Mỹ - Iran muốn tránh xung đột
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc khẳng định Washington sẵn sàng đàm phán nghiêm túc với Tehran mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 8-1 cho rằng Mỹ không nhất thiết phải trả đũa cuộc tấn công của Iran nhằm vào các căn cứ quân sự có binh sĩ Mỹ đồn trú tại Iraq khi không có thiệt hại nào về người. Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng, ông Trump nhấn mạnh các lực lượng Mỹ đã sẵn sàng cho mọi thứ nhưng Iran dường như đang xuống nước và điều đó tốt cho tất cả các bên liên quan cũng như cả thế giới.
Theo hãng tin Reuters, nhà lãnh đạo Mỹ cũng hối thúc các nước đồng minh rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 và cùng hướng đến thỏa thuận khác với Iran. Ông Trump tuyên bố tiếp tục áp đặt lệnh cấm vận kinh tế đối với Iran nhưng không nêu chi tiết.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cùng ngày nói với đài CBS News rằng Iran đã yêu cầu các nhóm phiến quân đồng minh của Tehran không tấn công các mục tiêu của Washington. Bên cạnh đó, nhiều chi tiết cho thấy Iran cũng không muốn leo thang căng thẳng với Mỹ. Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif cho hay các cuộc tấn công nhằm vào căn cứ quân sự ở Iraq có binh sĩ Mỹ đồn trú đã "chấm dứt" phản ứng của Iran về vụ sát hại tướng Qassem Soleimani.
Đại sứ Iran tại Liên Hiệp Quốc Majid Takht Ravanchi gửi thư cho Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc khẳng định cuộc tấn công tên lửa vào hai căn cứ có binh sĩ Mỹ đồn trú trên lãnh thổ Iraq hôm 8-1 được thực hiện theo Điều 51. Phía Iran lý giải đây là hành động đáp trả tương xứng đối với việc Mỹ sát hại tướng quân sự cấp cao của nước này.
Đại sứ Iran lập luận Tehran không tìm kiếm sự leo thang căng thẳng hay chiến tranh sau khi thực hiện quyền tự vệ bằng cách tiến hành phản ứng quân sự thận trọng và phù hợp nhằm vào căn cứ không quân Mỹ ở Iraq. Đại sứ Ravanchi cho hay: "Chiến dịch quân sự được tính toán kỹ lưỡng và nhắm mục tiêu quân sự, do đó không gây thiệt hại về tính mạng và tài sản của dân thường trong khu vực. Iran khẳng định quyết tâm mạnh mẽ tiếp tục bảo vệ người dân, chủ quyền, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mình trước bất kỳ hành động gây hấn nào".
Cũng có hành động tương tự Iran, Mỹ gửi thư đến Liên Hiệp Quốc cho rằng việc sát hại tướng Soleimani nhằm mục đích tự vệ và tuyên bố sẽ có những hành động cần thiết ở Trung Đông để bảo vệ nhân sự và lợi ích của Mỹ. Trong thư gửi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Đại sứ Mỹ Kelly Craft cho biết Mỹ sẵn sàng đàm phán nghiêm túc với Iran mà không cần bất cứ điều kiện tiên quyết nào nhằm ngăn Iran leo thang căng thẳng hoặc khiến hòa bình và an ninh quốc tế bị đe dọa. Nữ đại sứ cũng nhấn mạnh trong thư rằng vụ không kích tại Iraq hôm 3-1 khiến tướng Soleimani thiệt mạng tuân thủ theo Điều 51 trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Theo Điều 51 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, các nước thành viên được yêu cầu ngay lập tức báo cáo lên Hội đồng Bảo an về các biện pháp được thực hiện với mục đích tự vệ. Chính phủ Mỹ từng viện dẫn Điều 51 để lý giải cho hành động can thiệp quân sự ở Syria chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hồi năm 2014.
Chuyên gia Lincoln Bloomfield, chủ tịch danh dự Trung tâm Nghiên cứu về chính sách Stimson (Mỹ), nhận định với CNBC rằng trong khi chính quyền Iran lẫn Mỹ đều có những lời lẽ cứng rắn nhưng cả hai bên đều cho thấy họ muốn xuống thang căng thẳng, có lẽ sẽ hướng đến hành động nhiều hơn trong lĩnh vực ngoại giao và kinh tế. Ông Bloomfield cho hay: "Họ cần phải giữ thể diện. Iran cần cho người dân thấy họ đã đánh trả sau khi mất đi vị tướng nhưng họ đã làm điều đó theo cách không kích động chiến tranh. Tôi nghĩ Tổng thống Trump đã nổi tiếng và cũng không muốn chiến tranh".
Đồng quan điểm, ông Nick Paton Walsh, chuyên gia của đài CNN, cho rằng Tehran và Washington có một điểm chung là không bên nào muốn một cuộc xung đột kéo dài với bên kia. Iran có một nền kinh tế yếu kém và bất đồng chính kiến trong nội bộ trong khi ông Trump muốn tái đắc cử chứ không phải lún sâu vào bế tắc.
Siết quyền lực chiến tranh
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi thông báo Hạ viện bỏ phiếu về dự luật kiểm soát quyền hạn chiến tranh hôm 9-1 nhằm hạn chế các hành động quân sự chống Iran của chính phủ Tổng thống Donald Trump. Theo đài NBC, bà Pelosi cho rằng Tổng thống Trump đã tiến hành một cuộc không kích quân sự đầy khiêu khích và không cân xứng nhắm vào các quan chức quân sự cấp cao của Iran hồi tuần trước. Nhà lãnh đạo Mỹ đã hành động mà không tham vấn Quốc hội.
Trong tuyên bố của mình, bà Pelosi cho hay các thành viên Quốc hội đều bày tỏ lo ngại sâu sắc, cấp bách về quyết định của chính quyền Tổng thống Trump đối với Iran và thiếu chiến lược tiếp theo. Theo đó, dự luật bắt buộc tổng thống phải tham vấn Quốc hội trong mọi trường hợp trước khi đưa lực lượng vũ trang Mỹ vào tình trạng thù địch.
Bà Pelosi còn cho biết hai dự luật khác về giới hạn quyền lực chiến tranh của tổng thống có thể sẽ được đưa ra để thảo luận. Một là dự luật về bãi bỏ tiến hành chiến tranh với Iraq năm 2002 và dự luật còn lại là ngăn hỗ trợ ngân sách cho cuộc chiến với Iran. Dự luật kiểm soát quyền hạn chiến tranh lần này dường như làm hài lòng các thành viên đảng Dân chủ vốn lo ngại những hành động quá nhanh của ông Donald Trump.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/my-iran-muon-tranh-xung-dot-20200109215517015.htm