Mẹ, con và hành trình ươm mầm hạnh phúc

LTS: Tính từ ngày 30.4.1975, đến nay đã có hơn hai thế hệ sinh ra và lớn lên trong một đất nước hòa bình và thống nhất. Những đứt gãy lịch sử đã khiến không ít gia đình miền Nam lâm vào cảnh ly tán, đổ vỡ... nhưng vẫn có những gia đình vượt qua được nghịch cảnh để tạo nên một gia nghiệp vững vàng. Ba gia đình mà Người Đô Thị giới thiệu trong số báo này chỉ là ba trường hợp tiêu biểu trong hàng ngàn, hàng vạn gia đình như thế...

*

* *

Vào ngày 30.4.1998, một sự kiện mang tính lịch sử của ngành y tế đã được xác lập: 3 em bé thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) đầu tiên của Việt Nam cất tiếng khóc chào đời. Trên bản đồ IVF thế giới xuất hiện thêm tên một quốc gia mới...

Hai mươi ba năm sau sự kiện này, từ chỗ đi sau thế giới hai thập niên, Việt Nam đã vươn lên nhóm quốc gia top đầu trong việc áp dụng và cải tiến kỹ thuật IVF, thậm chí có những kỹ thuật chúng ta đang dẫn đầu. Những bác sĩ chủ chốt đã đặt nền móng, tạo nên kỳ tích y học đáng tự hào, đến nỗi nhắc đến IVF là phải nhắc đến họ và ngược lại, chính là GS-BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng, PGS-TS-BS. Vương Thị Ngọc Lan và ThS-BS. Hồ Mạnh Tường. Điều thú vị là những người làm nên lịch sử này hiện đang sống chung dưới một mái nhà, vì vậy trong câu chuyện với Người Đô Thị, không chỉ là sự rộn ràng của tinh thần đồng nghiệp về “chiến dịch IVF” đáng nhớ mà còn là mạch chuyện đầy cảm xúc về mẹ, con và y nghiệp...

1. Đưa đôi bàn tay xoay xoay ly trà trên bàn, GS-BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng ngược dòng hồi tưởng. Đó là thời điểm bà đang là giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, cùng ở lại bệnh viện với êkip các bác sỹ “trực chiến” đêm đó mà ai nấy cũng ngổn ngang tâm trạng khi chờ những em bé IVF đầu tiên ra đời. Một sự chuẩn bị công phu, dài ngày từ trước, cả về kỹ thuật và nhân lực “chẳng khác nào đi đánh trận” cho sự kiện y học chưa có tiền lệ này. Căn phòng bị dồn nén bởi sự hồi hộp, lo lắng theo diễn biến của các sản phụ. Rồi khi thời khắc của ngày mới trôi qua được vài giờ đồng hồ thì bé trai đầu tiên và sau đó là hai bé gái lần lượt chào đời. Niềm hạnh phúc òa vỡ khắp căn phòng. Sự kiện không chỉ là cột mốc lịch sử đối với ngành y tế Việt Nam, đập tan mọi hoài nghi và định kiến, mà quan trọng hơn là đã mở ra hi vọng cho hàng triệu cặp vợ chồng hiếm muộn đang mong ngóng một đứa con...

Đưa ánh mắt hướng về vợ chồng người con gái - PGS.TS.BS. Vương Thị Ngọc Lan (Trưởng Khoa Y, kiêm Trưởng Bộ môn Phụ Sản, Đại học Y Dược TP.HCM) và BS. Hồ Mạnh Tường (Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội sinh sản châu Á - Thái Bình Dương) ngồi đối diện như kết nối sự đồng cảm, nữ bác sỹ lão thành có sự nghiệp lừng lẫy cả trong chuyên môn lẫn vai trò quản lý, muốn nói nhiều hơn về niềm thôi thúc tự thân đã khiến bà bằng mọi cách phải đưa bằng được kỹ thuật IVF về Việt Nam, bất chấp nhiều thử thách, thậm chí đặt cược cả sinh mạng chính trị của mình. Đó là tình thương, chức nghiệp một bác sỹ và sự đồng cảm của một người phụ nữ, một người mẹ.

