Tấm thẻ tử thần của điệp viên Brian Nelson

Brian Nelson (30/9/1947 - 11/4/2003) là một thành viên bán quân sự trung thành với chủ nghĩa Ulster (là một phần của chủ nghĩa công đoàn Ulster gắn liền với những người theo đạo Tin lành Ulster thuộc tầng lớp lao động) trong thời kỳ diễn ra xung đột vũ trang ở Bắc Ireland. Ông Brian là giám đốc tình báo của Hiệp hội phòng thủ Ulster (UDA) và cũng là một điệp viên mật hoạt động cho Đơn vị nghiên cứu lực lượng (FRU) của quân đội Anh trong thời gian diễn ra sự kiện đó.

Những sự hỗ trợ bí mật

Ông Brian Nelson, một người theo đạo Tin lành đến từ đường Shankill ở thủ phủ Belfast, từng có thời gian phục vụ trong Trung đoàn Black Watch trước khi gia nhập UDA hồi đầu thập niên 1970, nơi ông trở thành nhân viên tình báo cấp thấp cho lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Ulster (RUC). Năm 1974, ông Brian bị kết án 7 năm tù vì đã bắt cóc và tra tấn một người đàn ông Ireland có tên là Gerald Higgins, người này qua đời vài tuần sau đó vì đa chấn thương. Vì tội ác này mà Nelson chịu “bóc lịch” 3 năm.

Sau khi được phóng thích, Brian Nelson từ chức ở UDA và chuyển sang làm công việc xây dựng tại CHLB Đức. Tuy vậy, năm 1985, dựa trên sự nghiệp quân sự trong quá khứ mà chính phủ Ireland đã tiếp cận Brian và đề nghị ông tái làm việc cho UDA trong vai trò mật vụ cho chính phủ với mức lương tương đương 200 bảng mỗi tuần, nhằm hỗ trợ cho các cơ quan an ninh thâm nhập vào UDA để kịp thời ngăn chặn những hoạt động đáng ngờ.

Andy Tyrie, chỉ huy Hiệp hội phòng thủ Ulster giai đoạn 1973-1988.

Andy Tyrie, chỉ huy Hiệp hội phòng thủ Ulster giai đoạn 1973-1988.

Brian đồng ý và cấp trên đã đặt bí danh cho ông là 6137. Sau khi tái gia nhập UDA, Brian đã trở thành một sĩ quan tình báo cấp cao một phần nhờ sự hỗ trợ bí mật từ chính phủ. Mối quan hệ gần gũi của chính phủ Ireland với Brian Nelson chặt chẽ đến mức có báo cáo cho rằng họ đã nhận được một vali tình báo chưa được sắp xếp và ông Brian đã gặp khó khăn khi dùng nó, và đến tay Quân đoàn tình báo Lục quân đã sắp xếp các hồ sơ tình báo một cách hợp lý và bàn giao lại cho Brian sử dụng.

Đến tháng 6/1985, Brian nhận được một công tác bí mật: nhập vũ khí từ Nam Phi. Trong tháng đó ông đã đến Nam Phi nhằm mua một số loại vũ khí sau khi chỉ huy của UDA là Andy Tyrie đã dàn xếp thành công với một nhân viên của Hãng Armscor (gốc người Portadown, hạt Armagh, Bắc Ireland). Brian đến thăm một nhà máy sản xuất vũ khí ở Durban (Nam Phi) và nhất trí mua lô hàng đầu tiên với số tiền 100.000 bảng Anh, gồm: súng trường tấn công Vektor R4, súng tiểu liên Sanna 77, súng lục Star Model B, súng ngắn Armsel Striker, súng phóng lựu RPG-7 và các loại chất nổ dẻo.

