Một NATO hậu Mỹ?
Châu Âu đang sớm cảm nhận câu chuyện này. Đến cuối tháng 1/2025, đối tác quan trọng nhất của châu lục - Mỹ - có thể được lãnh đạo bởi cựu Tổng thống Donald Trump. Chính quyền ông Trump nhiệm kỳ đầu đã khiến mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương căng thẳng, và nếu ông tái đắc cử, không có gì đảm bảo rằng nó sẽ không tồi tệ hơn.
Ông Trump từ lâu đã đặt câu hỏi về giá trị của NATO, vì vậy không phải là không thể tưởng tượng được rằng ông sẽ tước bỏ cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ châu Âu. Ông có thể đưa ra đề xuất “NATO ngủ đông” được lan truyền rộng rãi, theo đó quân đội Mỹ sẽ cung cấp hỗ trợ về logistics như một phương sách cuối cùng nhưng giao lại mọi trách nhiệm phòng thủ khác của tổ chức này cho châu Âu; hoặc làm theo cách của Tổng thống Pháp Charles de Gaulle, người đã rút Pháp khỏi Bộ chỉ huy quân sự NATO (nhưng không rút khỏi liên minh) vào năm 1966.
Để tránh kịch bản xấu nhất, các quốc gia và thể chế châu Âu phải bắt đầu lập kế hoạch từ bây giờ. Họ phải chuẩn bị sẵn sàng cho việc Mỹ sẽ rút binh lính khỏi châu Âu nhiều tới mức có thể khiến lục địa này rơi vào tình trạng không được bảo vệ, ngoại trừ lực lượng Hải quân và Không quân Mỹ vốn có thể dễ dàng được tái triển khai ở nơi khác.
Thay đổi cấu trúc
Câu hỏi về một cấu trúc an ninh hậu Mỹ có thể cần phải giải đáp. Nếu Mỹ thực sự tách khỏi châu Âu, các nước châu Âu có thể duy trì liên minh an ninh của họ thông qua một trong nhiều thể chế mà Washington sẽ bỏ lại. Nếu Canada vẫn ở lại NATO - liên minh sẽ có nghĩa vụ bảo vệ quốc gia này - giải pháp đơn giản và tốt nhất là châu Âu sẽ nắm quyền kiểm soát Hội đồng Bắc Đại Tây Dương (NAC), cơ quan ra quyết định trong NATO. Hội đồng này sẽ phải định hướng lại nhanh chóng sau khi Mỹ rút quân - vì những lý do hiển nhiên, cơ quan này không thể lập kế hoạch cho việc Mỹ rút quân khi Mỹ vẫn là thành viên - nhưng có lợi thế là quen thuộc với tất cả các nước NATO ở châu Âu và có một ban thư ký có uy tín.
NAC cũng coi Na Uy và Vương quốc Anh, những cường quốc an ninh quan trọng ngoài Liên minh châu Âu (EU) là thành viên. Đặc biệt, lực lượng Không quân và Hải quân Anh bảo vệ phần lớn sườn Tây Bắc của NATO. Trong tương lai, châu Âu sẽ cần những năng lực đó, cũng như khả năng răn đe hạt nhân của London. Việc hợp tác thông qua NAC có thể là cách tốt nhất để củng cố mối quan hệ này.
Nếu các nước châu Âu tiếp quản NAC, họ cũng có thể tái sử dụng các cơ sở của NATO, chẳng hạn như Học viện Quốc phòng NATO, nằm rải rác trên khắp lục địa già. NAC mới cũng có thể tìm đến sự hỗ trợ của các thể chế châu Âu khác. Đơn cử, EU có thể giúp phối hợp giữa việc thay đổi quy trình lập pháp quốc gia với việc lập kế hoạch tài chính toàn khối, việc này sẽ cần thiết để chuẩn bị cho các xã hội châu Âu ứng phó với một cuộc xung đột tiềm tàng. Phần Lan và Thụy Điển, những nước mới gia nhập NATO, sẽ có nhiều đóng góp cho nỗ lực này.
Nhiều thập kỷ giữ lập trường trung lập đã thúc đẩy họ phát triển các kế hoạch huy động trong thời chiến và xây dựng nền kinh tế và chính trị có khả năng chống chịu, trong khi hầu hết các nước láng giềng của họ dựa vào tư cách thành viên NATO để giải quyết các mối quan ngại về an ninh. Mặc dù NAC vẫn sẽ là cơ quan ra quyết định chính cho các thành viên NATO, Cộng đồng chính trị châu Âu, được thành lập sau và có một số quốc gia thành viên không thuộc NATO, sẽ đóng vai trò quan trọng như một diễn đàn để thảo luận về các vấn đề an ninh ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực.