Hai mẹ con GS-BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng, PGS-TS-BS. Vương Thị Ngọc Lan. Ảnh: NVCC

Hai mẹ con GS-BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng, PGS-TS-BS. Vương Thị Ngọc Lan. Ảnh: NVCC

Có hai sự kiện trong đời mà người bác sĩ có hơn 50 năm kinh nghiệm trong ngành sản phụ khoa này không thể nào quên. Đầu tiên là cuộc gọi đánh thức bà dậy lúc nửa đêm, mà đúng hơn là lời trăn trối của một phụ nữ ở Hải Dương. “Cô ấy vô cùng xinh đẹp, 36 tuổi, vì mang thai ngoài tử cung nên đã hai lần phải cắt đi vòi trứng. Cô đã tìm đến Bệnh viện Từ Dũ, thậm chí quỳ gối cầu cứu tôi như niềm hi vọng cuối cùng là sẽ chữa trị giúp cô có thể có con”, BS. Phượng kể.

Dù nhận ra niềm khao khát mãnh liệt đó của nữ bệnh nhân nhưng vì kỹ thuật y khoa bấy giờ còn hạn chế nên người bác sĩ chỉ có thể động viên, an ủi thật lâu trong niềm xót xa giằng xé. Ít ngày sau, tưởng mọi chuyện sẽ qua, nhưng rồi có thể trong giây phút tuyệt vọng, nữ bệnh nhân đã tính làm chuyệt dại dột. Rất may vì khi đó đang là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế - Xã hội của Quốc hội, từ mối quan hệ của mình, BS. Phượng đã kịp thời cấp báo ngay với Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương trong đêm, nhờ lực lượng chức năng tìm đến giải cứu kịp thời. “Trắc trở đường con cái khiến cho nhiều vợ chồng tan vỡ hạnh phúc. Không chết về thể xác nhưng chết về tinh thần”, BS. Phượng buồn giọng.

Niềm trăn trở đó đeo đẳng BS. Phượng cả trong những chuyến công du nước ngoài, khi bà nắm giữ các vai trò trong Quốc hội, như Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế - Xã hội (Khóa VII) hay Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại (khóa IX), Phó Chủ tịch Quốc hội (khóa VIII): “Làm quản lý nhưng tôi không bỏ chuyên môn, mỗi chuyến đi lại là cơ hội để tôi tham quan, học hỏi tại các bệnh viện, trung tâm nghiên cứu ở nước sở tại”. Đặc biệt, BS. Phượng chú ý nhiều đến kỹ thuật điều trị hiếm muộn.

Và sự kiện đáng nhớ thứ hai đến trong một chuyến công tác dài ngày ở Thái Lan. Bà phát hiện nhiều cặp vợ chồng từ Việt Nam lặn lội qua đây để điều trị hiếm muộn. Thương những đồng bào phải đường xa vạn dặm “tìm con”, bà lại càng thương hơn những cặp vợ chồng nghèo ở quê nhà không đủ điều kiện để đi nước ngoài: “Xuất thân gia đình khó khăn nên tôi rất đồng cảm. Chẳng lẽ người giàu mới có cơ hội hạnh phúc, còn người nghèo thì không có quyền đó hay sao?”, nữ bác sỹ neo sự xúc động của mình vào câu tự vấn. “Quyết tâm sống chết gì Việt Nam cũng phải làm cho được IVF”, bà nói và chính thời gian sang Pháp giảng dạy (năm 1994), BS. Phượng tận dụng mọi thời gian rảnh để tìm hiểu về kỹ thuật này.

Nhạy cảm và mẫn cán, BS. Phượng bắt đầu mua các thiết bị y tế bằng chính tiền lương giáo sư của mình rồi gửi về nước. Cũng từ tầm nhìn hướng tới tương lai này mà bà người đầu tiên mang kỹ thuật nội soi trong phụ khoa về Việt Nam, rồi đóng vai trò chính trong việc nhiều chương trình liên quan đến sản phụ khoa như Ngân hàng tinh trùng, Cô đỡ thôn bản, Ươm mầm hạnh phúc... Đặc biệt, BS. Phượng đặt niềm tin và trao quyền cho người trẻ.

Bà lý giải: “Những chương trình đi nước ngoài học tập, nghiên cứu trước đây thường trao cho những cán bộ có thâm niên, nhiều công lao. Nếu đi học về, cùng lắm cống hiến được ít năm lại nghỉ hưu. Trong khi nếu trọng dụng người trẻ, đặc biệt là trong kỹ thuật IVF thì mắt họ sáng, tay chưa run có thể thực hành rành rẽ. Họ biết tiếng Anh nên dễ tiếp thu, trao đổi, đọc tài liệu và khi học xong về nước thì sẽ cống hiến được dài hơn và tạo ra đột phá”. Nếu không cử đi học bà lại mời chuyên gia nước ngoài tới Việt Nam và chính ngành IVF đã được khai sinh từ một chương trình hợp tác như thế...

