Mỹ phẩm trôi nổi trên mạng: Ngăn chặn thế nào để hiệu quả?
Cách mạng 4.0, mạng xã hội trở thành một trong những 'không gian' gặp gỡ cung - cầu hàng hóa, trong đó có mặt hàng mỹ phẩm để làm đẹp cho chị em. Tuy nhiên, thời gian qua lợi dụng mạng xã hội, nhiều mặt hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc vẫn được quảng cáo, chào bán. Bắt, xử lý cũng nhiều, song vấn đề đặt ra có biện pháp nào ngăn chặn hiệu quả.
Liên tiếp phát hiện hóa, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc
Thời gian qua, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện nhiều kho hàng hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng lớn không rõ nguồn gốc. Điển hình, ngày 23/2, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với lực lượng chức năng, kiểm tra và phát hiện tại một căn hộ chung cư thuộc quận Hoàng Mai gần 2 tấn thành phẩm, nguyên liệu thuốc và thực phẩm chức năng không rõ xuất xứ cùng gần 1 tấn bao bì tem nhãn. Toàn bộ số thuốc này đựng trong các túi lớn.
Được biết, các đối tượng sử dụng căn hộ chung cư cao cấp, an ninh được kiểm soát chặt chẽ làm điểm tập kết hàng hóa. Cách thức giao dịch rất tinh vi, thường xuyên thay đổi điểm chứa hàng hóa để tránh sự chú ý của người dân và cơ quan chức năng.
Trước đó, Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh phát hiện 5 kho chứa và xưởng sản xuất, pha chế hàng chục nhãn hiệu dầu gội, sữa tắm giả mạo các thương hiệu. Ngoài ra, lực lượng chức năng kiểm tra 2 địa điểm kinh doanh trên địa bàn phường 12 và phường 9 quận Gò Vấp, thu giữ hơn 6.000 sản phẩm dầu gió, kem tẩy tế bào chết, dầu xả bưởi, kem dưỡng thể, kem dưỡng da... và hơn 30.000 tuýp, chai là sản phẩm khử mùi, lột mụn, nước hoa, xịt chống nắng… không rõ xuất xứ. Tổng giá trị hàng hóa gần 3 tỷ đồng.
Gần đây nhất, ngày 10/3, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tổ chức tiêu hủy lượng hàng hóa trị giá gần 8,5 tỷ đồng hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Số lượng hàng hóa tiêu hủy lần này gồm 2.745 kg thực phẩm chức năng, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, dầu gội đầu, sữa tắm… và một số mặt hàng khác.
Theo đại diện cục Quản lý thị trường, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có xu hướng diễn biến phức tạp. Các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn để đối phó, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Đặc biệt, hiện nay các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử, các trang mạng xã hội để quảng cáo, giới thiệu hàng lậu, hàng giả, không đảm bảo chất lượng. Hàng hóa được các đơn vị dịch vụ bưu chính chuyển phát nhanh nên gây khó khăn trong công tác kiểm tra, phát hiện của các lực lượng chức năng.
Chia sẻ với các cơ quan báo chí truyền thông, Tổng Cục trưởng Cục quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, hóa - mỹ phẩm là những mặt hàng được người tiêu dùng lựa chọn, mua sắm nhiều, nhất là đối với chị em phụ nữ. Đáng chú ý, đây là những mặt hàng có nguy cơ bị làm giả rất nhiều tại thị trường Việt Nam. Vài năm trở lại đây, nhất là từ khi thương mại điện tử phát triển, mạng xã hội trở thành kênh bán hàng online phổ biến, thì việc quảng cáo, bán những mặt hàng này rất sôi động.
Đáng quan ngại, trong một năm trở lại đây, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử phạt, thu giữ và chuyển sang cơ quan Công an hàng trăm vụ việc liên quan đến hóa mỹ phẩm vi phạm, với số lượng lớn để tiếp tục điều tra, xử lý hình sự…
Siết chặt quản lý ra sao
Mặc dù đã quyết liệt vào cuộc, kiểm tra, xử lý hàng loạt vụ việc liên quan tới sản xuất, kinh doanh, làm giả hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, tuy nhiên, theo chuyên gia việc kiểm soát vi phạm này đang gặp nhiều khó khăn do thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi.
Luật sư Đào Văn Tài - Đoàn luật sư Hà Nội cho hay, hiện nay hầu hết các sàn thương mại điện tử đều có quy định riêng về các loại hàng hóa được phép rao bán, trưng bày trên nền tảng giao dịch của mình. Tuy nhiên dù có các quy định cụ thể, chi tiết nhưng nếu để tình trạng hàng kém chất lượng, không có nhãn mác, nhãn phụ được bán đến tay người tiêu dùng thì các sàn này vẫn chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật.
Để hàng hóa nói chung, sản phẩm bán trên không gian mạng, trong đó có mỹ phẩm nói riêng đảm bảo chất lượng, truy nguồn gốc rõ ràng chỉ cần ngành Thuế phải quản lý được tất cả hộ kinh doanh trên không gian mạng (đăng ký kinh doanh với cơ quan thuế), tiếp đó các cơ quan Hải quan, Quản lý thị trường siết chặt đầu vào thì chắc chắn không có hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc bày bán.
Dưới góc độ quản lý, theo Tổng cục Quản lý thị trường, lực lượng Quản lý thị trường xác định hóa phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm liên quan đến sức khỏe của người dân, do vậy đây là mặt hàng trọng điểm trong công tác chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, nhất là trên môi trường Internet.
Đặc biệt, trong năm 2023, ngay từ đầu năm, lực lượng Quản lý thị trường cũng có những chuyên đề phát hiện, tấn công vào các cơ sở kinh doanh vi phạm liên quan đến việc các mặt hàng hóa phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm. Đồng thời, lực lượng Quản lý thị trường cũng đã chuyển cơ quan công an tiếp tục điều tra, khởi tố rất nhiều vụ việc liên quan đến hóa phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm giả với số lượng lớn.
Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm trên thị trường, nhằm giúp người tiêu dùng trang bị thêm khả năng nhận biết về sản phẩm để hạn chế một cách thấp nhất những rủi ro trong quá trình mua sắm, mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường đã mở cửa phòng trưng bày “Nhận diện hóa - mỹ phẩm vi phạm trên thị trường” tại 62 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm.
Tại Phòng trưng bày lần này, các sản phẩm hàng thật - hàng vi phạm tiếp tục được đặt cạnh nhau nhưng không có biển chỉ dẫn nhằm mục đích giúp người tiêu dùng cũng như khách tham quan có thể nhận diện, phân biệt hàng thật, hàng vi phạm bằng cảm quan sau đó đối chiếu các dấu hiệu đã được các cơ quan chức năng đưa ra, từ đó tăng tính nhận diện, kiến thức để phân biệt, tránh mua phải những sản phẩm bị làm giả…