Khi trở về Anh, Brian Nelson đã thông báo cho cấp trên ở FRU về chuyến đi đến Nam Phi của mình, tuy nhiên thỏa thuận mua bán vũ khí đã không thực hiện được do UDA mất khả năng trong việc huy động tiền. Đầu năm 1988, một chuyến hải hành vận chuyển vũ khí của Phong trào kháng chiến Ulster từ Armscor ở Nam Phi đã cập cảng Bắc Ireland. Dù thực tế rằng số vũ khí có nguồn gốc ở Lebanon nhưng Armscor bị cáo buộc đã chuyển hàng thông qua một loạt trung gian (như trùm lái súng người Mỹ, Douglas Bernhardt) nhằm che đậy nguồn gốc thực sự của nó.

Sang đầu thập niên 1990, sau vụ sát hại Loughlin Maginn, John Stevens đã hạ lệnh mở cuộc điều tra về những cáo buộc thông đồng giữa các lực lượng bán quân sự trung thành và Cảnh sát Hoàng gia Ulster (RUC). Ông John Stevens có thể đã sử dụng công nghệ vân tay tiên tiến mà bản thân RUC không có. Nhóm điều tra đã phát hiện dấu vân tay của Brian Nelson trên một số tài liệu của lực lượng an ninh.

Bất chấp mọi trở ngại, nhóm này đã mở cuộc điều tra và bắt giữ Brian Nelson. Khi đội điều tra của Stevens bắt giữ và thẩm vấn Brian Nelson, ông tuyên bố rằng mình hành động nhằm thay mặt cho chính phủ. Stevens nghi ngờ bèn đem việc này nói với John Deverell (người đứng đầu MI.5 - cơ quan chuyên về tình báo, phản gián, và đảm bảo an ninh của Vương quốc Anh - ở Belfast) và được xác thực rằng Brian làm việc cho tình báo Quân đội chứ không phải là RUC. Những bất đồng sâu sắc đã nảy sinh giữa hai nhánh an ninh khi các hành vi vi phạm của Brian Nelson ngay trong Đơn vị nghiên cứu lực lượng (FRU) bị phát giác.

Trong vòng 2 tháng, Brian đã đọc một bản tuyên bố với cảnh sát dày đến 650 trang. Trong đó Brian tuyên bố rằng mình được cấp trên giao nhiệm vụ cải tạo UDA thành một lực lượng hiệu quả hơn mà cụ thể là “thanh trừng”. Bằng cách dùng thông tin đáng lẽ phải được giữ bí mật với cấp trên, Brian đã tạo ra hàng loạt hồ sơ hay “gói tình báo” bao gồm xuất thân, địa chỉ, ảnh và các chuyển động của những mục tiêu được đề xuất rồi gửi chúng cho các “sát thủ” của UDA.

Những tấm thẻ tử thần

Brian Nelson có một hệ thống chỉ số thẻ xanh cho phép ông chọn những thông tin liên quan đến các cá nhân từ núi thông tin mà ông nhận được. Việc lựa chọn tên cho chỉ số là do bản thân Brian thực hiện, và ông Stevens kết luận rằng Brian Nelson đã chọn ra người sắp bị “trảm”. Brian chuyển những cái tên này thường là chỉ 10 người cho các cấp trên của ông ở FRU và nói rằng ông không nhớ những người khác. Tuy nhiên, 10 người đó chưa bao giờ bị nhắm tới. Có 4 người khác bao gồm cả luật sư Pat Finuacane đều bị bắn chết. Theo lời ông Stevens thì “FRU đã hết sức bất cẩn khi không thể bảo vệ được 4 người đã thiệt mạng”.

Brian Nelson trao những tấm thẻ xanh của mình (mỗi lần dao động từ 20 đến 50 tấm) cho các thành viên của Lực lượng tình nguyện Ulster (UVF). FRU không có nhân viên nào bên trong hàng ngũ UVF và do vậy mà những người bị nhắm tới này đã không được bảo vệ. Tuy nhiên, nhiều người trung thành với chủ nghĩa Ulster không mấy bận tâm tới việc hủy thẻ xanh của họ, còn nhóm Stevens có thể thu được bằng chứng dấu vân tay từ đó.