2. Là bác sĩ thuộc thế hệ đầu sau khi đất nước thống nhất, BS. Phượng chia sẻ phải sống và làm việc trong điều kiện rất nhiều khó khăn. Nhưng nhờ vậy đã trui rèn nên ý chí không bỏ cuộc trước mọi khó khăn, nghịch cảnh: “Có chuyến đi tập huấn về kế hoạch hóa gia đình, thấy tôi hay ghé qua khu hiếm muộn để tìm hiểu, đồng nghiệp nước bạn nói nửa đùa nửa thật là tại sao đi học cách để làm cho người ta đừng đẻ nữa mà lại học cách làm cho người ta đẻ? Rằng Việt Nam là nước nghèo cần gì dịch vụ cao này? Họ đâu biết công việc gắn lâm sàng của tôi, hàng ngày đối diện với cặp vợ chồng trắc trở đường con cái, thấy khát khao chính đáng là được làm cha, làm mẹ của họ lớn lao như thế nào. Không lẽ khó thì chịu bó tay, phải có cách khác chứ?”.

Chia sẻ đó của người mẹ gợi lại một kỷ niệm mang tính bước ngoặt của sự nghiệp người con gái, cũng là một bác sĩ. BS. Lan kể, một năm sau khi thực hiện thành công IVF, cô và BS. Tường, lúc đó chưa là vợ chồng, được cử qua Singapore học phôi học lâm sàng. Singapore là nước đầu tiên thực hiện IVF thành công ở châu Á (năm 1983), thời điểm đó kỹ thuật của nước bạn đã rất phát triển. BS. Lan và BS. Tường là thế hệ bác sĩ tiếp nối, ở giai đoạn đất nước đã mở cửa hội nhập và “vốn liếng” là 113 ca đã thực hiện IVF ở nước nhà. Vậy mà vừa chân ướt chân ráo sang, cả hai đã rất sốc trước câu hỏi của người thầy: “Đi học IVF về thì làm gì được ở Việt Nam? Nước nghèo thì lo chuyện đủ ăn, đủ mặc, chứ IVF được xem như là cao lương mỹ vị thì có cần thiết ở Việt Nam không?”.

Ba thế hệ (bà ngoại, mẹ và con) cùng tham gia trong một ca mỗ lấy thai. Ảnh: NVCC

Ba thế hệ (bà ngoại, mẹ và con) cùng tham gia trong một ca mỗ lấy thai. Ảnh: NVCC

Đây cũng là thắc mắc của không ít bạn bè trong lớp. Không bị sự tự ti bào mòn ý chí, hai bác sĩ trằn ra học và nghiên cứu một cách chuyên tâm. Cuối khóa hai BS. Lan - Tường đã có một vị thế mới, đặc biệt là trong mắt người thầy khó tính: “Lúc sắp về nước, thầy đã mời tôi và anh Tường tới và nói: Hai em đã làm được một chuyện đó là cắm lá cờ Việt Nam lên trên bản đồ IVF thế giới. Nhiệm vụ cực kỳ khó khăn bây giờ là làm sao giữ cho lá cờ luôn bay”, BS. Lan kể.

Và những bác sĩ trẻ ngày nào đã làm được, minh chứng là giờ Việt Nam đã vượt qua Singapore về kỹ thuật IVF. Vào cuối tháng 4 vừa qua, tạp chí khoa học Asian Scientist (Singapore) cũng vừa công bố và vinh danh PGS-TS-BS. Vương Thị Ngọc Lan trong Top 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á. BS. Tường cho biết, sau khi kết thúc cuộc phỏng vấn với Người Đô Thị, hai vợ chồng bác sĩ cùng các đồng nghiệp có một khóa tập huấn cho các chuyên gia từ một bệnh viện lớn ở Singapore sang. Đây cũng là ví dụ điển hình cho việc từ người học trở thành thầy giáo, thể hiện sự bứt phá trong nghiên cứu của đội ngũ bác sỹ IVF Việt Nam.

