Mùa… cạn!

Nắng như thiêu như đốt! Ao bàu trơ đáy. Ngay dưới lòng hồ Hộc Tám và các ao bàu khác lân cận, cây cỏ đã ngả màu vàng sậm, rễ toác ra theo từng vết đất nứt nẻ. Chưa bao giờ, người dân trong vùng lại thấy nước quý giá như thế. Ngay lúc này đây, nó cần thiết như dòng máu chạy trong cơ thể để nuôi sống họ…

Mùa… cạn

 Hồ Hộc Tám cạn trơ đáy.

Hồ Hộc Tám cạn trơ đáy.

Hạn kỷ lục

Sau 5 năm (từ 2016) Bình Thuận lại gặp hạn hán nặng nề. Cũng không phải lần đầu tiên tỉnh công bố tình huống khẩn cấp do hạn hán. Nhưng năm nay lại là mùa hạn gay gắt, kỷ lục nhất trong hơn 10 năm qua. Chẳng cần nói ở đâu xa, ngay tại vùng đất Hàm Thuận Bắc, nơi “Sông Quao xuôi về Cà Ty, dòng sữa chung ngọt ngào, ngàn đời, ngàn đời nuôi nấng tình người”. Dòng nước hồ Sông Quao ngọt lịm đã đi vào câu hát ấy, trong bối cảnh này lại càng thêm chắt chiu, gìn giữ.

Giữa cái nắng chiều gay gắt, bước chân trên khu vực tam giác xã Hàm Liêm, mới cảm nhận được sức nóng như chảo lửa mà nắng hạn gây ra. Chị Lê Thị Thùy Linh cùng chồng và đứa con thơ ở thôn 2, xã Hàm Liêm là một trong số nhiều hộ dân sống quanh bàu Găng Làng nhớ lại: “Trong mấy năm sinh sống ở đây, chưa năm nào vợ chồng tôi chứng kiến ao bàu xung quanh cạn trơ đáy, nắng hạn gay gắt đến vậy. Không có điều kiện khoan giếng, nên để cầm cự qua cơn khát, gia đình phải mua nước từ ngã ba Tân Nông, Hàm Liêm với giá từ 90.000 - 100.000 đồng/m3 nhưng vẫn không dễ mua. Lo nước sinh hoạt đã khó, nhìn đàn bò khát khô giữa cái nắng chát chúa đó, anh chị cũng không thể nào làm ngơ, chắt chiu những thau nước rửa rau để tận dụng cho bò uống. Còn đám thanh long với 500 trụ đang héo vàng do thiếu nước, đành phải chặc lưỡi xót xa, chứ chẳng còn cách nào khác. Vùng đất Hàm Thuận Bắc vốn dĩ từ xa xưa đã có nhiều sông suối, ao hồ. Nói chính xác hơn là có khoảng 28 ao hồ lớn nhỏ, cung cấp một lượng nước dồi dào, phục vụ đời sống và sản xuất của người dân. Ở khu vực tam giác xã Hàm Liêm từ nhiều năm trước đây, những cái tên như Bàu Dâu, Bàu Thiềm, Găng Làng, Bà Niêng, Bàu Dạo, Giếng Cỏ luôn dồi dào nước. Chính những bàu nước đó đã mang đến màu xanh mát dịu và là nguồn sống cho người dân xung quanh sinh hoạt, chăn nuôi và tưới tắm cây thanh long… Nhưng đến thời điểm hiện tại, chỉ còn 3 hồ lớn là Sông Quao, Cà Giang và Cẩm Hang còn nước, chủ yếu dành dụm để cấp sinh hoạt cho toàn bộ người dân Phan Thiết và Hàm Thuận Bắc.

Những người canh nước

Hình ảnh người dân thiếu nước sinh hoạt, vật nuôi, cây trồng khát khao dòng nước mát, chẳng ai đành lòng. Nhưng… hạn hán khắc nghiệt, buộc các ngành, địa phương phải quyết tâm bảo vệ nguồn nước ít ỏi còn lại, ưu tiên lớn nhất cho sinh hoạt của người dân. Anh Nguyễn Anh Khoa- Trưởngphòng Quản lý nước và công trình - Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết: “Đến ngày 13/5 tổng dung tích hữu ích hiện tại ở các hồ chứa trên địa bàn tỉnh chỉ còn lại 12,368 triệu m3, đạt 4,8%. Trong đó, hồ Sông Quao còn 9,340 triệu m3, đạt 13,9 %. Theo kế hoạch phân bổ, công ty sẽ cân đối cấp nước sinh hoạt cho TP. Phan Thiết và thị trấn Ma Lâm đến 30/6. Nhưng nếu tình trạng người dân bơm nước để tưới cây trồng dọc tuyến kênh xảy ra, có thể thời gian hết nước sẽ sớm hơn do bị thất thoát”. Bởi thế, nên trong phiên cấp nước từ kênh 812- Sông Quao giữa tháng 5 này, công việc của anh em trực canh nước càng thêm nặng nề hơn bao giờ hết.