Một bài viết trong tháng 3/2001 đăng trên báo Andersonstown, một cựu cán bộ của FRU là ông Martin Ingram đã tuyên bố rằng khi Brian Nelson được bổ nhiệm làm giám đốc tình báo của UDA vào năm 1987 thì ông đã bàn giao toàn bộ kho dữ liệu mục tiêu của họ cho FRU, sau đó cập nhật chúng bằng thông tin được lấy từ nhánh đặc biệt của RUC và những hồ sơ tình báo quân sự trước khi giao chúng cho Brian Nelson dùng để lập các kế hoạch ám sát. Năm 1998, tờ The Sunday Telegraph đã công bố một loạt bài viết nêu chi tiết những hoạt động của FRU và việc tương tác của Brian Nelson với đơn vị này.

Những tài liệu mật mà tờ báo này có được cho thấy mục đích cụ thể của việc đưa Brian Nelson vào UDA là nhằm đảm bảo rằng các lực lượng bán quân sự trung thành với chủ nghĩa Ulster do Brain cung cấp thông tin tình báo, sẽ chỉ nhắm vào những người tích cực tham gia hành vi khủng bố của đảng Cộng hòa, thay vì giết hại những người Công giáo theo một cách ngẫu nhiên.

Bằng chứng cho thấy rằng Brian Nelson đã nhúng tay vào ít nhất 15 vụ ám sát, 15 vụ cố ý thủ tiêu và 62 âm mưu giết người trong thời gian làm việc cho FRU. Trong lần phỏng vấn năm 2000 với tờ Sunday Herald, một cán bộ của FRU đã xác định Margaret Walshaw là cấp trên của Brian Nelson tại FRU trong giai đoạn 1986-1990, và cáo buộc bà này đã đồng lõa với Brian trong việc mua các loại bản đồ, ảnh, những chi tiết cá nhân của người bị nhắm mục tiêu ám sát. Tiếp đó bài báo cho rằng bà Margaret Walshaw thậm chí đã mua một máy tính cá nhân cho Brian nhằm chuyển tải thông tin hiệu quả hơn dưới dạng đĩa mềm cho ông, đồng thời những tài liệu buộc tội có thể giảm đi nếu chẳng may Brian bị tóm. Trong phiên tòa xét xử vào năm 1992, bên công tố cáo buộc Brian Nelson đã không cảnh báo cấp trên của mình về các kế hoạch ám sát mà anh ta biết. Gordon Kerr (bí danh "Đại tá J”, một sĩ quan cấp cao, người sau này cũng bị điều tra), đã ra làm chứng thay mặt cho Brian Nelson.

Ông Kerr tuyên bố rằng Brian đã cảnh báo Quân đoàn tình báo về hơn 200 âm mưu ám sát được thực hiện bởi các đội tử thần của người theo chủ nghĩa Ulster, chúng bao gồm một mục tiêu nhằm vào thủ lĩnh Gerry Adams của Sinn Féin (đảng lớn nhất trong Hội đồng Bắc Ireland, giành được phiếu bầu cao nhất và nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử năm 2002). Ông Kerr còn tuyên bố rằng những cảnh báo của Brian Nelson đã cho phép quân đội Anh ngăn chặn mọi âm mưu giết người ngoài 3 vụ. Năm 1989, bản thân ông Brian Nelson tuyên bố rằng ông đã cảnh báo với các cấp trên về những kế hoạch “hành thích” của UDA nhắm vào luật sư Pat Finucane - người đã thành công khi trở thành người đại diện cho các nghi phạm (quân đội Cộng hòa Ireland lâm thời) trước tòa.

Theo Brian Nelson, do không được cảnh báo trước nên luật sư Pat Finucane đã bị bắn chết trước mặt vợ và các con. Cuối cùng Brian Nelson đã nhận tội với 20 cáo buộc khác nhau bao gồm 5 cáo buộc về âm mưu giết người và bị kết án 10 năm tù. Ngoài ra theo thỏa thuận nhận tội của Brian mà hai tội danh giết người cấp độ 1 đã bị hủy bỏ.