Từ chỗ đi sau thế giới, Việt Nam bắt đầu đóng góp vào việc thay đổi thực hành của thế giới, điển hình là kỹ thuật IVM (trưởng thành noãn non trong ống nghiệm). Các kết quả nghiên cứu mới, phác đồ điệu trị mới được công bố trên các tạp chí đầu ngành, các buổi hội nghị chuyên ngành của thế giới (ESHRE, ASRM, ASPIRE...), mở lớp huấn luyện cho các bác sĩ IVF trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thu hút cả chuyên gia đến từ những trung tâm lớn của thế giới như Mỹ, Australia… sang học.

BS. Lan chia sẻ: “Chúng ta vẫn thường tự mặc định là Việt Nam phải đi sau các nước khác trên thế giới.. Tuy nhiên, có những lĩnh vực chúng ta có thế mạnh, chúng ta có thể mạnh mẽ đi đầu và cống hiến lại cho thế giới”. Tiếp lời vợ, BS. Tường cho biết hiện nay đã có 40 ngàn - 50 ngàn trẻ ra đời nhờ kỹ thuật IVF ở Việt Nam, thể hiện việc chúng ta đã làm chủ kỹ thuật này, với tỷ lệ thành công cao, giá dịch vụ phù hợp với mặt bằng dân số. “Nhiều kỹ thuật mới, khó, rất nhiều trung tâm lớn trên thế giới ngại làm nhưng chúng ta vẫn mạnh dạn triển khai. Chẳng hạn nuôi noãn trong ống nghiệm (trưởng thành trứng non trong ống nghiệm - IVM). Đến nay có thể khẳng định Việt Nam đang dẫn đầu thế giới về kỹ thuật này”, Phó Chủ tịch Hội sinh sản châu Á - Thái Bình Dương, chia sẻ.

Hỏi rằng động lực nghiên cứu ấy đến từ đâu? Hai vợ chồng đang là những chuyên gia hàng đầu về IVF chung quan điểm: “Làm bác sĩ muốn giỏi thì phải nghiên cứu. Như vậy mới giải đáp được thất bại vì sao thất bại? Thành công vì sao thành công? Làm nghiên cứu khoa học không phải chỉ để báo cáo hay đăng báo quốc tế, mà mục đích tối thượng là ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực hành lâm sàng, phục vụ điều trị tốt nhất cho bệnh nhân”.

Theo BS. Lan, cùng với đội ngũ đồng nghiệp giỏi xung quanh, điều thuận lợi là hai vợ chồng chị làm cùng nghề, chuyên sâu cùng lĩnh vực nên trong công việc, đôi khi chỉ cần nhìn là hiểu người kia muốn nói gì. Và dù có phát sinh những bất đồng, điều không thể tránh khỏi, họ cũng thống quan điểm căn cứ vào khoa học để tháo gỡ vấn đề. “Mọi định hướng đều nhằm điều trị, phục vụ tốt cho bệnh nhân”, BS. Lan chia sẻ.

3. BS. Lan cho biết thêm, động lực đó còn đến từ việc vợ chồng chị chịu ảnh hưởng nhiều từ tấm gương của mẹ. Đó là sự hi sinh, dám chịu trách nhiệm và tinh thần cầu thị, học hỏi cái mới mà tất cả cũng vì muốn làm điều tốt nhất cho bệnh nhân. Vì vậy mà từ chỗ là học sinh chuyên lý Trường THPT Bùi Thị Xuân, giải nhất cấp thành phố nhưng đứng trước ngưỡng cửa chọn nghề, cô học sinh Vương Thị Ngọc Lan không mấy đắn đo khi rẽ qua ban B để vào ngành y, nối nghiệp mẹ: “Từ nhỏ chị em tôi đã theo mẹ vào bệnh viện. Tuổi thơ sống ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Thời điểm những năm đầu đất nước thống nhất, rất nhiều người ra đi và do vậy những người ở lại như mẹ phải nỗ lực hơn để gánh luôn khoảng trống công việc bị bỏ lại.

Mẹ đi công tác liên tục, có lần ba chị em tôi bị sốt xuất huyết rất nguy kịch mà không có mẹ ở bên. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ giận mẹ bởi một phần là các cô, chú đồng nghiệp nơi mẹ làm chăm sóc chúng tôi như con. Và chúng tôi hiểu tầm quan trọng công việc mẹ đang làm. Mẹ dạy cho chúng tôi tính tự lập và lòng thương người. Vì vậy, ngoài chị gái cũng nối nghiệp mẹ, bản thân tôi thực sự không biết trên đời còn có ngành nào phù hợp hơn là ngành y, được làm bác sĩ như mẹ”, BS. Lan hướng cái nhìn trìu mến về phía người mẹ.

