters).

Tên tuổi của ông được nhắc đến rất nhiều vài tuần sau đó khi ông tham dự Lễ hội sách quốc tế thường niên tại Tehran nơi ông ra mắt cuốn sách mới nhất The Depth of Patience (tạm dịch là: Chiều sâu của sự Nhẫn nại) thu hút nhiều sự quan tâm của độc giả.

Trong vụ máy bay trực thăng chở Tổng thống Raisi rơi ngày 19/5 khiến ông Raisi, Ngoại trưởng Amirabdollahian và một số quan chức cấp cao Iran thiệt mạng, ông Zarif đã cáo buộc Mỹ có một phần trách nhiệm khi áp các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào lĩnh vực hàng không của Iran.

Nguyên trưởng đoàn đàm phát hạt nhân Iran Saeed Jalili

Ông Jalili, 58 tuổi, là quan chức đảm đương nhiều vai trò quan trọng của Iran. Ông có bằng Tiến sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Sadeq và là nhân tố then chốt định hình chính sách ngoại giao của Iran trong hàng thập kỷ.

Nguyên trưởng đoàn đàm phát hạt nhân Iran Saeed Jalili (Ảnh: Bloomberg).

Nguyên trưởng đoàn đàm phát hạt nhân Iran Saeed Jalili (Ảnh: Bloomberg).

Ông Jalili là người nổi tiếng với quan điểm cứng rắn và luôn có niềm tin vững chắc vào hệ thống các nguyên tắc của Cộng hòa Hồi giáo Iran. Ông từng là đại diện của Lãnh tụ tinh thần tối cao Ali Khamenei tại Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran trong nhiều năm.

Từ năm 2007-2013, ông là trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran và nổi tiếng là người kiên định trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia và không chấp nhận bất kỳ nhượng bộ nào khiến các cuộc đàm phán hạt nhân với phương Tây rơi vào bế tắc.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2021, ông là người đứng ra ủng hộ ứng viên và sau này trở thành Tổng thống Iran Raisi sau khi quyết định rút lui chỉ vài ngày trước thềm cuộc bầu cử.

Hiện ông là ủy viên Hội đồng Giải quyết Bất đồng Iran, một cơ quan có trọng trách giải quyết những khác biệt và xung đột giữ Quốc hội Iran và Hội đồng Giám hộ. Ngoài ra, ông còn là Ủy viên Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Chiến lược Iran.

Ông Jalili từng tham gia cuộc chiến tranh Iran-Iraq và là thành viên lực lược tình nguyện Basij. Sau đó, ông bị thương nặng mất chân phải và buộc phải giải ngũ.

Khánh An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nam-ung-vien-sang-gia-cho-vi-tri-tong-thong-iran-192240522110834432.htm