'Mục sở thị' dòng nước ô nhiễm từ sông Nhuệ chảy ngược ra sông Hồng

Hà Nội có kế hoạch lấy nước sông Hồng làm sạch sông Nhuệ nhưng chưa hiệu quả, thực tế dòng nước ô nhiễm từ sông Nhuệ đang chảy ngược ra sông Hồng làm vùng hạ lưu, cửa biển ô nhiễm nặng hơn.

Video dòng nước ô nhiễm của sông Nhuệ chảy ngược ra sông Hồng:

Dòng nước đen ngòm, bốc mùi của sông Nhuệ chảy ngược ra sông Hồng.

Sông Nhuệ đoạn chảy qua Hà Nội dài 62 km, đi qua các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông và các huyện Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa. Sau nhiều lần có tên trong kế hoạch cải tạo chất lượng nước các dòng sông của thành phố Hà Nội, đến nay, sông Nhuệ vẫn như một dòng sông chết.

Tình trạng tại sông Nhuệ những năm gần đây là 1 vòng luẩn quẩn từ trời nắng thì bốc mùi khó chịu đến trời mưa thì ẩm thấp thu hút nhiều muỗi, bọ, tiềm ẩn nguy cơ gây dịch bệnh cho người dân.

Ghi nhận của PV Báo Sức khỏe & Đời sống tại cống Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), có thể thấy dòng nước đen ngòm, bốc mùi, nổi bọt trắng của sông Nhuệ đang chảy ngược ra sông Hồng. Tình trạng ngược dòng của sông Nhuệ như hiện tại sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề tưới tiêu, sinh hoạt của các vùng hạ du

Toàn cảnh khu vực cống Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), nơi sông Nhuệ tràn ra sông Hồng gây ô nhiễm ngược.

Vì mực nước sông Hồng giảm nên nước sông Nhuệ đã chảy ngược lại không theo tính toán trước đó.

Trước đó, thành phố Hà Nội vừa thông qua chủ trương xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, giai đoạn 1. Các hạng mục gồm trạm bơm, kênh lấy nước, cầu qua kênh dẫn nước, nhà quản lý. Công trình sẽ giúp lấy nước từ sông Hồng vào sông Nhuệ với lưu lượng 70 m3/s, cấp nước tưới tiêu kết hợp giảm thiểu ô nhiễm môi trường sông Nhuệ và các sông thuộc nội thành Hà Nội.

Nhưng dựa vào những quan sát thực tế có thể thấy, việc dẫn nước từ sông Hồng vào sông Nhuệ không hiệu quả, thậm chí phản tác dụng khi nước ô nhiễm của sông Nhuệ có xu hướng chảy ngược ra sông Hồng do mực nước sông Hồng từ nhiều năm nay tụt xuống sâu, thấp hơn mực nước sông Nhuệ.

Hình ảnh dòng nước ô nhiễm của sông Nhuệ chảy ngược ra sông Hồng:

Khu vực xung quanh cống Liên Mạc (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) phải chịu mùi hôi khó chịu, chưa kể thứ nước đen ngòm của sông Nhuệ đang có xu hướng chảy ngược ra sông Hồng.

Lượng lớn nước ô nhiễm xả thẳng ra cửa sông Nhuệ đoạn tiếp giáp với sông Hồng.

Sông Nhuệ vốn đi qua các khu đô thị và ven đô thị, tiếp nhận lượng lớn nước xả thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý và xả trực tiếp dẫn đến sông bị ô nhiễm nghiêm trọng, dòng chảy không còn đáp ứng khả năng tự làm sạch chất ô nhiễm.

Bọt nắng vón cục, nổi lềnh bềnh trên mặt nước xung quanh miệng cống.

2 màu nước có thể quan sát bằng mắt thường đang pha vào nhau.

Nước sông Nhuệ được cho là có nhiều hóa chất, kim loại nặng.

Nước sông hồng còn rõ màu phù sa lại đang tiếp nhận 1 lượng lớn nước thải từ sông Nhuệ.

Nước sông Hồng không nhiều và đang có dấu hiệu ít dần. Để đảm bảo một con sông sạch, lượng nước pha loãng phải cực kỳ lớn. Vì vậy mà việc lấy nước sông Hồng làm sạch nước sông Nhuệ cần tính toán kỹ lưỡng.

Thứ nước màu đen và có mùi của sông Nhuệ đang có xu hướng chảy ngược ra sông Hồng. Điều này dẫn đến nguy cơ ô nhiễm lan ra sông Hồng và ảnh hưởng đến tưới tiêu, sinh hoạt cho vùng hạ du.

Theo kết quả quan trắc được Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố hồi tháng 8/2020, sông Nhuệ đoạn chảy qua Hà Nội có bảy điểm cho chỉ số chất lượng nước (WQI) ở mức 10-25, tức ô nhiễm nặng đến rất nặng. Hai điểm cầu Tó (Thanh Trì) và Cự Đà (Tả Thanh Oai) ô nhiễm nặng nhất với chỉ số là 10.

Thành Long

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/muc-so-thi-dong-nuoc-o-nhiem-tu-song-nhue-chay-nguoc-ra-song-hong-169231025084025404.htm