Cần xử lý nghiêm bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn để đảm bảo răn đe

Theo HĐXX, cần xem xét vị trí, vai trò, số tiền gây thiệt hại, số tiền thu lợi bất chính, nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của từng bị cáo cụ thể để có mức hình phạt tương ứng với mức độ tội phạm gây ra.

Sau nhiều ngày xét xử và nghị án, chiều 1/11, TAND tỉnh Bắc Ninh tuyên án 13 bị cáo trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Ban Quản lý dự án Công trình xây dựng y tế thuộc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, Công ty AIC và các đơn vị liên quan.

Theo nhận định của HĐXX, đây là vụ án đồng phạm giản đơn giữa các nhóm bị cáo với nhau. Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã lợi dụng mối quan hệ quen biết với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh để được trúng thầu 3 gói mua sắm thiết bị y tế của 3 BVĐK các huyện Gia Bình, Thuận Thành, Lương Tài, từ đó dẫn đến sai phạm của các bị cáo trong việc đấu thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Bị cáo Nhàn là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC, thực hiện hành vi độc lập trong việc đưa hối lộ, nhưng phải chịu trách nhiệm chính về các sai phạm của Công ty AIC và các Công ty trong hệ sinh thái của Công ty AIC.

Phiên tòa xét xử vụ AIC Bắc Ninh. Ảnh: CTV

Phiên tòa xét xử vụ AIC Bắc Ninh. Ảnh: CTV

Bị cáo Lã Tuấn Hưng thông đồng cấu kết với nhóm lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh để được trúng thầu và phối hợp với bị cáo Trần Văn Tuynh (cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án Công trình xây dựng Y tế), Nguyễn Đằng An (nguyên Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Ban Quản lý dự án công trình Xây dựng Y tế thuộc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh), Nguyễn Kim Huân (nguyên Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Ban Quản lý dự án Công trình xây dựng Y tế thuộc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh) thực hiện các hành vi sai phạm để công ty của bị cáo Hưng trúng thầu 3 gói thầu mua sắm thiết bị y tế của 3 BVĐK Quế Võ, Yên Phong và Tiên Du.

Về hình phạt, HĐXX cho rằng, các bị cáo bị truy tố ở điều khoản có khung hình phạt cao, số tiền gây thiệt hại lớn, một số bị cáo có nhân thân xấu nên cần cách ly các bị cáo khởi đời sống xã hội một thời gian mới có tác dụng giáo dục riêng và phòng ngừa chung.

Tuy nhiên cần xem xét vị trí, vai trò, số tiền gây thiệt hại, số tiền thu lợi bất chính, nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của từng bị cáo cụ thể để có mức hình phạt tương ứng với mức độ tội phạm gây ra.

Các bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Nguyễn Hồng Sơn phạm tội nhiều lần, không có và có ít tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đã bị xét xử nhiều lần, các bị cáo bỏ trốn nhằm trốn tránh trách nhiệm cá nhân và cản trở hoạt động điều tra nên cần xử lý nghiêm để đảm bảo răn đe và phòng ngừa chung.

Các bị cáo Nguyễn Nhân Chiến (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh), Nguyễn Tử Quỳnh (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh), Trần Văn Tuynh, Nguyễn Văn Nhường (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh), Nguyễn Hạnh Chung (cựu Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh) có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại khoản 1 Điều 51 BLHS.

Quá trình tố tụng, các bị cáo trên đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm.

Các bị cáo có quá trình công tác với nhiều thành tích, đã chủ động nộp lại toàn bộ tiền nhận hối lộ và đã bồi thường thiệt hại do mình gây ra, do vậy áp dụng khoản 2 Điều 54 BLHS và Điều 5 Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ, xét thấy chỉ cần áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đối với các bị cáo cũng đủ giáo dục, răn đe.

Một số bị cáo khác cũng được HĐXX nhận định là có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

T.Nhung

Bảo Khánh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/can-xu-ly-nghiem-ba-nguyen-thi-thanh-nhan-de-dam-bao-ran-de-2337866.html