Một HTX sản xuất nấm cho doanh thu 2 tỷ đồng mỗi năm
Đó là con số ấn tượng mà HTX Nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp (xã Hồng Thuận, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) đạt được trong năm qua. Mới đây, HTX vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, giúp đỡ nhiều nông dân xóa đói, giảm nghèo…
Thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2014, đến nay HTX Nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp đã trở thành cơ sở sản xuất, kinh doanh thành công được cả nước biết đến với mô hình ứng dụng công nghệ cao và sở hữu 6 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, hạng 3 sao gồm Nấm sò trắng Tuấn Hiệp, Nấm sò nâu Tuấn Hiệp, Nấm Linh chi Xuân Thủy, Mộc nhĩ thái sợi Tuấn Hiệp, Nem nấm Tuấn Hiệp, Giò nấm Tuấn Hiệp.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng nấm
Trước năm 2014, phong trào sản xuất nấm tại huyện Giao Thủy phát triển rầm rộ, nhà nhà trồng nấm. Nhờ chịu khó học hỏi và tích lũy kinh nghiệm từ các mô hình trồng nấm đã thành công, anh Vũ Tuấn Hiệp mạnh dạn đầu tư xây dựng 2.000m2 nhà xưởng. Ngoài ra, anh còn chi 2 tỷ đồng mua sắm và lắp đặt thêm các trang thiết bị để hoàn thiện khu nhà xưởng của gia đình gồm: Nồi hơi, máy băm rơm, máy đảo trộn, đóng gói liên hoàn… Bình quân mỗi năm, gia đình anh xuất bán ra thị trường 5 tấn mộc nhĩ khô, 20 tấn nấm sò tươi, gần 1 tấn nấm linh chi dược liệu… lợi nhuận thu được đạt 200 triệu đồng.
Mô hình trồng nấm, sản xuất ra sản phẩm OCOP của HTX nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp.
Nghề trồng nấm đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, anh Hiệp mong muốn giúp đỡ thêm nhiều người dân tại địa phương có thu nhập ổn định như anh. Vì vậy, anh đã đứng ra vận động thành lập HTX Nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp.
Những ngày đầu thành lập, HTX có 7 thành viên sáng lập, vốn góp gần 500 triệu đồng, sản xuất nấm trên diện tích gần 2.500m2. Theo đó, HTX đầu tư hệ thống máy móc liên hoàn như: nồi hơi, máy băm rơm, máy đảo trộn, đóng gói…. Đồng thời, khép kín quy trình sản xuất từ thu mua nguyên liệu làm phôi, nuôi cấy giống, nuôi trồng, chế biến và cung ứng thành phẩm ra thị trường.
Với thiết bị hiện đại, lại chịu khó mày mò, anh Vũ Tuấn Hiệp và các thành viên HTX đã chủ động nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm trồng cấy các loại nấm cao cấp như nấm hoàng đế, nấm đùi gà, nấm Kim Phúc để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân.
Thời gian đầu, mỗi vụ HTX sản xuất khoảng 9 vạn bịch phôi nấm, doanh thu trên mỗi tấn nấm đạt khoảng 700 - 900 triệu đồng. Nhờ phát triển đúng hướng, HTX giải quyết việc làm cho các thành viên và nhiều lao động tại địa phương với mức lương bình quân khoảng 3 triệu đồng/người/tháng.
Sau 9 năm đi vào hoạt động, HTX đã có bước đi đột phá về mô hình sản xuất. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nấm giúp HTX giảm thiểu chi phí sản xuất, tăng hiệu quả của quy trình sản xuất nấm, chủ động được nguồn cung.
Hiện, HTX đang sản xuất nấm sò, nấm rơm, nấm đùi gà, nấm linh chi, mộc nhĩ… trên diện tích hơn 3.000m2. Trong đó, nấm đùi gà, nấm sò là 2 dòng nấm chủ lực của HTX.
Tạo thu nhập ổn định cho các thành viên và lao động địa phương
Trung bình, mỗi năm HTX nấm Tuấn Hiệp cung ứng ra thị trường khoảng 40 tấn nấm các loại; với giá bán trung bình 160.000 đồng/kg mộc nhĩ khô, 800.000 đồng/kg nấm linh chi khô, 35.000 - 40.000 đồng/kg nấm sò tươi, 50.000 đồng/kg nấm đùi gà tươi…
Đặc biệt, có 2 sản phẩm mặc dù mới ra mắt nhưng được khách hàng, người tiêu dùng ủng hộ rất nhiều. Đó là nem nấm đang được bán với giá 180.000 đồng/kg và giò nấm bán với gián 130.000 đồng/kg.
Đáng chú ý, từ khi Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) được thực hiện, triển khai trên địa bàn tỉnh Nam Định, HTX đã tích cực hoàn thiện sản phẩm và tham gia nhiệt tình.
Đến nay, HTX đang sở hữu 6 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, hạng 3 sao; gồm Nấm sò trắng Tuấn Hiệp, Nấm sò nâu Tuấn Hiệp, Nấm Linh chi Xuân Thủy, Mộc nhĩ thái sợi Tuấn Hiệp, Nem nấm Tuấn Hiệp, Giò nấm Tuấn Hiệp.
Từ thành công này, chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nấm của HTX không chỉ mang lại thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho HTX mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động chính thức và 10 lao động thời vụ, với mức thu nhập bình quân trên 150 nghìn đồng/người/ngày và tiêu thụ khoảng 500m3 mùn cưa, hàng trăm tấn rơm rạ để làm nguyên liệu trồng nấm, góp phần bảo vệ môi trường, tận dụng phế thải sản xuất nông nghiệp.
Theo anh Vũ Tuấn Hiệp, thị trường tiêu thụ của HTX chủ yếu trong và ngoài tỉnh, tổng doanh thu đạt khoảng 2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận thu về chiếm trên 80%. Hiện nay, thị trường đầu ra của HTX rất thuận lợi, cung không đủ cầu.
Chia sẻ về kế hoạch trong thời gian tới, anh Vũ Tuấn Hiệp cho hay, dự kiến HTX sẽ mở rộng quy mô sản xuất, bởi hiện nay nguồn nguyên liệu tại địa phương đang sẵn có; phát triển thêm 1 - 2 sản phẩm OCOP; đầu tư thêm máy móc hiện đại vào sản xuất nấm…
"HTX nấm Tuấn Hiệp luôn được Hội Nông dân các cấp quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ mọi mặt để phát triển mô hình; đồng thời cử đi tập huấn, giao thương, quảng bá sản phẩm của HTX", anh Hiệp vui mừng nói.