Mạnh tay xử lý hành vi chậm nộp bảo hiểm xã hội tránh việc doanh nghiệp 'nhờn' luật

Theo các chuyên gia, chế tài xử phạt vi phạm chậm đóng bảo hiểm chưa đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng có doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt sau đó lại tiếp tục vi phạm.

Số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vẫn ở mức cao

Trong những năm qua, mặc dù tỷ lệ số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp so với số tiền phải thu giảm dần qua từng năm, tuy nhiên vẫn còn ở mức cao.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội của các đơn vị, doanh nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2022 là khoảng trên 10.000 tỷ đồng/năm.

Ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) thừa nhận, tình trạng doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội luôn là vấn đề nhức nhối. Thời gian qua, tại các tỉnh, thành phố đều đã thành lập được Ban chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trên địa bàn, do phó chủ tịch, hoặc chủ tịch UBND tỉnh đứng ra làm trưởng ban chỉ đạo.

Thông qua ban chỉ đạo này đã có những giải pháp quyết liệt hơn. Nhờ đó, trong năm 2023, tỷ lệ chậm đóng bảo hiểm xã hội đã giảm xuống mức 2,69%, là mức thấp nhất từ trước đến nay.

Hiện cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng đã tập trung một số giải pháp quan trọng như: Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách các doanh nghiệp chậm đóng, với thời gian kéo dài và số tiền lớn; tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất các doanh nghiệp.

Đồng thời, chuyển sang cơ quan điều tra xem xét, khởi tố đối với các trường hợp có thời gian nợ kéo dài với số tiền lớn, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều người lao động.

Tuy nhiên, cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng đang gặp vướng mắc trong quy trình tố tụng, nên số hồ sơ bị trả lại từ cơ quan điều tra rất lớn.

Bàn về nội dung này, dưới góc độ công đoàn, TS. Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề thực thi.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát có vai trò quan trọng, nhưng mới chỉ giúp phát hiện vấn đề, hơn hết vẫn là chế tài xử lí thế nào.

"Thực tế, chúng tôi biết nhiều khi doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt sau đó vẫn tiếp tục nợ. Bởi số tiền nợ bảo hiểm xã hội khá lớn, khi nộp phạt và nợ được thì đơn vị vẫn có thể sử dụng khoản vốn này để đầu tư cho các hoạt động khác" - bà Phạm Thị Thu Lan nêu thực trạng.

Theo Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, điều này cho thấy việc xây dựng chế tài thực thi đủ sức răn đe là vấn đề lớn, trong đó rất cần một hệ thống xử phạt về kinh tế đủ mạnh. Từ đó, bản thân doanh nghiệp sẽ phải tính toán lại lợi ích, và nhận thấy cần tuân thủ hơn là vi phạm.

Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS.TS. Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội Khóa XIII cho rằng nếu chính sách trong luật thực thi kém sẽ có thể gây “nhờn” luật. Do đó, theo chuyên gia trong sửa Luật Bảo hiểm xã hội lần này, việc xây dựng chế tài đủ mạnh để doanh nghiệp không dám vi phạm nữa là rất quan trọng.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/manh-tay-xu-ly-hanh-vi-cham-nop-bao-hiem-xa-hoi-tranh-viec-doanh-nghiep-nhon-luat-post575461.antd