Willie Carlin, nhân viên quân đội Anh kiêm điệp viên của MI.5, người biết về số phận của ông Brian Nelson.

Willie Carlin, nhân viên quân đội Anh kiêm điệp viên của MI.5, người biết về số phận của ông Brian Nelson.

Chuyện chưa từng biết đến

Sau khi Brian Nelson bị kết án, buổi phát sóng có tựa đề “Cuộc chiến bẩn thỉu” trong chương trình Panorma của đài BBC vào ngày 8/6/1992 đã trưng ra những tuyên bố mới nhất về sự nhúng tay của Brian trong các vụ giết người và âm mưu khác. Một cáo buộc trong số đó nói rằng sau khi nhận được thông tin của Brian Nelson, Quân đoàn tình báo giữ bí mật âm mưu ám sát Paddy McGrory - một luật sư đại diện cho các gia đình Gibraltar Three (3 thành viên của Quân đội cộng hòa Ireland lâm thời - IRA - bị bắn chết ở Gibraltar). Hay hồi tháng 1/1993, ông Gerry Adams tin tưởng rằng chính phủ Ireland hoàn toàn biết chắc chắn việc Brian có tham gia vào Phong trào cách mạng Ulster khi vào tháng 1/1988 có nhập khẩu vũ khí từ Nam Phi bao gồm 100 khẩu súng trường AK47; 90 khẩu súng lục Browning; 500 quả lựu đạn phân mảnh và 12 súng chống tăng không giật RPG 7.

Một nhánh khác của lực lượng an ninh đã có thể chặn một lượng lớn vũ khí trước khi những người trung thành với chủ nghĩa Ulster có thể dùng chúng. Một khi vũ khí đi lọt cộng với sự phụ thuộc của những người trung thành vào các hồ sơ tình báo cảnh sát và quân sự (dù đã lỗi thời) cũng đồng nghĩa là năm 1992, số người trung thành bị sát hại nhiều hơn so với những thành phần Cộng hòa, một tình thế chưa từng thấy kể từ năm 1975. Ngài Patrick Mayhew (Ngoại trưởng Bắc Ireland) tuyên bố vụ án của Brian Nelson “đã chết và chôn vùi”.

Tuy vậy, vào tháng 5/1993, một thẩm phán ở San Francisco (California) trong vụ án dẫn độ một tù nhân trốn thoát khỏi Maze là James Joseph "Jimmy" Smyth (người sử dụng bí danh “Jimmy Lynch”) đã yêu cầu công bố tại tòa những báo cáo bị che giấu bao gồm nhiều tài liệu về Brian Nelson, hoặc vụ án có nguy cơ bị bác bỏ. Những tài liệu đó đã không được xuất trình, song Smyth cuối cùng bị dẫn độ đến Bắc Ireland và bị giam vào ngày 17/8/1996.

Một người trung thành với chủ nghĩa Ulster là ông Billy “Twister” McQuiston đã tiết lộ với nhà báo Peter Taylor rằng ông và các đồng đội của mình tin rằng cuộc điều tra Stevens và vụ bắt giữ Brian Nelson đã mang lại lợi ích lớn cho Hiệp hội phòng thủ Ulster (UDA), và tuyên bố rằng “cuộc điều tra Stevens đã loại bỏ hoàn toàn những thành viên cũ trong UDA và đưa những người mới nắm quyền”. Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, phe trung thành với chủ nghĩa Ulster đã bị IRA “thanh trừng” nhiều hơn.

Cựu điệp viên Brian Nelson đã tạ thế vào ngày 11/4/2003 hưởng thọ 55 tuổi. Hai tuần trước khi qua đời, ông lên cơn đau tim. Tuy vậy, một số báo cáo cho rằng Brian chỉ đang giả chết, thực tế ông đang sống ở một địa điểm bí mật trên đất Anh.

Phan Bình (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/tam-the-tu-than-cua-diep-vien-brian-nelson-i774693/