Mâu thuẫn nghiêm trọng khiến dự án tiêm kích thế hệ 6 FCAS nguy cơ bị đóng cửa
Chương trình tiêm kích thế hệ 6 FCAS luôn đối diện những rắc rối từ khi khởi động, xoay quanh việc chia sẻ công nghệ cũng như quyền làm chủ của các bên tham gia.

Chủ tịch tập đoàn sản xuất máy bay Pháp Dassault Aviation - ông Eric Trappier cho biết, họ có khả năng tự chế tạo tiêm kích thế hệ 6 FCAS mà không cần sự hỗ trợ từ phía đối tác, tờ Hartpunkt cho biết.

Nguyên nhân dẫn đến phát biểu trên là do ông Trappier không hài lòng với việc phân chia nhiệm vụ trong chương trình Hệ thống máy bay chiến đấu tương lai (FCAS) giữa Pháp, Đức và Tây Ban Nha, đặc biệt là với dự án phụ phát triển tiêm kích thế hệ thứ 6.

Cụ thể, bên lề Triển lãm hàng không Paris, ông Trappier đã kêu gọi phân chia lại rõ ràng thành phần này của chương trình hợp tác, thậm chí còn cảnh báo về việc Dassault có thể rút khỏi dự án FCAS nếu tình hình không thay đổi.

Trước diễn biến trên, giới truyền thông cho rằng đã xuất hiện những bất đồng trong liên doanh, khi cuộc đấu thầu cho giai đoạn thứ hai của dự án, nhằm tạo ra các nguyên mẫu đầu tiên để tiến hành bay thử nghiệm vẫn chưa được hoàn thành.

Vấn đề nữa là Chính phủ Pháp cũng ủng hộ lập trường của Tập đoàn Dassault, khi Paris đã thông báo tới các đối tác trong liên doanh về việc họ muốn phụ trách 80% công việc trong dự án sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo.

Trong trường hợp yêu sách trên được thực hiện, dự báo sẽ tạo ra sự thay đổi hoàn toàn trong việc phân chia trách nhiệm cũng như vai trò đã được thỏa thuận trước đó giữa các bên tham gia liên doanh và đối tác công nghiệp.

Nếu viễn cảnh trên xảy ra, nguyên tắc hợp tác bình đẳng mà dự án FCAS ban đầu được xây dựng xung quanh - thực tế sẽ bị phá hủy hoàn toàn.

Đáng chú ý là trước đó vào tháng 4/2025, xuất hiện thông tin cho biết chương trình hợp tác giữa Tập đoàn Dassault và Airbus trong khuôn khổ chương trình Hệ thống máy bay chiến đấu tương lai đã xấu đi.

Nguyên nhân là do xuất hiện những bất đồng không dễ để dàn xếp giữa các bên, khi Dassault dưới sự hậu thuẫn của Chính phủ Pháp bắt đầu ra yêu sách với Airbus - được đại diện trong dự án bởi các nhóm công tác đến từ Đức và Tây Ban Nha.

Quay trở lại tháng 12/2022, Tập đoàn Airbus đã ký một thỏa thuận với Dassault để thực hiện giai đoạn đầu tiên của dự án FCAS.

Nội dung công việc bao gồm tạo ra một nền tảng trình diễn và thử nghiệm trên mặt đất, sau đó là chuyển sang giai đoạn 2 - chế tạo một nguyên mẫu tiêm kích thế hệ thứ sáu, giá trị hợp đồng ước tính là 3,2 tỷ euro.

Cho đến thời điểm hiện tại, Dassault là nhà thầu chính cho công việc phát triển hạng mục Máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo (NGF).

Nhưng theo lời ông Trappier, Dassault hiện chỉ nắm giữ 1/3 cổ phần, trong khi Airbus nắm giữ 2/3. Sự mất cân bằng như vậy liên tục gây ra xung đột về việc phân chia nhiệm vụ giữa các đối tác chiến lược.

Không chỉ riêng Tập đoàn Dassault, những lời chỉ trích về việc thực hiện các hạng mục trong dự án FCAS còn đến từ đại diện chính quyền Pháp.

Paris bày tỏ quan điểm không hài lòng với sự chậm trễ của các đối tác trong việc phát triển máy bay, mặc dù ban đầu kỳ vọng vào khả năng của liên doanh trong việc thực hiện dự án trong khung thời gian đã định.

Trường hợp xấu nhất xảy ra sẽ dẫn tới việc dự án FCAS tan rã và các bên trong liên doanh sẽ độc lập phát triển tiêm kích thế hệ 6 của riêng mình, như vậy châu Âu sẽ chậm trễ đáng kể so với Mỹ và Trung Quốc.