Malaysia 'khát' nhân tài ngành công nghệ bán dẫn

Chính phủ Malaysia ước tính nước này cần 50.000 kỹ sư lành nghề trong lĩnh vực bán dẫn xu hướng phát triển đang bùng nổ hiện nay, tuy nhiên các trường đại học chỉ có thể đào tạo được khoảng 5.000 kỹ sư hàng năm.

Nhân viên tại nhà máy sản xuất bán dẫn của tập đoàn công nghệ AT&S tại Kulim, bang Kedah, Malaysia. Ảnh: CNA

Nhân viên tại nhà máy sản xuất bán dẫn của tập đoàn công nghệ AT&S tại Kulim, bang Kedah, Malaysia. Ảnh: CNA

Theo một phóng sự trên CNA, chỉ vài tháng sau khi làm việc tại nhà máy sản xuất bán dẫn mới của tập đoàn công nghệ AT&S tại Kulim, bang Kedah, kỹ sư quy trình cấp cao Azzuani Abdul Aziz đã nhận được thêm nhiều lời mời làm việc.

Cô Azzuani - người có 10 năm kinh nghiệm trong ngành bán dẫn, đang tham gia vào lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, đã gia nhập gã khổng lồ công nghệ AT&S có trụ sở tại Áo cách đây hai năm. Tập đoàn này chuyên cung cấp bảng mạch in cao cấp và chất nền mạch tích hợp – những thành phần quan trọng của hầu hết mọi thiết bị điện tử từ điện thoại di động đến máy tính.

Những kỹ sư lành nghề như cô đang được 'săn đón' tại Malaysia - quốc gia đã phát triển thành nhà xuất khẩu chất bán dẫn lớn thứ 6 thế giới. Lĩnh vực bán dẫn toàn cầu cũng được dự đoán sẽ đạt giá trị một nghìn tỷ USD vào năm 2030.

Thiếu hụt nhân tài ngành bán dẫn

Mặc dù ngành công nghiệp bán dẫn ở Malaysia đang bùng nổ, nhưng nước này cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu những nhân tài một cách trầm trọng. CNA dẫn số liệu chính thức cho biết, các công ty bán dẫn nước này cần 50.000 kỹ sư lành nghề, trong khi các trường đại học trong nước chỉ đào tạo được khoảng 5.000 kỹ sư mỗi năm.

Hiện tại, có khoảng 650.000 kỹ sư ở Malaysia, trong đó phần lớn – gần 600.000 người – đang làm việc trong lĩnh vực sản phẩm điện và điện tử.

Các doanh nghiệp trong ngành bán dẫn đang hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Malaysia và các trường đại học để thu hẹp sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao. Một giải pháp tiềm năng mà họ đã tìm ra là điều chỉnh các khóa học phù hợp với nhu cầu của ngành.

Ông Chen-Jiang Phua, Giám đốc điều hành của AT&S (Malaysia), nói với CNA rằng: “Tôi chưa bao giờ thấy tình trạng thiếu nhân tài nghiêm trọng như trong vài năm gần đây, đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn, sản xuất công nghệ cao”.

“Có rất nhiều khoản đầu tư không chỉ ở Malaysia mà còn trên toàn thế giới như chúng ta có thể thấy. Vì vậy, rõ ràng đang có một cuộc chiến nhân tài ngoài kia và bạn phải làm những điều khác biệt,” ông Chen-Jiang Phua nói.

Để giải quyết vấn đề chảy máu chất xám, ông cho rằng các nhà tuyển dụng phải đưa ra các gói tuyển dụng cạnh tranh để thu hút người tìm việc và khuyến khích các tập đoàn đào tạo kỹ sư trẻ.

Cuộc chiến tranh giành nhân tài

Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Malaysia Wong Siew Hai cho biết tổ chức của ông đã phát triển một chương trình nhằm giải quyết tình trạng thiếu kỹ sư. “Tôi gọi đó là cuộc chiến tranh giành nhân tài, vì mọi người đều thiếu hụt nhân tài và họ đang ở đây để tìm kiếm nhân tài. Họ ở khắp mọi nơi trên thế giới,” ông Hai nói.

Là một phần trong mục tiêu cải cách thị trường lao động, Chính phủ Malaysia đã triển khai chương trình Học viện Công nghiệp vào năm ngoái, nhằm trợ cấp đào tạo cho những sinh viên mới ra trường để đáp ứng nhu cầu của ngành bán dẫn. Nước này kỳ vọng những gã khổng lồ công nghệ sẽ tham gia vào công cuộc này.

Trong Quy hoạch tổng thể công nghiệp mới năm 2030, quốc gia Đông Nam Á này cũng đặt mục tiêu tạo ra 700.000 việc làm được trả lương cao.

Công ty sản xuất chip khổng lồ Intel của Mỹ, vốn thành lập nhà máy sản xuất quốc tế đầu tiên ở bang Penang cách đây 50 năm, đang đầu tư 7 tỷ USD để mở rộng hoạt động tại đây. Cơ sở đóng gói chip 3D tiên tiến đầu tiên của công ty này dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay, ước tính sẽ tạo ra khoảng 4.000 việc làm được trả lương cao.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/malaysia-khat-nhan-tai-nganh-cong-nghe-ban-dan-post35043.html