Ai sẽ lãnh đạo châu Âu?
Các nước châu Âu về cơ bản đã chuyển giao quyền lãnh đạo địa chính trị cho Mỹ trong khoảng từ 75 năm trở lại đây. Do đó, việc quyết định ai có thể thay thế Washington trong cấu trúc an ninh châu Âu là một đề xuất đầy thách thức. Không một quốc gia châu Âu nào có kinh nghiệm đảm nhận vai trò này và không có “nhà lãnh đạo bẩm sinh” nào đủ uy tín để tập hợp những nước còn lại.
Đức có vẻ là ứng cử viên sáng giá, vì nước này có nền kinh tế và dân số lớn nhất châu Âu. Thế nhưng, bị tê liệt bởi sự do dự chính trị, cho đến nay Berlin vẫn chưa thể hiện được vai trò lãnh đạo trong cuộc chiến ở Ukraine. Kết thân với Nga trước khi chiến sự nổ ra vào năm 2022 và cùng Mỹ hạn chế viện trợ cho Ukraine sau đó, Đức đã đánh mất lòng tin của nhiều quốc gia Trung Đông và Đông Âu vốn lo sợ phải đối mặt với một mặt trận mới. Chính phủ của ông Olaf Scholz thường gửi đi những thông điệp trong khi đảng Dân chủ Xã hội của chính Thủ tướng ủng hộ một chính sách còn đối tác liên minh của họ, đảng Xanh, lại thúc đẩy một chính sách khác.
Pháp có thể là một lựa chọn tốt hơn. Là một trong hai cường quốc hạt nhân của châu Âu, Pháp chắc chắn sẽ đóng vai trò quan trọng và trực tiếp trong an ninh châu Âu nếu Mỹ rút quân. Pháp có một quân đội có năng lực, và Tổng thống Emmanual Macron đã cố gắng khẳng định vị thế lãnh đạo ở châu Âu trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine bằng cách tăng cường kêu gọi hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho Ukraine và thậm chí gợi ý triển khai các lực lượng châu Âu ở đó nếu cần thiết. Tuy nhiên, giống như Berlin, Paris gánh trên vai những gánh nặng nặng nề.
Trong những tháng đầu của cuộc xâm lược, Tổng thống Pháp Macron ủng hộ việc đạt được một số loại thỏa thuận với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Còn hiện tại, cũng giống như ở Đức, các chính trị gia cực hữu và cực tả ngày càng được trao quyền của Pháp đang nghiêm túc thảo luận về việc cắt viện trợ cho Ukraine. Các quốc gia tiền tuyến có thể cho rằng Pháp không đáng tin cậy bằng Đức khi đề cập đến duy trì phòng thủ của châu Âu.
Một cường quốc hạt nhân khác của châu Âu là Vương quốc Anh có nhiều đặc điểm tích cực của vai trò lãnh đạo. Chính phủ Anh mới có thể cầm quyền trong 5 năm nữa, khiến đất nước này ổn định về mặt chính trị hơn nhiều nước khác ở châu Âu hiện tại. Với tư cách là bên kiên định ủng hộ Ukraine, London liên kết với các quốc gia tiền tuyến của châu Âu. Anh cũng có mối quan hệ quốc phòng lâu dài với các thành viên khác của Lực lượng viễn chinh liên hợp, một nhóm quân sự gồm 10 quốc gia Baltic, Scandinavia và các quốc gia Bắc Âu khác. Nếu Anh vẫn ở lại EU, họ có thể mạnh mẽ đòi hỏi nắm giữ vị trí lãnh đạo an ninh của châu Âu. Nhưng sau khi Anh quyết định rời khỏi EU vào năm 2016, không đời nào các quốc gia EU lại đồng ý để nước này nắm quyền chỉ huy chiến lược cả.
Với 3 cường quốc an ninh trong châu lục đều bị cản trở bởi những điểm yếu chính trị, châu Âu có thể nắm bắt cơ hội để đưa ra một lựa chọn cho vị trí lãnh đạo an ninh ít theo lẽ thường hơn. Ba Lan đã nổi lên như một ứng cử viên mạnh mẽ. Đây là một quốc gia lớn với nền kinh tế đang phát triển và coi trọng vấn đề quốc phòng ngay cả trước khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra. Trong vài năm qua, nước này đã tiến hành tăng cường quân sự đáng kể nhất trên lục địa già, tăng cả tỷ lệ chi cho quốc phòng trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cũng như lực lượng triển khai đến biên giới với Belarus và vùng đất Kaliningrad của Nga, và mục tiêu ngân sách quốc phòng là 5% GDP cho năm 2025 vượt xa chi tiêu cho quốc phòng ở phần còn lại của châu Âu.
