Vương quốc lò gạch Mang Thít và hành trình đến di sản đương đại
Làng nghề gạch gốm Mang Thít (Vĩnh Long), nơi từng được ví như vương quốc lò gạch sầm uất đang chuyển mình để trở thành di sản đương đại Mang Thít.
Nằm ở huyện Mang Thít (tỉnh Vĩnh Long), làng nghề gạch ngói, gốm đỏ nơi đây đã trải qua hơn 200 năm hình thành và phát triển.
Câu chuyện của vương quốc lò gạch
Mang Thít từng là cái nôi sản xuất gạch ngói lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, được mệnh danh là vương quốc lò gạch với hàng ngàn miệng lò vào thời kỳ hoàng kim giữa thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI.
Khi ấy, những lò nung gạch thủ công hoạt động ngày đêm, đóng góp đáng kể cho kinh tế địa phương.
Tuy nhiên, việc sử dụng lò nung thủ công đã dẫn đến nhiều vấn đề về môi trường. Theo thời gian, làng nghề buộc phải chuyển đổi sang hệ thống lò nung hiện đại, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế cao vừa giảm thiểu ô nhiễm khói bụi.
Theo ông Phan Văn Giàu, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Vĩnh Long, thời đỉnh cao của nghề có tới 3.000 lò nung rải khắp 30 km trên địa bàn Vĩnh Long và 2 huyện lân cận là Long Hồ và Mang Thít.
Lò gạch nằm ven các tuyến sông, thuận tiện cho sản xuất và vận chuyển hàng hóa. Từ những năm 1980, nơi đây đã tạo việc làm cho 12.000 lao động. Sản phẩm gạch, gốm được xuất khẩu sang EU, các nước như Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc...
Tuy nhiên, từ sau năm 2000, làng nghề phải đối mặt với nhiều khó khăn khi chi phí sản xuất tăng, nhu cầu tiêu dùng giảm, vấn đề môi trường ngày càng được chú trọng. Các lò gạch thủ công dần bị phá bỏ, nhân công giảm thu nhập chuyển sang các công việc khác. Hiện chỉ còn khoảng 800 lò gạch trong đó tập trung nhiều nhất ở ven kênh Thầy Cai đến đoạn giáp sông Cổ Chiên.
Trở thành vùng di sản đương đại đặc sắc
Nhằm bảo tồn và nâng tầm làng nghề, UBND tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt Đề án Di sản đương đại Mang Thít, hướng tới biến Mang Thít thành một vùng di sản đương đại đặc sắc.
Đề án trải rộng trên diện tích hơn 3.000 ha thuộc 4 xã Mỹ Phước, Mỹ An, Nhơn Phú và Hòa Tịnh. Mục tiêu biến vương quốc lò gạch thành một điểm đến độc đáo của Đồng bằng sông Cửu Long. Sản phẩm gốm đỏ truyền thống trở thành điểm nhấn du lịch đặc thù không nơi nào có được.
Những miệng lò cổ kính được phục hồi và sắp xếp như một không gian triển lãm nghệ thuật ngoài trời. Hiện nhiều khách tham quan đã đổ về kênh Thầy Cai - nơi tập trung nhiều lò gạch, gốm còn hoạt động - để trải nghiệm quy trình làm gốm độc đáo của làng nghề.
Nhằm tạo điều kiện để tỉnh Vĩnh Long xúc tiến, quảng bá những tiềm năng, lợi thế khai thác du lịch của làng nghề sản xuất gạch, gốm Mang Thít - một làng nghề nổi tiếng, độc đáo trong khu vực, từ ngày 16 đến 23-11 tới Vĩnh Long sẽ long trọng tổ chức Festival Gạch gốm đỏ - Kinh tế Xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024.
Thời gian khai mạc vào lúc 20 giờ ngày 16-11, tại làng nghề sản xuất gạch, gốm kênh Thầy Cai, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.
Đây là lần đầu tiên, tỉnh Vĩnh Long tổ chức Festival tập trung vào 2 nội dung chính là gạch gốm đỏ và kinh tế xanh. Sự kiện cũng là dịp để địa phương cùng các tỉnh, thành tham gia Festival triển lãm, giới thiệu, quảng bá những thành tựu và tiềm năng, thế mạnh trên các lĩnh vực. Từ đó, góp phần thu hút đầu tư, tăng cường liên kết vùng, tìm kiếm cơ hội lan tỏa đến các thị trường trong và ngoài nước.
Sự kiện cũng nhằm góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường.
Festival Gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024 có nhiều hoạt động nổi bật: Khu hội chợ, triển lãm công thương, nông nghiệp, du lịch quy mô 700-800 gian hàng. Các hoạt động hội nghị, hội thảo, hội thi của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, văn hóa, thể thao và du lịch liên quan kinh tế xanh, phát triển bền vững.
Ngoài ra còn có không gian trưng bày, quảng bá xúc tiến du lịch; không gian trải nghiệm tìm hiểu làng nghề sản xuất gạch, gốm, văn hóa đặc trưng "Đất và người Vĩnh Long"; Hoạt động tái hiện trên bến dưới thuyền; Tổ chức công diễn và xác lập kỷ lục Việt Nam 102 món ăn từ tàu hũ ky và dùng kèm tàu hũ ky đầu tiên tại Việt Nam.