Mở cửa lại trường học: Thận trọng nhưng không 'rụt rè'

Chuyên gia cho rằng, sớm có kế hoạch mở cửa lại trường học gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ trong bối cảnh cả nước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh là rất cần thiết. Các địa phương cần có lộ trình thích hợp, thận trọng nhưng không rụt rè.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 141/NQ-CP phiên họp Chính phủ chuyên đề tháng 11 năm 2021. Điểm đáng chú ý, Chính phủ chỉ đạo cần sớm có kế hoạch mở cửa lại trường học gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Trước đó, tại cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân Ngày 20/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh một số vấn đề Chính phủ cần giải quyết sớm để tạo điều kiện cho ngành giáo dục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Trong đó, vấn đề được Thủ tướng nhắc đến đầu tiên là học trực tuyến.

Học sinh đã có quãng thời gian học trực tuyến rất dài do dịch bệnh.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ nhất quán quan điểm không thể để các cháu học trực tuyến quá lâu. Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế phối hợp với các địa phương có phương án, giải pháp khắc phục việc này theo lộ trình từng bước thận trọng, chắc chắn nhưng phải phải hết sức khẩn trương, đảm bảo an toàn chống dịch.

Cùng với đó, cần nghiên cứu thí điểm kết hợp học trực tiếp với học trực tuyến căn cứ vào tình hình dịch bệnh từng khu vực và mức độ bao phủ vaccine. Thủ tướng nêu ví dụ: “Chúng ta tổ chức các cháu đã được tiêm đầu cấp, cuối cấp, sinh viên học trực tiếp hoặc kết hợp học trực tiếp với trực tuyến, trước hết thí điểm ở những nơi an toàn, mở rộng dần”.

Trong những ngày gần đây, sau khi đánh giá, xác định cấp độ dịch tại một số địa bàn, các địa phương đang lên kế hoạch cho học sinh vùng có nguy cơ thấp và trung bình được quay trở lại trường học trực tiếp kể từ ngày 15/11. Có thể kể đến các địa phương như Nghệ An, Phú Thọ, Lâm Đồng, Đồng Nai….

Tại Nghệ An, Sở GD&ĐT Nghệ An quyết định chuyển từ hình thức dạy học trực tuyến sang hình thức dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến cho tất cả học sinh lớp 12 trên địa bàn thành phố Vinh, bắt đầu từ ngày 15/11. Địa bàn áp dụng là học sinh vùng dịch cấp độ 1 và 2 (nguy cơ thấp và nguy cơ trung bình).

Riêng những học sinh đang thuộc diện cách ly y tế tập trung hoặc đang sinh sống và cư trú trong vùng có dịch Covid-19 vẫn sẽ học trực tuyến. Sau khi ổn định hoạt động dạy và học trực tiếp cho học sinh lớp 12, các trường tiếp tục xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống dịch Covid-19 để chuẩn bị cho học sinh lớp 10 và lớp 11 trở lại trường học tập.

Tại Phú Thọ, địa phương này cũng cho phép các địa bàn thuộc thành phố Việt Trì, huyện Phù Ninh, Trường THPT Phong Châu cho học sinh đi học trực tiếp trở lại từ ngày 15/11.

Còn tại Lâm Đồng, UBND TP.Bảo Lộc cũng thống nhất chủ trương cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tổ chức dạy học trực tiếp từ ngày 15/11. Điều này nhằm đảm bảo tiến độ chương trình, tuy nhiên vẫn cần thực hiện tốt các giải pháp an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 khi tổ chức dạy học.

Cùng với đó, tỉnh Đồng Nai cũng có kế hoạch cho sinh viên và học sinh các cấp trở lại trường học từ ngày 22/11 đến ngày 1/12. Mỗi huyện, thành phố chọn từ 1 - 4 cơ sở giáo dục tổ chức cho học sinh đi học trở lại.

Tại nhiều địa phương, học sinh đã đi học trở lại sau nhiều tháng học online. Như tại huyện Ba Vì, Hà Nội, tính đến ngày 15/11, có 34/35 trường đã cho học sinh lớp 9 trở lại trường học trực tiếp và bảo đảm các điều kiện an toàn theo quy định.

Đối với TP.HCM, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP cho biết, việc mở cửa lại trường học là vấn đề quan trọng với việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho 1,7 triệu học sinh. The ông Mãi, UBND TP sẽ làm việc với ngành giáo dục và y tế để sớm hoàn thiện kế hoạch mở cửa lại trường học.

Mới đây, UBND TP.HCM cũng đã chấp thuận chủ trương cho phép UBND huyện Cần Giờ tổ chức thí điểm cho học sinh đi học trở lại, dạy học trực tiếp trên địa bàn xã Thạnh An đối với một số khối lớp của Trường tiểu học Thạnh An, Trường THCS-THPT Thạnh An để có thực tiễn cho việc mở cửa lại trường học.

Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội đánh giá cao chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự nỗ lực của các địa phương trong việc mở cửa lại trường học.

Đưa ra quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng cho biết việc mở cửa trường học cho trẻ đến trường cần được cân nhắc dựa trên mức độ dịch tại địa phương, không chờ đợi đến khi trẻ được tiêm vaccine. “Đối với những vùng ở cấp độ 1, 2 nên mở cửa trường học, không thể dựa vào số trẻ em chưa tiêm vaccine mà chần chừ, quá thận trọng, rụt rè mở lại trường học bởi trong tiêu chí mở trường an toàn không có tiêu chí tiêm vaccine cho trẻ em”, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Nguyễn Việt Hùng, hiện nay, đa số tỉnh, thành phố ở cấp độ 1, 2 (bình thường mới và nguy cơ trung bình) có thể mở lại trường học. Theo lý giải của ông Hùng thì trẻ em vốn có tỷ lệ nhiễm bệnh, nguy cơ chuyển nặng thấp hơn người lớn.

Cũng theo PGS. TS Nguyễn Việt Hùng, việc chờ đợi tiêm vaccine hết cho trẻ em hay hết dịch mới mở cửa trường học sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập của trẻ. Bởi học online kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của học sinh, ngoài ra cũng ảnh hưởng tới sức khỏe của học sinh, tới công việc của cha mẹ học sinh.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Việt Hùng cũng lưu ý việc học tập của trẻ em ở trường học cần tuân thủ theo tiêu chí an toàn trường học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế cùng các địa phương xây dựng, ban hành.

“Giáo viên phải tiêm đủ 2 mũi vaccine, các nhà trường đảm bảo phòng, chống dịch, đặc biệt là vấn đề giãn cách. Tại các lớp học cũng cần tuân thủ các biện pháp phòng dịch trong đó không để học sinh tập trung đông, giao lưu giữa các lớp”, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội nêu rõ.

Gia Phát

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/mo-cua-lai-truong-hoc-than-trong-nhung-khong-rut-re-post167346.html