Mỗi ngày 500 người đến khám bệnh đau mắt đỏ ở Đà Nẵng
Gần 2 tuần nay, tại thành phố Đà Nẵng, bệnh đau mắt đỏ tăng nhanh, chủ yếu ở trẻ nhỏ, gây tâm lý lo lắng đối với người dân, nhất là thời điểm học sinh bước vào năm học mới.
Trước tình hình dịch bệnh đau mắt đỏ diễn biến phức tạp, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đề nghị Sở Giáo dục và và Đào tạo thành phố yêu cầu các trường học khi phát hiện học sinh mắc bệnh cần xử lý sớm.
Anh Lê Quốc Cường, ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng có con học lớp 2 một trường tiểu học ở quận Hải Châu cho biết, con anh vừa đi học được một tuần thì bị đau mắt đỏ, giờ lây cả gia đình. Hiện, vợ chồng anh Cường đưa 2 cháu đến bệnh viện Mắt Đà Nẵng khám và mua thuốc về nhà tự điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
“Cháu lớn đi học đau mắt đỏ về lây hết cho cả nhà, hôm nay dẫn các con tới bệnh viện khám và lấy thuốc về nhà tự điều trị”, anh Cường nói.
Còn anh Trương Minh Phúc, ở quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng cho biết, anh bị đau mắt đỏ gần 1 tuần nay nhưng chưa khỏi phải đến Bệnh viện khám và điều trị.
“Tôi bị đau mắt đỏ lây qua chị đồng nghiệp chung chỗ làm, triệu chứng khó chịu và hay chảy nước mắt và nổi ghèn. Hôm nay tôi tới Bệnh viện Mắt Đà Nẵng khám và bác sĩ kê đơn thuốc sử dụng trong vòng 5 ngày và chờ đợi kết quả”, anh Phúc cho biết.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Khôi, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, dịch đau mắt đỏ thường xuất hiện từ tháng 7 đến tháng 9. So với năm ngoái thì năm nay có nhiều trường hợp bị nặng và nhập viện nhiều hơn. Cụ thể, bệnh nhân sưng mí mắt, kết mạc có nhiều ghèn, chủ yếu là trẻ nhỏ. Bác sĩ Nguyễn Văn Khôi cho biết, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện tiếp nhận khoảng 500 bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám và điều trị, trong đó, hơn một nửa là trẻ em.
“Tại thành phố Đà Nẵng, bệnh đau mắt đỏ đang bùng phát trong khoảng 2 tuần trở lại đây, lứa tuổi thường gặp là học sinh cấp 1 và mẫu giáo. So với mọi năm thì năm nay tăng từ 30% đến 50%. Thuốc để điều trị cho Bệnh viện vẫn đủ chưa có tình trạng thiếu thuốc. Phòng tránh lây nhiễm không nên dùng chung khăn lau mặt và nên rửa tay thường xuyên và khi bị đau mắt đỏ nên đến cơ sở y tế. Bệnh viện tăng cường thêm các bác sĩ ở các khoa phòng khám để giải quyết lượng bệnh nhân đau mắt đỏ tới khám”, bác sĩ Khôi nói.
Trước tình trạng số ca đau mắt đỏ gia tăng, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng có văn bản đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố phối hợp chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng đau mắt đỏ trong nhà trường. Các trường cần thông báo ngay cho cơ quan Y tế khi phát hiện học sinh mắc bệnh để triển khai xử lý ổ dịch sớm. Các trường mầm non, mẫu giáo cần đảm bảo vệ sinh trường học, hướng dẫn phụ huynh biện pháp phòng tránh đau mắt đỏ.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng cũng đang tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ; đẩy mạnh công tác truyền thông các biện pháp phòng, chống đau mắt đỏ.
Sở Y tế thành phố Đà Nẵng chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức tốt việc khám, phát hiện, tư vấn, điều trị, không để thiếu thuốc, không tăng giá thuốc; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Theo ông Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng cho biết, nếu trường hợp các ổ dịch xảy ra chủ yếu giải quyết bằng cách vệ sinh bằng hóa chất thông thường còn nguyên tắc là phòng bệnh để tránh lây lan từ trẻ này sang trẻ khác.
“Thời gian gần đây bệnh đau mắt đỏ có xu hướng tăng. Các biện pháp phòng bệnh phải giữ gìn vệ sinh thân thể, đặc biệt là vệ sinh tay. Chúng tôi khuyến cáo các trường truyền thông cho bà mẹ giữ gìn vệ sinh cho trẻ em, ở nhà trường vệ sinh trường học bằng các chất hóa chất sát khuẩn. Nếu phát hiện trẻ đau mắt đỏ báo cho phụ huynh để trẻ ở nhà từ 3 đến 7 ngày”, ông Hóa nói.