Mỹ sẽ 'khóa chân' quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria?

Ông Mithat Sancar, một thành viên của đảng Dân chủ Nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ (HDP) cho biết, Mỹ sẽ không để Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát hoàn toàn chiến dịch tấn công thành phố Raqqa, được coi là “thủ đô” của IS.

“Cả hai bên hiện đang tìm kiếm một chiến lược chung để tấn công vào thành phố Raqqa”, ông Sancar, một giáo sư luật Thổ Nhĩ Kỳ nói thêm.

Binh lính Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) cùng một binh sĩ Mỹ trên một chiếc xe quân sự gần Raqqa, Syria.

Chiến dịch nhằm giải phóng thành phố Raqqa (Syria), nơi được coi là “thủ đô” của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) từ tháng 1/2014, có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đánh bại tổ chức khủng bố khét tiếng này.

Trước đó vào đầu tuần này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã sẵn sàng tham gia vào chiến dịch giải phóng thành phố Raqqa. Ông nói rằng ông nhận được đề nghị từ phía Tổng thống Mỹ Barack Obama trong một cuộc gặp mặt riêng bên lề cuộc họp thượng đỉnh G20 tại Châu Á.

Vào ngày 8/9, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Fikri Isik trả lời hãng thông tấn Reuters rằng lực lượng vũ trang YPG người Kurd không được đóng vai trò chủ đạo trong chiến dịch tấn công Raqqa. Mỹ đã phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng này trong cuộc chiến chống IS tại Syria.

Ankara đang đẩy mạnh các hoạt động quân sự tại Syria kể từ khi tiến quân vào đất nước này vào ngày 24/8. Với sự tham gia của các loại máy bay chiến đấu, xe tăng, pháo hạng nặng và các đơn vị đặc nhiệm, IS đã bị đẩy lùi khỏi thành phố Jarabulus và khiến quân người Kurd không thể mở rộng vùng lãnh thổ mà họ đang kiểm soát ra phía Tây sông Euphrates.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đang kiểm soát một dải dất kéo dài 90km dọc đường biên giới Syria – Thổ và theo Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Nurettin Canikli, họ đã sẵn sàng để tiến quân xuống phía Nam.

Ông Sancar tin rằng, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đạt được một thỏa thuận không chính thức, theo đó quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ở lại các khu vực gần Jarabulus và không tiến sâu hơn vào lãnh thổ Syria để tránh để lực lượng này đối đầu với các nhóm vũ trang người Kurd.

“Tình huống nguy hiểm nhất có thể xảy ra, đó là quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giao chiến với quân người Kurd. Ankara hiểu rằng một cuộc đối đầu quân sự với YPG cũng đồng nghĩa với việc quan hệ ngoại giao với Nga sẽ đi xuống và Ankara sẽ phải chịu nhiều hậu quả nghiêm trọng”, ông Sancar nói.

Giáo sư người Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết thêm, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ muốn đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch quân sự ở Syria, nhưng họ đang đánh giá quá cao khả năng của mình và buộc phải tham gia vào những trận đánh nhỏ.

“Thực tế, chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại miền Bắc Syria là một chiến dịch PR nhằm củng cố hình ảnh của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trên trường quốc tế. Nếu Ankara tiến quân vượt quá đường ranh giới mà Mỹ vẽ ra tại Syria, họ sẽ gặp rắc rối lớn”, ông Sancar nhận định.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới. Sputnik thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.

Anh Tuấn (lược dịch)

?

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/my-se-khoa-chan-quan-doi-tho-nhi-ky-tai-syria-post208642.info