Chúng tôi đến thăm anh em đang túc trực tại kênh chính Sông Quao, nơi chuyển nước về đập Cẩm Hang - Cà Giang để cấp nước cho Nhà máy nước Phan Thiết. Đang trong phiên mở nước, nên đoạn kênh này có lẽ là nơi mát mẻ nhất, đối nghịch với hình ảnh 2 bên ruộng đồng cỏ khô nứt nẻ. Từng đám ruộng đã cày ải, nằm phơi mình giữa nắng cháy, gác lại những vụ mùa bội thu trước đó. Khoảng 3 giờ chiều, khi những tia nắng đổ vào người nóng ran nhất, đập vào mắt chúng tôi là tấm bạt màu xanh da trời được căng sơ sài ngay trên đường kênh. Dưới tấm bạt nhỏ ấy, 3- 4 người ngồi bệt xuống đất, mắt không rời khỏi điểm cống lấy nước N23, thuộc địa phận xã Hàm Chính. Nắng nóng làm cho ai nấy mồ hôi nhễ nhại, ánh mắt nhăn nheo vì nắng, bụi. Họ là nhân viên của Trạm Quản lý nước Phan Thiết, đang túc trực 24/24 giờ trên tuyến kênh dài hơn 30 km này, mỗi chốt có 6 người, trải đều dọc tuyến để bảo vệ nguồn nước, không để người dân tự ý trộm nước, đập phá công trình.

Quả vậy! Trong bối cảnh hạn hán kéo dài, với tình huống khẩn cấp do hạn hán đã được tỉnh công bố, thì mọi biện pháp tiết kiệm, cân đối nước đang được tỉnh và đơn vị chuyên môn “căng não” bảo vệ. Những ngày qua, dẫu không muốn, nhưng Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi hầu hết đã ngưng cấp nước tưới cho nông nghiệp, chỉ ưu tiên cho cấp nước sinh hoạt. Lúc này đây, kênh chính Sông Quao là tuyến kênh vô cùng quan trọng, dẫn nước từ thủy điện Đại Ninh về Hàm Thuận Bắc lại càng phải canh giữ cẩn mật như vậy. Vì muốn cứu cây thanh long, các tuyến kênh cấp nước sinh hoạt dọc theo khu sản xuất, có rất nhiều hộ dân đã bơm trộm nước tưới, làm thất thoát và ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt. Chính vì vậy, Tại cống N23, chúng tôi chứng kiến ngay miệng cống đã xuất hiện những ụ đất lấp đầy, bịt kín. Anh em trong chốt trực cho biết, đây là việc nhân viên trực chốt buộc phải làm, tránh để người dân mở chốt lấy nước về khu sản xuất của xã Hàm Chính. Dẫn chứng, ngay trong đêm 7/5 mới đây, anh Nguyễn Văn Nhân- nhân viên trực tại chốt cống N29, xã Hàm Chính đã gặp tình huống rất nguy hiểm. Đó là thời điểm đang trực chốt ban đêm, anh gặp trường hợp gần 30 người dân sau khi say xỉn đã kéo đến chốt để xin nước, khiếu nại và có hành động quá khích. Ngay lúc đó, do lực lượng mỏng, anh cùng các nhân viên khác phải gọi điện cho lãnh đạo và lực lượng công an lên làm việc với người dân. Qua đó, trấn an nhân dân và thông báo về diễn biến tình hình hạn hán thiếu nước để nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm đúng mục đích, không sử dụng nguồn nước sinh hoạt để tưới nông nghiệp...

Còn trong hồi ức của anh Nguyễn Quốc Nam - một nhân viên trực chốt của Trạm Quản lý nước Phan Thiết, trong suốt 20 năm gắn bó với nghề, anh đã trải qua 4 đợt trực chốt dài ngày vì hạn, và năm nay là mùa hạn khủng khiếp nhất anh từng chứng kiến. Nhà ở xã lân cận, nhưng phải 4 - 5 ngày anh mới tranh thủ thay ca về nhà vài tiếng, rồi lại đi làm. Sinh hoạt, ngủ nghỉ dưới tấm bạt tạm bợ đó, quả thật không dễ chút nào. Không ti vi, đồ dùng sinh hoạt cá nhân. Chỉ có vài chiếc bóng đèn tròn, anh em “câu” nhờ người dân sống xung quanh. Chuyện cơm nước cũng phải cắt cử người đi mua về ngày 3 bữa. Đêm khuya khi đói, họ nấu những gói mì tôm để dằn bụng, rồi mắc võng trên những chiếc cọc tre đóng tạm, và chợp mắt…Công việc của những người canh nước, tưởng chừng như đơn giản, mà mệt nhọc, ý nghĩa biết bao. Trong lòng họ ngay lúc này, đơn giản chỉ cầu mong trời mưa, để dân có nước, và để họ được sớm về với gia đình...

Mùa…cạn! với bao nỗi lo toan còn đó! Dòng nước mát lạnh, nay bỗng “nóng” hơn bao giờ hết.

Phóng sự:KIỀU HẰNG

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/xa-hoi/mua%E2%80%A6-can-127420.html