Một nông dân Raglai làm kinh tế giỏi

Ham học hỏi, biết cách làm kinh tế để vươn lên thoát nghèo, tích cực chia sẻ, giúp đỡ những người xung quanh cùng phát triển kinh tế…, ông Cao Hồng Nhân (sinh năm 1979, trú thôn Tà Giang 1, xã Thành Sơn, huyện Khánh Sơn) đã được vinh danh là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2017 - 2022 của huyện Khánh Sơn.

Chúng tôi có dịp gặp ông Cao Hồng Nhân khi ông vừa tham dự lớp tập huấn cách chăm sóc cây sầu riêng sau thu hoạch do Hội Nông dân huyện Khánh Sơn tổ chức. Trong căn nhà xây khang trang với đầy đủ tiện nghi, ông Nhân nhớ lại những ngày còn khó khăn: “Gia đình tôi có khoảng 1ha đất sản xuất, trước chỉ trồng chuối, vất vả mà thu nhập bấp bênh, chỉ đủ mua gạo, mắm qua ngày chứ đâu có tiền để dành; cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mãi”. Ông Nhân luôn trăn trở tìm cây trồng để có thể thay thế cây chuối, cho nguồn thu nhập ổn định hơn. Khoảng năm 2000, cây cà phê nổi lên là cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân các xã: Sơn Bình, Sơn Lâm, Sơn Hiệp… Không quản vất vả, ông Nhân tìm đến các nhà vườn trồng cà phê ở xã Sơn Bình xin vào làm công, với suy nghĩ học cách trồng, chăm sóc cây cà phê.

Ông Cao Hồng Nhân chăm sóc cây sầu riêng sau thu hoạch.

Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã Thành Sơn, với số vốn ít ỏi vài triệu đồng vay mượn được, ông Nhân đã chuyển đổi 0,5ha chuối sang trồng cây cà phê. Dồn hết tâm sức chăm sóc, sau 4 năm, cây cà phê đã cho quả bói. Từ năm thứ 5 trở đi, cây cà phê đã mang lại thu nhập khá cao cho gia đình ông, với 60 - 80 triệu đồng mỗi năm. Sau đó, ông tiếp tục chuyển đổi 0,5ha chuối còn lại sang trồng cà phê nên cuộc sống ổn định hơn. Đến năm 2017, gia đình ông đã thoát nghèo bền vững. Thấy ông Nhân nhờ trồng cà phê mà có cơm no, áo ấm, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương tìm đến học hỏi, được ông tận tình hướng dẫn nên làm theo, từ đó đã tạo nên tổ hợp tác trồng cà phê đầu tiên ở xã Thành Sơn.

Khi đầu ra của cây cà phê không ổn định, thu nhập không bằng so với một số loại cây ăn quả khác đang phát triển mạnh tại Khánh Sơn, ông Nhân đã tìm hiểu và quyết định chuyển đổi 0,5ha cà phê sang trồng 100 cây sầu riêng, phần diện tích còn lại ông trồng xen một số cây sầu riêng, bưởi da xanh. Tuy cây sầu riêng còn nhỏ, trái chưa nhiều nhưng vụ vừa qua, thu nhập từ các loại cây trồng đã mang lại cho gia đình ông Nhân thu nhập khoảng 90 triệu đồng. Bên cạnh ổn định được cuộc sống của gia đình 5 người, con cái được học hành, ông còn có tiền tích lũy. Mới đây, ông mua 1 chiếc máy cày để vừa phục vụ công việc của mình, vừa phục vụ nhu cầu của người dân. Ông cũng đang dự tính chuyển đổi toàn bộ diện tích cà phê hiện có sang trồng sầu riêng để có thu nhập cao hơn. "Có những lúc thấy người ta bán đất, cầm hàng chục, hàng trăm triệu đồng, nhưng tôi nghĩ chỉ có giữ được đất sản xuất, chịu khó học hỏi kinh nghiệm làm ăn thì mới có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững”. Cũng từ kinh nghiệm ấy, ông Nhân đã tích cực vận động nhiều hộ dân xung quanh giữ lại đất sản xuất; tận tình hướng dẫn người dân trong thôn kinh nghiệm chuyển đổi, chăm sóc cây trồng, vật nuôi… Như trường hợp gia đình ông Cao Xuân Dương, gia đình chị Cao Thị Thẻ ở cùng thôn, nhờ ông Nhân khuyên giữ đất, hướng dẫn cách trồng cà phê, sầu riêng nên đến nay cuộc sống đã khấm khá hơn...

Ông MẤU ANH TUYÊN - Chủ tịch UBND xã Thành Sơn: Ông Cao Hồng Nhân luôn tiên phong trong các hoạt động của thôn, xã, nhất là thực hiện phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”… Tấm gương ham học hỏi, tích cực lao động sản xuất của ông Nhân đã giúp cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương noi theo, từ đó chăm lo phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo.

BÍCH LA

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202310/mot-nong-dan-raglai-lam-kinh-te-gioi-c621074/