Lung linh đêm hội đèn nước của đồng bào Khmer Sóc Trăng

Trong khuôn khổ lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực ĐBSCL lần thứ 6 và Tuần lễ VH-TT và DL Sóc Trăng lần thứ 1 năm 2024, tối 12/11, trên đoạn sông Maspero (sông Trăng, đoạn giữa cầu C247 và cầu 20/4), Sở VH-TT và DL tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thi Lôiprotip (thả đèn nước); trình diễn đèn nước và ghe Cà Hâu. Đêm hội có sự góp mặt của 20 đèn nước và 5 ghe Cà Hâu đến từ các chùa trong tỉnh.

Theo truyền thuyết người Khmer Sóc Trăng tổ chức thả đèn nước dưới sông để cúng dấu chân còn lưu lại của Đức Phật trên sông Na Mi Thi hoặc làm mô hình tháp Mô La Mu Ni - nơi cất giữ búi tóc của Phật Thích Ca trên thượng giới. Nghi lễ này mang ý nghĩa đức Phật hạ giới độ trì chúng sinh, còn người dân thì tạ lỗi với Thần Đất và Thần Nước vì đã bị làm ô uế qua quá trình sản xuất trong năm.

Thả đèn nước mang tính thiêng hóa nguồn nước, thể hiện một sắc thái văn hóa, trong đó hàm chứa giá trị văn hóa dân gian mang tính nhân văn qua văn hóa ứng xử với nguồn nước, đồng thời phản ánh tính chất đặc thù của nền văn minh lúa nước, gắn chặt với tự nhiên bởi thiên nhiên vừa là nơi che chở, vừa nuôi dưỡng sự sống của mọi người, góp phần tăng cường ý thức của mọi người trong đó có người Khmer Sóc Trăng trong việc bảo vệ nguồn sống của cộng đồng.

Hội thi thả đèn nước cũng không thể thiếu tại Lễ hội Oóc Om Bóc của đồng bào Khmer Sóc Trăng.

Hội thi thả đèn nước cũng không thể thiếu tại Lễ hội Oóc Om Bóc của đồng bào Khmer Sóc Trăng.

Nghi lễ thả đèn nước trong lễ Oóc Om Bóc là hình thức mà người dân muốn bày tỏ lòng tri ân của mình đối với thiên nhiên, cụ thể là Thần Nước, Thần Đất. Đồng thời cầu xin sự tha thứ của các Thần về những hành động của con người đã làm tổn hại đến đất, nước, đến môi trường xung quanh. Bởi vì theo quan niệm của người dân, trải qua một năm lao động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày, con người đã làm ô uế, tổn hại đến thiên nhiên nên phải làm lễ cúng để tạ lỗi. Mặt khác, thông qua nghi thức lễ thả đèn nước trong lễ hội Oóc Om Bóc, người dân muốn tưởng nhớ đến công ơn của đấng thiên nhiên đã phù hộ cho con người làm ăn sinh sống bình yên và mong muốn điều tốt lành trong năm sau.

Ghe Cà Hâu có tuổi đời khoảng 300 năm của chùa Tum Núp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.

Ghe Cà Hâu có tuổi đời khoảng 300 năm của chùa Tum Núp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.

Sau nghi thức lễ cúng Trăng, đèn nước được rước một vòng phum sóc hoặc sân chùa với sự hộ tống của đội múa trống Sa-dăm và người trong phum sóc, rồi đặt trước chùa. Tiếp đến, các vị sư mang nhang, đèn đến cắm vào chiếc đèn nước và tiến hành nghi thức thả đèn bằng những câu tụng của các vị Achar với nội dung thể hiện lòng tạ ơn Mặt Trăng, Thần Đất, Thần Nước đã giúp đỡ cho con người được sinh tồn đến hôm nay và mong tha thứ lỗi lầm do đã làm ô uế Đất, Nước trong quá trình sản xuất. Sau đó, mọi người cùng rước đèn nước ra ao trong chùa hay con kênh, rạch ở gần chùa để thả cho đèn trôi theo dòng nước.

Ngày nay, lễ nghi và đồ cúng trên đèn nước vẫn như ngày xưa, chỉ khác về hình thức là những chiếc bè, kiệu nay được làm mô phỏng theo kiến trúc chánh điện chùa, tháp Khmer và được trang trí rực rỡ, lộng lẫy bằng hoa lá, giấy kiếng bóng và những dây đèn chớp đủ màu, góp phần làm cho chiếc đèn nước tăng thêm nét thẩm mỹ, sinh động, lung linh trên mặt nước…

Những chiến đèn nước làm cho một khúc sông Maspero trở nên lung linh hơn.

Những chiến đèn nước làm cho một khúc sông Maspero trở nên lung linh hơn.

Cũng trên sông Maspero, bên cạnh những chiêc Đèn nước lung linh còn có sự xuất hiện của những chiêc ghe Cà Hâu mang hình dáng độc đáo, thu hút sự chú ý của du khách gần xa. Theo các cụ cao niên, ghe Cà Hâu (tên khác là Ka hâu) được hiểu là ghe hầu, loại thuyền độc mộc sử dụng cho các vị cao tăng đi tụng kinh, dùng cho Thượng tọa, Đại đức, người có uy tín ngồi và chỉ đạo các đội ghe thi đấu trong các cuộc đua ghe ngo. Ngoài ra, ghe Cà Hâu còn dùng để chuyên chở lương thực, nước uống, dàn nhạc… phục vụ, tiếp hậu cần cho đội ghe Ngo trong những cuộc đua.

Cũng như ghe Ngo, ghe Cà Hâu được trang trí với nhiều họa tiết, hoa văn đặc trưng của đồng bào Khmer. Người được chọn thực hiện công việc này thường là những đôi tay tài hoa, có nhiều năm kinh nghiệm, am hiểu về văn hóa truyền thống. Ghe Cà Hâu là hình ảnh đại diện cho tư duy thẩm mỹ của mỗi ngôi chùa.

V.Đức - C.Xuân

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/lung-linh-dem-hoi-den-nuoc-cua-dong-bao-khmer-soc-trang-i750094/