MVNO tìm cơ hội trong thách thức

Sự xuất hiện của mạng di động ảo (MVNO) được dự đoán sẽ mang đến luồng gió mới, giúp thị trường viễn thông Việt Nam đa dạng sản phẩm và dịch vụ.

Tuy nhiên, nhìn vào những kết quả sau nhiều năm phát triển, một vấn đề được đặt ra: “Đâu là cơ hội cho các nhà mạng ảo ra đời sau?” trong bối cảnh thị trường viễn thông truyền thống đã gần bão hòa.

Thị phần còn ít

Dù xuất hiện tại châu Âu từ những năm 1990 nhưng vài năm trở lại đây, mô hình MVNO mới có mặt ở thị trường viễn thông Việt Nam. MVNO là những nhà mạng không có băng tần, không có hạ tầng mạng mà phải đi thuê hạ tầng của các DN/nhà mạng sở hữu hạ tầng mạng (mạng MNO), ví dụ như Viettel, VNPT, MobiFone… để cung cấp dịch vụ viễn thông di động ra thị trường.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Các nhà mạng ảo chỉ triển khai các hoạt động kinh doanh, bán sản phẩm, dịch vụ viễn thông với đầu số thuê bao di động được cơ quan quản lý, cụ thể là Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cấp phát, còn lại toàn bộ hạ tầng mạng là đi thuê của DN sở hữu hạ tầng.

Trước sự xuất hiện của VNSky với đầu số 0777 vào tháng 7/2023, trên thị trường MVNO Việt Nam đã có 3 nhà mạng ảo, đầu tiên là iTel hồi tháng 4/2019, với đầu số 087, Wintel với đầu số 055 và ASIM với đầu số 089. Một tên tuổi mới nhất là FPT Retail cũng tuyên bố tham gia thị trường MVNO ở Việt Nam khi được Bộ TT&TT cấp phép tháng 6/2023.

Rõ ràng, cuộc đua của mạng di động ảo tại Việt Nam đang ngày một nóng lên với sự tham gia của những “ông lớn” công nghệ trong nước. Nếu xét về lợi thế, các mạng di động ảo không phải đầu tư hạ tầng mà chỉ mua buôn lưu lượng của các nhà mạng có hạ tầng. Lợi nhuận thu của MVNO được đến từ phần chênh lệch giữa giá bán buôn cả gói lưu lượng lớn và giá bán lẻ tới khách hàng. Đây chính là cơ hội để các nhà mạng ảo tập trung nguồn lực, phát triển các sản phẩm phù hợp với khách hàng, thay vì phải quan tâm quá nhiều tới đầu tư hạ tầng hay cấp phép tần số.

Theo Bộ TT&TT, trên thế giới hiện có khoảng 1.300 DN MVNO đang hoạt động tại 79 quốc gia. Hiện nay, một số quốc gia có thị phần các DN MVNO lớn như: Nhật Bản có 83 DN (thị phần 10,6%); UK có 77 DN (15,9%); Mỹ có 139 DN (4,7%); Đức có 135 DN (19,5%); Úc có 66 DN (13,1%); Hàn Quốc có 44 DN (12%)...

Tiềm năng là như vậy, nhưng thực tế sự phát triển của mạng di động ảo tại Việt Nam lại vô cùng khiêm tốn. Theo thống kê mới nhất của Bộ TT&TT, đến ngày 30/4/2023, có khoảng 2,65 triệu thuê bao của các nhà mạng ảo tại Việt Nam, chỉ chiếm khoảng 2,1% tổng số thuê bao toàn thị trường di động. Đây rõ ràng là bài toán mà các DN trong lĩnh vực này cần phải tìm lời giải khi Việt Nam là một đất nước có tỷ lệ dân số trẻ, am hiểu công nghệ và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường mạng di động Việt Nam hiện có doanh thu trung bình trên mỗi đơn vị (ARPU) thấp với mức chi tiêu trung bình cho dịch vụ di động ở Việt Nam, chỉ khoảng 70.000 - 90.000 đồng/tháng. Do đó, sẽ rất khó cho các MVNO có thể cạnh tranh để có được người đăng ký. Bên cạnh đó, hiện tại, lượng thuê bao di động tại Việt Nam đã cán ngưỡng bão hòa, rất khó để phát triển thêm thuê bao mới. Các mạng di động ảo mới ra đời buộc phải đi vào các thị trường ngách.

Nhận xét về sự phát triển mạng di động ảo tại Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã cho rằng, các nhà mạng ảo hiện nay có khoảng 2,5 triệu thuê bao. Đây là con số còn rất khiêm tốn. Không những thế, các dịch vụ của các nhà mạng ảo cung cấp ra xã hội cũng còn hạn chế, chưa có những dịch vụ thực sự tạo ra thế mạnh cho các MVNO.

Cơ hội nào cho các nhà mạng MVNO?

Trong quá trình sửa đổi Luật Viễn thông, Bộ TT&TT đã đưa chính sách “bán sỉ, bán buôn” dung lượng vào luật. Bộ cũng đánh giá các nhà mạng ảo còn dư địa để phát triển khách hàng mới. Theo đó, các DN đi sau có thể tập trung vào nhóm khách hàng ưu tiên giá rẻ, dung lượng data lớn như công nhân, học sinh, sinh viên hay khách du lịch nước ngoài sắp tới tăng trở lại Việt Nam. Ngoài ra, các nhà mạng ảo cũng có thể thu hút người dùng khi vẫn sở hữu lượng sim số đẹp lớn.

Đại diện một MVNO nhìn nhận, không gian, thị trường mạng di động ảo còn rất nhiều tiềm năng trong bối cảnh chuyển đổi số, dịch vụ số. Các nhà mạng triển khai hạ tầng kết nối được ví như các đơn vị làm đường giao thông. Trên tuyến đường sẽ cần rất nhiều dịch vụ khác và MVNO sẽ đóng vai trò là đơn vị khai thác tối đa hóa cơ sở hạ tầng mạng để cung cấp thêm nhiều dịch vụ giá trị gia tăng cho người dùng.

Nếu tạo điều kiện cho thị trường mạng di động ảo phát triển tối ưu, với sự tham gia của các DN ở các mảng tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bán lẻ, giải trí... đã có tập khách hàng người dùng và nội dung sẵn, thị trường MVNO tại Việt Nam có thể chiếm 10 - 20% thị phần viễn thông. Mô hình MVNO hiện khá đa dạng, tập trung chủ yếu vào các thị trường ngách như mạng dành cho DN, dịch vụ IoT, giải trí…

Sự phát triển của các nhà mạng ảo sẽ mang lại nhiều yếu tố tích cực khi làm gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường di động. Việc bán lại lưu lượng theo gói cho một nhà mạng khác được xem là phương thức hiệu quả để các nhà mạng đi trước chia sẻ chi phí vận hành mạng lưới, rút ngắn thời gian thu hồi vốn đầu tư ban đầu. Các mạng di động ảo cũng sẽ góp phần giúp đa dạng hóa các loại hình dịch vụ phục vụ chuyển đổi số trong các lĩnh vực tài chính, giáo dục, sức khỏe, giải trí…

Hà Thanh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/mvno-tim-co-hoi-trong-thach-thuc.html