Chính phủ nỗ lực cân đối để có nguồn lực chi cho Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát

Tại phiên Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn chiều 12/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã báo cáo, giải trình một số vấn đề chủ yếu được đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã báo cáo, giải trình một số vấn đề chủ yếu được ĐBQH quan tâm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã báo cáo, giải trình một số vấn đề chủ yếu được ĐBQH quan tâm.

Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt trên 7%

Cập nhật một số kết quả phát triển kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2024, Thủ tướng cho biết, đã đạt được tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực. Cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều duy trì đà tăng trưởng tích cực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách Nhà nước thấp hơn giới hạn quy định của Quốc hội.

Chỉ số giá tiêu dùng, CPI giảm dần theo từng tháng, bình quân 10 tháng tăng 3,78% so với cùng kỳ. Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 97,2% dự toán, tăng 17,3% so với cùng kỳ. Công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 được triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả…

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, từ nay đến cuối năm, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả để giữ đà, giữ nhịp, phấn đấu tăng trưởng GDP quý IV đạt trên 7,5% để cả năm đạt trên 7%. Qua đó, đảm bảo đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của năm 2024 do Quốc hội đề ra, tạo đà thực hiện kế hoạch năm 2025 và cả giai đoạn 2021-2025, làm tiền đề, cơ sở để đất nước ta bước vào kỷ nguyên vươn mình để trở thành quốc gia giàu mạnh và thịnh vượng, như định hướng của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.

Phấn đấu năm 2024 giải ngân vốn đầu tư công trên 95%

Xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những động lực tăng trưởng, vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm, ban hành nhiều văn bản thúc đẩy phân bổ giải ngân vốn đầu tư công và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng ghi nhận tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.

Thủ tướng phân tích một số nguyên nhân dẫn tới giải ngân đầu tư công chậm; trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và khẳng định: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, với tinh thần 5 quyết tâm, 5 đảm bảo; Phấn đấu năm 2024 giải ngân vốn đầu tư công trên 95%.

Cụ thể, Chính phủ tập trung vào 6 nhóm giải pháp. Một là, đề xuất Quốc hội tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc về pháp lý ngay trong kỳ họp này, nhất là về quy trình thủ tục đầu tư, quy hoạch tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; thủ tục đất đai nguồn cung vật liệu…

Hai là, có giải pháp đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư cho người dân, trên tinh thần chỗ ở mới ít nhất bằng hoặc tốt hơn chỗ ở cũ.

Ba là, chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án đảm bảo khả thi hơn, hiệu quả hơn, kịp thời điều chuyển vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn.

Bốn là, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm quan trọng quốc gia.

Năm là, tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc, kỷ luật, kỷ cương, gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công với tinh thần 5 rõ.

Sáu là, nâng cao hiệu quả của các Tổ công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hoạt động giám sát của các Đoàn ĐBQH, HĐND tại các địa phương có vốn giải ngân thấp.

Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo: Khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật; Tiếp tục rà soát, cắt giảm và tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước, nhất là chi thường xuyên; Tăng cường thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực, nhất là về đầu tư, tài sản công, đất đai, khoáng sản…; xử lý nghiêm vi phạm với tinh thần “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”; Đơn giản hóa, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính.

Tập trung rà soát, xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng, kéo dài, kém hiệu quả, các tổ chức tín dụng yếu kém; Đẩy mạnh truyền thông, xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội; Xây dựng bộ máy hành chính nhà nước theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”.

Thủ tướng Chính phủ cũng báo cáo trước Quốc hội những giải pháp nhằm bảo đảm cung ứng điện trước mắt và lâu dài; giải pháp về thúc đẩy chuyển đổi số; về phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 12/11.

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 12/11.

Chính phủ nỗ lực cân đối để có nguồn lực chi cho Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát

Tại phiên họp, Thủ tướng trực tiếp giải trình một số vấn đề ĐBQH quan tâm. Trả lời chất vấn của đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định về giải pháp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ với các Bộ, ngành, các địa phương trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ cho biết, đây là vấn đề lớn, đã được thảo luận nhiều lần, được triển khai trong thực tiễn.

Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành 14 Luật, 9 Nghị quyết liên quan, bổ sung, thay thế 27 Nghị định. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc, tập trung chủ yếu ở Trung ương…

Về giải pháp, Thủ tướng cho rằng cần rà soát lại thể chế, các quy định pháp luật, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, cụ thể là Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn; Tăng cường giám sát, kiểm tra. Phân cấp phân quyền cần đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của các cấp…

Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Yến, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc làm rõ giải pháp hoàn thành nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025, Thủ tướng cho rằng, đây là chủ trương lớn, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có chỉ đạo. Hiện nay, nước ta còn hơn 300.000 hộ có nhà dột nát, trong đó có cả những người có công với cách mạng, đối tượng của các Chương trình mục tiêu quốc gia, các hộ nghèo, cận nghèo.

Với quyết tâm rất cao xóa hết nhà dột, nhà tạm trong năm 2025, Thủ tướng cho rằng cần thành lập Ban Chỉ đạo từ Trung ương tới cơ sở để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, huy động và sử dụng nguồn lực. Bên cạnh đó, cần tháo gỡ vướng mắc về đất đai, thực hiện nguyên tắc “không có tranh chấp là có thể triển khai được”. Đa dạng hóa nguồn lực. Lực lượng Quân đội và Công an cũng sẵn sàng nhân lực và nguồn lực để cùng triển khai. Chính phủ nỗ lực cân đối để có nguồn lực chi cho Chương trình lớn này.

Làm rõ những giải pháp căn cơ, dài hạn để ứng phó với thiên tai theo chất vấn của đại biểu Âu Thị Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang, Thủ tướng cho rằng, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề này. Tuy nhiên, các diễn biến của thời tiết rất cực đoan, đây là vấn đề có tính chất toàn cầu, toàn dân, toàn diện, cần phải đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế, kêu gọi sự giúp đỡ, chung tay của toàn cầu để cùng thực hiện. Cần thể chế hóa các chủ trương của Đảng liên quan đến chống biến đổi khí hậu, hoàn thiện thể chế phù hợp với tình hình thực tế.

Trong huy động nguồn lực, cần có nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực hỗ trợ của các đối tác, nguồn vốn vay. Cùng với đó, cần nâng cao năng lực quản trị trong ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao tính tự lực, tự cường của các địa phương.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng về giải quyết dự án tồn đọng và tổ chức tín dụng yếu kém, Thủ tưởng cho biết, hiện nay có nhiều dự án tồn đọng kéo dài. Với sự nỗ lực của Bộ Chính trị, của Quốc hội, của Chính phủ trong thời gian vừa qua, đến nay 12 đại dự án tồn đọng kéo dài đã cơ bản xin chủ trương của Bộ Chính trị. Trên cơ sở đó, Chính phủ đang thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Nội dung nào vượt nhiệm vụ, quyền hạn, Chính phủ sẽ báo cáo, xin ý kiến Quốc hội. Chính phủ cũng sẽ rà soát các dự án tương tự, xử lý trên tinh thần tôn trọng hiện trạng, tháo gỡ những vướng mắc của pháp luật.

Trả lời về lộ trình hoàn thành thể chế số ở Việt Nam, Thủ tướng nhận định: Không gian thực như thế nào, không giản ảo như thế, do vậy, quản lý trên không gian mạng cũng như quản lý trong đời thực.

Với tinh thần như Tổng Bí Thư đã chỉ đạo là bỏ tư duy không quản lý được thì cấm, việc xây dựng thể chế phải vừa phục vụ cho quản lý, nhưng vừa mở ra không gian đổi mới sáng tạo, khuyến khích mọi người dân, mọi doanh nghiệp, mọi chủ thể đổi mới sáng tạo. “Đổi mới để bay cao và sáng tạo để vươn xa, hội nhập để tiến lên”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Quý Anh – Linh Anh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/chinh-phu-no-luc-can-doi-de-co-nguon-luc-chi-cho-chuong-trinh-xoa-nha-tam-nha-dot-nat-388281.html