Xây dựng năng lực
Ngoài vai trò lãnh đạo, châu Âu cũng đã trông chờ Mỹ cung cấp nhiều năng lực phòng thủ thiết yếu. Các chính phủ châu Âu thường chi ngân sách quốc phòng hạn hẹp của mình để chế tạo vài thiết bị hào nhoáng và đắt đỏ, chẳng hạn như xe bọc thép trinh sát Ajax của Anh. Hoạt động sản xuất vũ khí ở từng quốc gia châu Âu cũng kém hiệu quả. Trong 10 loại hệ thống vũ khí chính - chẳng hạn như máy bay chiến đấu hoặc tàu khu trục - Mỹ duy trì 33 loại, còn châu Âu duy trì 174 loại. Điều này đã hạn chế khả năng phối hợp hoạt động lẫn nhau của quân đội châu Âu và tạo ra tình trạng logicstic tồi tệ. Trong khi đó, lục địa già đã bỏ bê việc phát triển các năng lực cơ bản mà họ sẽ cần nếu Mỹ rút khỏi liên minh.
Nổi bật nhất trong số đó là hệ thống chia sẻ thông tin tình báo giữa các quốc gia châu Âu. Trong nhiều thập kỷ, châu Âu đã dựa vào nhóm Ngũ nhãn - mạng lưới tình báo gồm Australia, Canada, New Zealand, Vương quốc Anh và Mỹ - để tiến hành phần lớn công tác tình báo của mình. Tất cả các thành viên nhóm này đều có những đóng góp giá trị, nhưng Mỹ thực hiện phần lớn công tác thu thập dữ liệu. Do đó, việc Washington rút khỏi châu Âu sẽ làm gián đoạn dòng thông tin.
Nhiều thập kỷ hòa bình và sự tập trung của châu Âu vào các khả năng tinh vi cũng khiến kho vũ khí của lục địa này trở nên “nghèo nàn”. Cuộc chiến ở Ukraine đã chứng minh rằng thành công trong trận chiến phụ thuộc vào khả năng duy trì sản xuất và cung cấp đạn dược của mỗi bên từ nhà máy đến chiến hào. Cho dù là súng, máy bay hay tàu, trang bị đều không tồn tại lâu trong chiến tranh được. Số xe tăng mà Nga và Ukraine đã bị thiệt hại gấp nhiều lần tổng số xe tăng được dự trữ ở Pháp, Đức, Ba Lan và Anh. Đạn dược cũng hết nhanh chóng. Hỏa lực pháo binh được sử dụng cường độ cao ở Ukraine sẽ làm cạn kiệt kho dự trữ trước tháng 2/2022 của châu Âu trong thời gian ngắn tới.
Châu Âu phải nhận ra rằng việc dự trữ kho thiết bị thời bình sẽ là cần thiết để quân đội chung có thời gian huy động khi xung đột nổ ra. Hiện tại NATO châu Âu không hoạt động bình thường như nền kinh tế chiến tranh. Các nước châu Âu đã không thể hành động nhanh như Mỹ để giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lực sản xuất của họ - một vấn đề mà họ sẽ cần phải khắc phục để lập kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống Mỹ cắt giảm mạnh sự hỗ trợ vũ khí cho Ukraine.
Về logistic, châu Âu sẽ phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến khả năng triển khai. Nếu không có năng lực của Mỹ, quân đội châu Âu không thể duy trì bất kỳ sự hiện diện toàn cầu nào. Họ không có khả năng độc lập triển khai các đơn vị chiến đấu trên không tới các nơi xa.
Cuối cùng, một NATO châu Âu có thể phải đối mặt tình huống không có sự răn đe hạt nhân của Mỹ. Đây có thể là vấn đề lớn nhất mà họ phải đối mặt. Một số đề xuất được giới chính sách ủng hộ ông Trump thảo luận cho rằng Mỹ sẽ duy trì “chiếc ô hạt nhân” của mình đối với châu Âu ngay cả khi các lực lượng thông thường của họ rút lui, nhưng logic của một kế hoạch như vậy không dễ dàng. Một nước Mỹ gần như không còn sự hiện diện quân sự trên lục địa già sẽ khiến cho mọi phản ứng đều có thể sẽ là chậm chạp, không hiệu quả.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/mot-nato-hau-my--i744887/