Metro 1 sẽ vận chuyển gần 39.000 lượt khách/ngày

Sở GTVT TP.HCM vừa báo cáo kế hoạch vận chuyển hành khách trên tuyến metro 1 (Bến Thành Suối Tiên), theo đó tuyến sẽ hoạt động xuyên suốt các ngày trong tuần.

“Qua thống kê, Sở GTVT TP dự báo sản lượng vận chuyển hành khách năm 2025 trên tuyến metro 1 vào khoảng gần 39.000 lượt hành khách/ngày. Dự báo này cũng phù hợp với giả định về mức tối thiểu, tối đa sản lượng hành khách”, báo cáo của Sở GTVT TP nêu.

Chạy tới gần nửa đêm

Trên cơ sở dự báo sản lượng hành khách, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng (đơn vị có chức năng ký kết hợp đồng cung ứng dịch vụ trong hoạt động vận tải hành khách công cộng) phối hợp với Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 hoàn chỉnh lại kế hoạch vận hành năm 2025 và thực hiện các nội dung liên quan trong kế hoạch vận hành, khai thác tuyến metro 1.

Về thời gian chạy tàu metro 1, dự kiến metro 1 chạy từ 5 - 22 giờ trong năm 2024 và đến năm 2025, vận hành chính thức tàu chạy từ 5 giờ sáng đến 23 giờ 30 các ngày trong tuần (kể các lễ, tết, kỳ nghỉ).

Giai đoạn năm 2024, cứ cách 8-12 phút sẽ có 1 chuyến; đến năm 2025, từ thứ 2 đến thứ 6 tầm 4,5 phút đến 8 phút sẽ có một chuyến, thứ bảy – chủ nhật thì 8 phút một chuyến.

Một ngày 9 tàu metro 1 sẽ chạy 200 lượt (năm 2024) và đến năm 2025, 9-15 tàu sẽ chạy 280-340 lượt/ngày.

“Với những nỗ lực, tuyến metro số 1, Bến Thành – Suối Tiên, dự án đã đạt hơn 98% khối lượng thi công và có hơn 60 triệu giờ làm việc an toàn, công trường không có sự cố nghiêm trọng hoặc tai nạn lao động xảy ra”, đại diện Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), thông tin về tiến độ mới nhất của dự án.

MAUR cũng cho biết dự án án Xây dựng tuyến metro 1 là một trong những dự án đường sắt đô thị triển khai đầu tiên tại Việt Nam, thực hiện theo các quy định của mẫu Hợp đồng nước ngoài và yêu cầu đặc thù của Nhà tài trợ (điều kiện STEP). Trải qua nhiều giai đoạn điều chỉnh các quy định pháp luật Việt Nam, trong bối cảnh chủ đầu tư (MAUR) chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý dự án có tính chất quốc tế.

“Do đó, khi triển khai thực hiện dự án metro 1, MAUR đã phải thận trọng trong quá trình xử lý, lấy ý kiến các cơ quan quản lý chuyên ngành và các cơ quan có thẩm quyền để cố gắng có giải pháp xử lý từng vấn đề một cách phù hợp nhất trong việc hài hòa của dự án quốc tế với quy định Việt Nam. Điều này là không tránh khỏi dẫn đến sự chậm trễ trong thẩm định, phê duyệt các hồ sơ, quy trình làm cơ sở để nhà thầu triển khai các bước tiếp theo”, MAUR thẳng thắn.

Ngoài ra, nhiều nội dung còn tồn đọng từ giai đoạn đầu triển khai dự án metro 1 chưa thể xử lý dứt điểm trong thời gian kéo dài (bao gồm các vấn đề pháp lý và công tác nghiệm thu, thanh toán cho các nhà thầu) đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ và quá trình triển khai của dự án, MAUR thừa nhận.

 Metro 1 sẽ chạy từ 5h sáng đến 23h30 đêm. Ảnh: Đ.T

Metro 1 sẽ chạy từ 5h sáng đến 23h30 đêm. Ảnh: Đ.T

Metro 1 kết nối với khu vực chợ Bến Thành ra sao?

Theo Sở GTVT TP, các tuyến xe buýt hiện hữu (18 tuyến) bao gồm tuyến số 1,3, 4, 18, 19, 20, 31, 34, 36, 38, 39, 44, 45, 52, 53, 56, 65, 75, 88, 93, 102, 109, 152, D4 với 3.528 chuyến/ngày phục vụ trung bình gần 66.780 hành khách/ngày có lộ trình đi qua khu vực chợ Bến Thành đảm bảo phục vụ việc đi lại của người dân tại khu vực.

