Mai xuân phơi phới
Thuở ấy, những người con của đất Thừa Thiên Huế, Quảng Trị vào Ðạ Tẻh (Lâm Ðồng) lập nghiệp với bao nhiêu nỗi niềm da diết nhớ quê hương. Họ mang theo tiếng nói, mang theo câu hát, mang theo tấm lòng của những người xa quê và cũng không quên mang theo những hạt giống mai vàng là sứ giả báo hiệu mùa xuân về.
Tôi đã nhiều lần về với Đạ Tẻh nhưng mỗi dịp tết đến, xuân về lại háo hức hơn cả. Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM) và NTM kiểu mẫu, diện mạo nông thôn đã thay đổi rõ rệt. Điều dễ nhận thấy nhất ở đây chính là những tuyến đường hoa mà không dễ gì nơi nào có được và đặc biệt hơn là mai vàng khắp ngõ.
Mùa xuân. Tôi có ý định viết về mai vàng Đạ Tẻh, một cán bộ Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn bảo rằng hầu như vào Đạ Tẻh nhà nào cũng có đôi ba cây mai vàng trang trí mùa xuân. Ngay tại Huyện ủy, UBND huyện Đạ Tẻh cũng bố trí rất nhiều chậu mai vàng để tô điểm thêm cho cảnh quan. Nhưng, mai vàng trồng nhiều thì phải vào xã Quảng Trị, xã Đạ Lây, xã Đạ Kho.
Ông Nguyễn Minh Tánh - Chủ tịch UBND xã Đạ Lây là một người gốc Thừa Thiên Huế cho biết, địa bàn xã Đạ Lây có khá đông dân cư từ mảnh đất cố đô vào lập nghiệp. Vì vậy, trồng mai vàng hầu như đã trở thành truyền thống của các gia đình. Khởi điểm từ một vài hộ, rồi khi cây mai ra hoa, có hạt, người dân lại chia sẻ hạt giống cho nhau cùng trồng, cũng có nhiều hộ mang cây từ quê vào. Ở miền Trung và cả nước ta thì có thể nói mai Huế khá nổi tiếng, nên người Huế ở xã Đạ Lây cố công lưu giữ “sứ giả của mùa xuân”, cũng là một nét rất Huế. Bên cạnh đó, việc trồng mai cũng mang lại thu nhập đáng kể cho một số hộ dân.
Anh Tường, một người trồng mai ở xã Đạ Lây hiện sở hữu khá nhiều gốc mai với nhiều thế, dáng làm khách qua đường phải nán lại để chiêm ngưỡng. Anh chia sẻ rằng chơi cây kiểng, đặc biệt là mai vàng thì chuyện giá cả rất khó lượng định. Nhiều lúc cây mai mình đã “kết” làm của để dành thì cho dù được ngả giá bao nhiêu cũng không bán, chỉ muốn để lại trước nhà để tết đến, xuân về, ngồi nhâm nhi tách trà, miếng mứt gừng rồi chiêm ngưỡng, tán chuyện ngày xuân.
Những người trồng và chơi mai thế ở Đạ Lây chia sẻ, mai cần chăm sóc rất cầu kỳ. Đó là cả quá trình với nhiều công đoạn như khi đánh bầu về phải chăm sóc đặc biệt để cây bén rễ, quen với khí hậu, thổ nhưỡng. Cây sống rồi thì bắt đầu tạo tán, ra thế cho cây; đây là công đoạn đòi hỏi người chơi phải có đôi bàn tay hoa mỹ mới tạo nên được một tác phẩm xứng tầm. Rồi phải tính toán ngày giờ hái lá, bón phân để mai vàng ra hoa đúng thời điểm, không sớm, không trễ một ngày nào.
Nếu như một số người ở xã Đạ Lây dành nhiều tâm huyết để tạo dựng cho mình gốc mai có nét gì đó rất Huế ở mảnh đất này thì nhiều hộ dân ở xã Quảng Trị lại chọn cách thức trồng mai theo thế “tự nhiên”. Nghĩa là trồng đại trà, trồng cả vườn, trồng lên đến con số vài trăm, chăm sóc như các loại cây ăn quả, chỉ khác mỗi công đoạn là hái lá để cây nở hoa đúng thì.
Ông Trần Đăng Trung ở Thôn 2, xã Quảng Trị là một người trồng mai khá nổi tiếng. Sự nổi tiếng của ông thể hiện ở số gốc mai vàng ông trồng từ trước đến nay đã lên đến vài trăm gốc. Cây mai cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình ông để nuôi ba người con ăn học. Là người gốc Quảng Trị, ngày đi kinh tế mới vào vùng đất này, báu vật mà ông mang theo chính là một số hạt giống mai vàng đất miền Trung gió Lào nắng cháy. Minh chứng rõ ràng nhất là hàng mai vàng trước nhà ông có tuổi đời trên 30 năm, rồi từ hàng mai ấy, ông đã nhân giống, chăm sóc để có một vườn mai đáng giá.
Đang chăm sóc mai, ông Trung bồi hồi nhớ lại: “Ngày đi, may nhờ mang được vài hạt giống, kiên trì trồng và chăm sóc giờ mới có ngày hôm nay. Trồng cả vài trăm gốc, tết về là người đến mua cành, người thì đánh cả gốc. Tôi bán mai để nuôi gia đình và con cái từ thời một cây mai có giá vài chục nghìn đồng, rồi đến vài trăm nghìn đồng, giờ là bạc triệu chú à. Bây giờ, trong vườn còn khoảng 200 gốc mai đã có hoa, tôi thường ví von hạt mai giống đầu tiên mình mang vào chính là hạt ngọc trời ban.
Đạ Tẻh là vùng đất có nhiều nông sản đặc biệt như nếp quýt, bưởi da xanh để cung cấp thị trường trong năm và nhất là dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, với ưu thế thổ nhưỡng và khí hậu, mai vàng cũng đang là một loại cây phục vụ nhu cầu chơi xuân của cư dân trong huyện và các huyện lân cận. Từ đó, mang lại thu nhập đáng kể cho nông hộ và điểm tô cho mảnh đất miệt Nam Tây nguyên dịp tết đến, xuân về...
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202201/mai-xuan-phoi-phoi-3099617/