Mẹ trả lời thế nào khi con hỏi 'Chúng ta không được bay hạng thương gia vì nghèo ạ?'
Khi trẻ hình thành ý thức về tiền bạc, nếu cha mẹ luôn nói về 'khó khăn' sẽ khiến trẻ trở nên mặc cảm, tự ti.
Trong chuyến du lịch đầu năm, vừa lên máy bay, con trai của chị Tiểu Lan (Trung Quốc) đã cất giọng lảnh lót hỏi: "Mẹ ơi, ghế này bé quá, con thấy mấy ghế phía trước rộng lắm. Sao mình không được ngồi ở đó?". Chị Tiểu Lan nhẹ nhàng đáp lại: "Đó là ghế hạng thương gia, chúng ta chỉ mua vé phổ thông thôi con".
Cô bé tiếp tục thắc mắc: "Chúng ta không được bay hạng thương gia vì nghèo ạ?". Nghe con nói xong, người mẹ đứng hình và có chút hơi xấu hổ với mọi người xung quanh. Nhưng chị vẫn bình tĩnh trả lời con: "Nhà mình không nghèo, chỉ là bố mẹ chi tiêu những thứ thật cần thiết để đảm bảo nhu cầu. Con thấy không, nếu nhà mình nghèo thì làm sao bố mẹ có thể đưa con đi du lịch đầu năm? Điều quan trọng nhất không phải chúng ta ngồi hạng thương gia hay phổ thông mà gia đình ta luôn yêu thương và đồng hành cùng nhau".
Thực tế, trong cuộc sống không ít những trường hợp như vậy. Các bậc phụ huynh hầu hết đều gặp phải những câu hỏi về tiền bạc tương tự. Chẳng hạn như: "Gia đình chúng ta có bao nhiêu tiền?", "Tại sao nhà người khác lại đẹp hơn nhà mình?", "Khi nào chúng ta mới được đi du lịch?", "Vì sao bố làm việc chăm chỉ mà chúng ta vẫn nghèo?”…
Cách trả lời câu hỏi của con cái không chỉ thể hiện sự khéo léo, tầm nhìn xa trông rộng của cha mẹ. Mà nó còn ảnh hưởng đến sự hình thành tính cách, quan điểm của con cái.
Chia sẻ với con về tiền bạc thế nào để con luôn lạc quan, biết cầu tiến?
1. Trả lời con một cách nghiêm túc và trung thực
Cha mẹ không nhất thiết phải hoàn hảo nhưng ít nhất phải trung thực. Đối mặt với những câu hỏi về tiền bạc của con, cha mẹ không nên chạy trốn hay lừa dối trẻ.
Chẳng hạn, cha mẹ hãy nghiêm túc nói với trẻ: "Mặc dù bố mẹ chưa hẳn tài giỏi, kiếm được nhiều tiền nhưng luôn cố gắng làm việc chăm chỉ để lo cho tương lai của con. Tiền bạc rất quý giá nên chúng ta cần chi tiêu hợp lý, tránh lãng phí".
Khi con hỏi về vấn đề tiền bạc, cha mẹ không nên nóng nảy. Bởi nguồn gốc của sự an toàn không phải là tiền bạc, mà là tình yêu thương. Dù giàu hay nghèo, hãy tạo không khí gia đình hòa thuận, thoải mái cho trẻ. Tốt nhất cha mẹ không nên nói nhà mình nghèo, mà chỉ cần cho trẻ thấy rằng việc kiếm tiền không dễ dàng, để trẻ cảm nhận được sự vất vả của việc kiếm tiền. Như vậy, trẻ sẽ biết cách sử dụng đồng tiền hợp lý, thay vì vòi vĩnh, đòi hỏi.
2. Cho con tiền tiêu vặt ngay từ khi con có khả năng tính toán cơ bản
Tiền tiêu vặt có thể dạy trẻ chi tiêu hợp lý và biết cách tiết kiệm. Đồng thời nó cũng rèn luyện cho trẻ tính kiên nhẫn. Cho trẻ khoản tiền cố định hàng tháng là cách tốt nhất giúp trẻ biết quản lý tài chính. Bởi khi trẻ có tiền để tiêu dùng, trẻ sẽ biết lập kế hoạch chi tiêu, so sánh giá cả và tích lũy đầu tư.
3. Nói với trẻ rằng nghèo bây giờ không có nghĩa là tương lai nghèo khó
Nhiều bậc cha mẹ hoàn cảnh không khấm khá cũng không nên tự ti. Cha mẹ hãy nói với con rằng nghèo bây giờ không có nghĩa là tương lai nghèo khó. Bạn có thể so sánh điều kiện gia đình hiện tại với trong quá khứ.
Ngay cả khi không có câu chuyện thực tế, cha mẹ cũng có thể tạo ra chuyện bất kỳ để truyền tải thông điệp ý nghĩa đến trẻ. Thật ra, cái nghèo không đáng sợ, đáng sợ nhất là những người nghĩ mình sẽ nghèo mãi. Cha mẹ nhìn xa trông rộng sẽ nói điều này với trẻ, thay vì mang sự nghèo khó ra khiến trẻ nảy sinh tâm lý tủi thân, mặc cảm.
Điều quý giá nhất mà cha mẹ để lại cho con không phải nhiều tiền bạc mà là phong cách sống. Cha mẹ thông minh, khéo léo sẽ có lối hành xử không tiêu cực, cũng không kiêu căng khi con hỏi về vấn đề tiền bạc. Họ sẽ trả lời con một cách thẳng thắn, nghiêm túc nhưng vẫn đảm bảo tinh tế, phù hợp. Đồng thời, họ luôn tạo bầu không khí hòa thuận để con luôn lạc quan, suy nghĩ tích cực.