“Dự kiến, Sở sẽ tiếp tục mở mới hai tuyến xe buýt kết nối nhà ga metro Bến Thành: Tuyến bến xe buýt Sài Gòn - Nhà hát TP (sức chứa 17-20 hành khách, số chuyến 206 chuyến/ngày). Tuyến bến xe buýt Sài Gòn — Ga Hòa Hưng (sức chứa 17-20 hành khách, số chuyến 206 chuyến/ngày)”, báo cáo của Sở GTVT TP nêu.

Ngoài 43 trạm xe đạp hiện hữu, dự kiến bổ sung thêm hai vị trí: Vỉa hè đường Phạm Ngũ Lão (khu vực mũi tàu) và vỉa hè công viên 23 tháng 9 (cách lối lên xuống ga Bến Thành 50 m).

Trong giai đoạn dự án Cải tạo cảnh quan khu vực trước Chợ Bến Thành được thực hiện (từ tháng 10 năm 2024 đến ngày 30 tháng 4 năm 2025), các vị trí trạm xe đạp trong khu vực dự án sẽ được di dời và hoạt động trở lại sau khi việc cải tạo hoàn thành.

Sở GTVT TP cũng dự kiến bố trí vị trí đầu đường Phạm Ngũ Lão (phía công viên 23 Tháng 9, cách giao lộ phía công trường Quách Thị Trang 100 m) là điểm đón, trả khách phục vụ nhu cầu đi lại của khách du lịch tham quan tại khu vực Chợ Bến Thành của các xe bốn bánh chạy bằng năng lượng điện và xe ô tô 2 tầng, thoáng nóc (Xe chỉ dừng để đón, trả khách, không được đậu).

“Dịch vụ vận chuyển tại trung tâm quận 1, đặc biệt khu vực nhà ga Bến Thành metro 1 là cơ bản đầy đủ, đáp ứng kịp thời nhu cầu của hành khách trong kết hợp các phương thức vận chuyển khác nhau khi sử dụng metro 1. Sở sẽ tiếp tục theo dõi hoạt động các tuyến xe buýt, dịch vụ xe đạp và thí điểm xe điện 4 bánh, xe ô tô 2 tầng, thoáng nóc tại khu vực này để có điều chỉnh kịp thời trong thời gian tới”, báo cáo Sở GTVT TP phân tích.

Đối với khu vực ngoài quận 1, đặc biệt là dọc trục đường Võ Nguyên Giáp và Xa lộ Hà Nội, Sở GTVT TP sẽ tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng đẩy nhanh tiến độ lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ xe buýt kết nối metro 1 và đề nghị UBND TP Thủ Đức có ý kiến về danh mục tuyến đường có hè phố tổ chức điểm bố trí công trình, tiện tích phục vụ giao thông công cộng. Ý kiến này sẽ làm cơ sở triển khai dịch vụ xe đạp dọc tuyến metro 1 trong năm 2024.

Các khó khăn của Metro 1

Về công tác giải ngân: Tỉ lệ giải ngân 4 tháng đầu năm chỉ đạt hơn 5% so với kế hoạch đã giao. Nguyên nhân: Thời gian hoàn tất công việc thi công và thời điểm thanh toán luôn có độ trễ nhất định để hoàn tất hồ sơ nghiệm thu, do đó, vào các tháng đầu năm tỉ lệ giải ngân không cao.

Hiện nay, do dự án chưa hoàn tất thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện nên phần nào ảnh hưởng công tác giải ngân.

Phần thanh toán liên quan đến việc điều chỉnh giá (trượt giá) chỉ được phép thanh toán trong thời gian thực hiện dự án được phê duyệt. Do đó, Kho bạc Nhà nước TP.HCM chưa chấp nhận kiểm soát chi để thanh toán nội dung này (sự việc tương tự xảy ra vào năm 2022, việc kéo dài nội dung này dẫn đến việc Liên danh SCC (gói thầu CP2) đã có các khiếu nại liên quan).

Đồng thời, hiện nay Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ) có ý kiến do chưa hoàn thành công tác điều chỉnh thời gian thực hiện dự án nên chưa có cơ sở tiến hành thanh toán cho các hồ sơ thanh toán của dự án.

Đối với các hàng hóa nhập khẩu của gói thầu CP3 hiện đang bị ảnh hưởng do không được tiếp tục gia hạn danh mục hàng hóa nhập khẩu miễn thuế (cần thiết phải được phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện để có căn cứ pháp lý cho Cục Hải Quan TP.HCM gia hạn danh mục hàng hóa miễn thuế).

Kiên Cường

Nguồn PLO: https://plo.vn/metro-1-se-van-chuyen-gan-39000-luot-khachngay-post792560.html