Mỹ nói Nga chuẩn bị chiến dịch 'ngụy tạo bằng chứng giả' nhằm 'xâm lược' Ukraine
Mỹ tiết lộ có thông tin cho thấy Nga đã bố trí trước một nhóm đặc nhiệm để tiến hành chiến dịch 'ngụy tạo bằng chứng giả' ở miền đông Ukraine nhằm 'tạo cớ cho một cuộc xâm lược'.
Hãng CNN dẫn lời một quan chức Mỹ ngày 14-1 tiết lộ Washington có thông tin cho thấy Nga đã bố trí trước một nhóm đặc nhiệm để tiến hành chiến dịch “ngụy tạo bằng chứng giả” (false flag operation) ở miền đông Ukraine nhằm “tạo cớ cho một cuộc xâm lược”.
Theo vị quan chức, Mỹ có bằng chứng về việc các đặc nhiệm được huấn luyện về tác chiến đô thị và sử dụng chất nổ để thực hiện các hành động phá hoại nhằm vào các lực lượng ủy nhiệm của chính Nga.
CNN dẫn lời Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ có thông tin đáng tin cậy cho thấy Nga đã "bố trí trước một nhóm đặc nhiệm" để thực hiện "một hoạt động được thiết kế giống như một cuộc tấn công nhằm vào chính họ hoặc những người nói tiếng Nga ở Ukraine" nhằm tạo ra “cái cớ cho một cuộc xâm lược tiềm tàng”.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Ukraine hôm 14-1 cũng tuyên bố rằng các lực lượng đặc nhiệm của Nga đang chuẩn bị các hành động khiêu khích chống lại chính lực lượng Nga trong một nỗ lực nhằm vào Ukraine.
Về phía Nga, ông Dmitry Peskov - người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin - đã bác bỏ thông tin rằng Moscow đang chuẩn bị cho các hành động khiêu khích ở Ukraine.
"Đến nay, tất cả tuyên bố này là vô căn cứ và chưa được xác nhận bằng bất cứ điều gì" – ông Peskov nói.
Theo CNN, phát hiện của phía tình báo Mỹ được đưa ra sau khi Mỹ và các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhóm họp cùng Nga tại Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) ở Áo về việc Moscow triển khai hàng chục nghìn quân dọc theo biên giới Ukraine.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã không đạt được bất kỳ đột phá nào.
Ở một diễn biến khác, một số trang web của chính phủ Ukraine, gồm cả của Bộ Ngoại giao, hôm 14-1 đã bị tấn công mạng với nội dung đe dọa cảnh báo người dân Ukraine "hãy sợ hãi và chờ đợi điều tồi tệ nhất". Chính phủ Ukraine nói rằng có vẻ như Nga đứng sau vụ tấn công.
Theo một quan chức thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã được thông báo tóm tắt về vụ việc.
Quan chức này cho hay Mỹ vẫn chưa có xác nhận về vụ tấn công, nhưng sẽ "cung cấp cho Ukraine bất kỳ sự hỗ trợ nào mà nước này cần để khắc phục".
Lầu Năm Góc nói rằng còn quá sớm để quy kết cuộc tấn công, tuy Thư ký Kirby lưu ý rằng "đây là một phần của cùng một kịch bản mà chúng tôi đã từng thấy ở Nga trong quá khứ".
Ông Josep Borrell - đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) - đã lên án cuộc tấn công mạng, cảnh báo diễn biến trên “đổ thêm dầu” vào "tình hình vốn đã căng thẳng" trong khu vực.
Về việc liệu các tổ chức chính phủ hay phi chính phủ Nga có đứng sau các vụ tấn công trên hay không, ông Borrell nói rằng tuy ông không muốn "chỉ thẳng ra", song vẫn có "một xác suất nhất định về việc chúng đến từ đâu".