Mất hơn 800 triệu vì tin bạn chơi game

Quen nạn nhân trên game, đối tượng mạo danh nhân viên cửa hàng điện thoại, nhận tiền mua hộ rồi thông báo đóng thuế trúng thưởng để chiếm đoạt hơn 800 triệu đồng.

Đối tượng dùng game để tiếp cận, lừa tiền nạn nhân. Ảnh minh họa: Reuters.

Trong bản tin tuần vừa qua, Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ Thông tin & Truyền thông (TTTT), tiếp tục cảnh báo nhiều hình thức lừa đảo trực tuyến đáng chú ý tại Việt Nam.

Một số thủ đoạn lừa đảo được đề cập gồm mạo danh nhân viên cửa hàng điện thoại, lãnh đạo Sở TTTT hoặc môi giới việc làm, tiếp cận nạn nhân qua nhiều hình thức để chiếm đoạt tài sản.

Bị lừa hơn 800 triệu vì tin bạn trên game

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) cho biết đang tạm giữ hình sự Nguyễn Lê Hoàng Thủy (31 tuổi, ngụ TP Biên Hòa) để điều tra hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo điều tra, Thủy quen biết chị N.T.Q.A. (30 tuổi, quê Bình Thuận) thông qua chơi game trên mạng xã hội, nảy sinh ý tưởng lừa chị A. để lấy tiền trả nợ.

Đối tượng chiếm đoạt hơn 800 triệu đồng nhờ nhận tiền mua hộ điện thoại và đóng thuế trúng thưởng. Ảnh: Cục ATTT.

Trong lúc trò chuyện trên game, Thủy tự xưng là nhân viên bán hàng của Thế giới di động tại TP.HCM, nói rằng sẽ hỗ trợ nếu A. muốn mua điện thoại giá rẻ.

Do tin tưởng, A. chuyển khoản cho Thủy 44,5 triệu đồng để nhờ mua 3 chiếc điện thoại. Sau khi nhận tiền, đối tượng lập tức rút để trả nợ. Khi chị A. thắc mắc, đối tượng lấy lý do chưa có hàng.

Không dừng lại, Thủy còn nói dối rằng chị A. trúng thưởng hàng tỷ đồng, yêu cầu đóng thuế 10% để nhận tiền. Đối tượng thậm chí chỉnh sửa số dư tài khoản, gửi cho nạn nhân để tạo lòng tin.

Chị A. nhiều lần chuyển khoản cho Thủy với tổng số tiền hơn 800 triệu đồng. Sau thời gian dài chờ đợi nhưng không nhận được phần thưởng, nạn nhân biết bị lừa nên đến Công an phường Thanh Bình (TP Biên Hòa) để trình báo.

Trước tình trạng trên, Cục ATTT khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác trước những lời mời trên mạng xã hội, không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ.

Khi nhận cuộc gọi báo trúng thưởng, người dân cần yêu cầu cung cấp họ tên, chức vụ, đơn vị công tác, địa chỉ, số điện thoại (nếu bên tặng thưởng là cá nhân), hoặc tên công ty, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế, giấy phép đăng ký kinh doanh (nếu bên tặng thưởng là doanh nghiệp).

Ngoài ra, nên liên hệ các cơ quan có thẩm quyền như Sở Công Thương, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương để được hỗ trợ bởi các chương trình khuyến mãi, trao thưởng lớn đều phải đăng ký và cấp phép.

Mạo danh lãnh đạo Sở TTTT để lừa đảo

Giữa tháng 1, ông Võ Minh Chiến, Phó giám đốc Sở TTTT tỉnh Sóc Trăng, ký công văn gửi các sở, ngành tỉnh và UBND huyện thị xã, thành phố, thông báo tình trạng một số đối tượng mạo danh lãnh đạo Sở TTTT tỉnh Sóc Trăng, Công an tỉnh Sóc Trăng để lừa đảo.

Chúng gọi đến người dân, thông báo số điện thoại của họ bị dùng để đăng thông tin chống phá Đảng, Nhà nước trên mạng xã hội, hoặc liên quan đến đường dây ma túy, yêu cầu phối hợp xử lý hoặc chuyển tiền.

Tại tỉnh Sóc Trăng xuất hiện nhiều đối tượng mạo danh lãnh đạo Sở TTTT để chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Cục ATTT.

Sở TTTT tỉnh Sóc Trăng đề nghị cơ quan, đơn vị và các địa phương phối hợp thông tin tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức và người dân nâng cao cảnh giác với cuộc gọi nghi vấn mạo danh.

Cục ATTT khuyến cáo người dân tuyệt đối cảnh giác khi nhận cuộc gọi với nội dung như trên, không làm theo yêu cầu của đối tượng nghi vấn mạo danh.

Ngoài ra, Sở TTTT và Công an tỉnh là những cơ quan nhà nước, khi mời người dân làm việc đều phát hành văn bản hoặc đến nhà mời trực tiếp.

Trong trường hợp nhận cuộc gọi nghi ngờ mạo danh, người dân có thể ghi âm cuộc gọi, số điện thoại và thông báo cho cơ quan công an gần nhất để trình báo.

Chiếm đoạt gần 2 tỷ tiền cọc xin việc

Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Thanh (38 tuổi, ngụ huyện Thạch Thành) để điều tra tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Một trong những nạn nhân của đối tượng, anh B.V.T. (43 tuổi, ngụ phường Đông Hương) cho biết đã chuyển tổng số tiền 400 triệu đồng, nhờ Thanh để xin việc cho một số người thân.

Thủ đoạn lừa đảo xin việc tiếp tục nở rộ trong thời gian gần đây. Ảnh: Cục ATTT.

Sau nhiều lần hứa hẹn, người thân của anh T. vẫn không được đi làm. Lúc này, nạn nhân biết bị lừa nên trình báo Công an tỉnh Thanh Hóa.

Theo kết quả điều tra ban đầu, Thanh không có việc làm ổn định, thường thuê chung cư tại TP Thanh Hóa để sinh sống.

Dù vậy, đối tượng luôn tự giới thiệu quen biết nhiều người, có thể xin việc tại các công ty lớn, thu nhập 10-30 triệu đồng tùy vị trí.

Để được nhận vào làm, mỗi người phải đặt cọc 5-10 triệu đồng cho Thanh, sau 3 tháng đi làm sẽ được hoàn trả. Với người có nhu cầu làm tài xế xe khách, tiền cọc là 10-30 triệu đồng, sẽ nhận lại sau 2 năm đi làm nếu không tự ý bỏ việc.

Tin lời Thanh, nhiều người chuyển tiền cho đối tượng với mong muốn tìm công việc ổn định. Tuy nhiên, đây hoàn toàn là chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Tính đến nay, có khoảng 200 người bị Thanh lừa, tổng số tiền gần 2 tỷ đồng.

Cục ATTT cho biết đã nhiều lần cảnh báo người dân, đặc biệt là người lao động có nhu cầu tìm việc. Cần cẩn trọng với lời giới thiệu việc làm trên mạng xã hội, tìm hiểu kỹ về người giới thiệu, chính sách của công ty mà đối tượng nhắc đến.

Ngoài ra, không đặt cọc cho đối tượng dưới mọi hình thức khi chưa nắm rõ thông tin và độ uy tín. Nếu có nhu cầu tìm việc, nên tìm các văn phòng, công ty có danh tiếng, uy tín hoặc website chính thống, không tin những kẻ yêu cầu cọc tiền.

Phúc Thịnh

Nguồn Znews: https://znews.vn/mat-hon-800-trieu-vi-tin-ban-tren-game-post1456388.html