Gia đình ba thế hệ của PGS-TS-BS. Vương Thị Ngọc Lan.

Gia đình ba thế hệ của PGS-TS-BS. Vương Thị Ngọc Lan.

BS. Lan cho biết IVF là công việc đòi hỏi phải đặt nhiều công sức và thời gian vào đó: “Công việc liên tu bất tận từ chọc hút trứng, nuôi phôi, chuyển phôi... Từ năm 1997 tới giờ chưa có một ngày nào chủ nhật trọn vẹn ở nhà. Đến nỗi đám cưới của tôi và anh Tường, từ chuẩn bị và cưới chỉ gói gọn trong hai ngày. Đơn giản là vì phải trở lại với công việc, chắt chiu cơ hội cho bệnh nhân”. BS. Phượng góp vào câu chuyện: “Thấy suốt ngày cắm đầu trong phòng thí nghiệm, tôi lo cho hạnh phúc vợ chồng nó nên hỏi sao không đi coi phim, đi uống cà phê hẹn hò như người ta. Sau nghi nghe Tường trả lời: Tụi con đâu có thời gian nào rảnh đâu má ơi, mà thương tụi nó gì đâu”.

“Nhiễm” đức tính thương người và tinh thần hết lòng vì công việc từ mẹ, BS. Lan cho rằng: “Y đức không phải là thích hay không thích, một khi đã chọn nghề y thì đó là thuộc tính, phải có sự hy sinh và đặt lợi ích của bệnh nhân lên đầu tiên. Tôi nhớ hồi nhỏ mẹ kêu chị em tôi ngồi lại, lý giải vì sao cứ ở riết trong bệnh viện. Đó là vì phải lo cho những chị, những cô bệnh nhân, họ cũng đang làm mẹ của những đứa trẻ, họ đang bệnh mà nếu không được chữa trị kịp thời, nếu lỡ may mất đi thì con họ sẽ ra sao...”

Và như một vòng lặp y nghiệp của BS. Lan hơn hai thập niên trước, con gái đầu Hồ Ngọc Lan Nhi của chị cũng đã chọn nghề y, là gương mặt nổi bật trong nghiên cứu khoa học và các hoạt động tại Khoa Y - Đại học Quốc gia TP.HCM. BS. Lan nói: “Cũng như tôi ngày trước, Lan Nhi từ nhỏ cũng theo ba mẹ vào bệnh viện và coi đây như ngôi nhà thứ hai. Tuổi thơ chịu nhiều thiệt thòi so với chúng bạn nhưng tôi mừng vì cháu hiểu, chia sẻ và chấp nhận hi sinh vì công việc bận rộn của ba mẹ. Cũng như chị em tôi ngày trước, nay cháu đang đi trên chính con đường đó...”.

4. Khai sinh ngành IVF - một lĩnh vực mới trong y khoa Việt Nam vào tháng Tư, đến nay kỹ thuật này đã phát triển ở nhiều bệnh viện trong cả nước. Không chỉ vậy, một chương trình hỗ trợ chi phí thụ tinh trong ống nghiệm cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn mang tên Ươm mầm hạnh phúc cũng được BS. Phượng khởi xướng. Nữ Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân cho biết ngành y tế nay đã phát triển hơn trước rất nhiều, tuy nhiên cùng với sự phát triển vượt bậc của ngành IVF thì các lĩnh vực khác cũng cần đầu tư, phát triển đồng bộ. Với lĩnh vực IVF, điều khiến bà trăn trở là có những nơi không đủ tiêu chuẩn, không đúng chuyên môn nhưng vẫn triển khai kỹ thuật này. Nhiều bệnh nhân có tâm lý ngại đến bệnh viện mà lại lui tới những nơi không đảm bảo điều kiện điều trị, tiền mất, tật mang...

Đó là lý do mà mẹ, con bà bao năm miệt mài trên hành trình y nghiệp Ươm mầm hạnh phúc. Và gen “nhà IVF” yêu nước, thương nòi ấy đã truyền đến thế hệ thứ ba...

Trung Dũng

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/me-con-va-hanh-trinh-uom-mam-hanh-phuc-28393.html