Lung linh ký ức tháng Tư năm ấy

49 năm trôi qua, ký ức hào hùng về chiến thắng lịch sử 30/4/1975 vẫn in đậm trong tâm trí bà Nguyễn Thị Thanh Quế, tiểu thương chợ Gia Nghĩa (Đắk Nông)...

Một thời chứng kiến non sông ngăn cách

Dù đã ở tuổi ngoài 70, nhưng bà Quế vẫn đến chợ Gia Nghĩa kinh doanh đều đặn mỗi ngày. Đó như một thói quen ăn sâu vào tiềm thức của bà như những ngày đầu gắn bó với chợ của hơn 60 năm về trước.

Bà Nguyễn Thị Thanh Quế (bên trái) luôn trân trọng, gìn giữ những ký ức về ngày giải phóng và nhắc nhở cháu con mỗi ngày

Bà Quế là một trong những người gắn bó lâu nhất với nghề kinh doanh ở Đắk Nông, kể từ trước khi đất nước được giải phóng. Từ Quảng Ngãi vào Quảng Đức (Gia Nghĩa cũ) từ năm 1963, rồi bén duyên ngay với việc buôn bán kể từ ngày đó.

Bây giờ đến chợ, mọi người đều nhắc về bà như một nhân chứng sống cho những thời khắc đổi thay của lịch sử, của chợ Quảng Đức (cũ).

Bà Nguyễn Thị Thanh Quế kể lại hoạt động buôn bán trước khi đất nước chưa giải phóng

Bà Quế nhớ lại, trước năm 1975, hoạt động buôn bán ở Đắk Nông rất sầm uất. Chợ Gia Nghĩa lúc bấy giờ là nơi trung tâm để tiểu thương ở các địa phương lân cận của Đắk Nông tới lấy hàng về bán.

Thời điểm đó, người bán thì ít, nhu cầu về hàng thiết yếu nhiều, các tiểu thương lại phải mạo hiểm trong bom đạn, đi xa mới nhập được hàng hóa về, nên bán rất chạy.

Bà Quế hồi tưởng: "Trước giải phóng, các tuyến đường đều bị ngăn cách bởi các hào giao thông, nên phương tiện vận chuyển hầu như rất ít. Bà và các tiểu thương đi lấy hàng phải đi bộ, rồi "quá giang" từng đoạn xuống sân bay Nhân Cơ để đi máy bay xuống Sài Gòn. Cứ một tháng một lần, bà lại bắt máy bay đi nhập hàng, sau đó gửi “chành” (xe tải) từ Nha Trang lên Buôn Ma Thuột rồi vòng về lại Quảng Đức".

Ngày đó, chợ Gia Nghĩa rất tạm bợ. Các quầy hàng chủ yếu là những túp lều bằng gỗ xập xệ. Xung quanh chợ là căn cứ quân sự. Việc đi lại được kiểm soát khá chặt chẽ. Trải qua nhiều biến cố, tuy đã được khang trang, phát triển hơn trước, nhưng chợ vẫn ở vị trí cũ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Quế lục tìm những ký ức của ngày 30/4/1975 lịch sử trên các phương tiện thông tin

Đến giờ, dù đã ở cái tuổi “sáng nhớ, chiều quên”, nhưng ký ức về những ngày trước, trong và sau giải phóng đất nước, về hoạt động buôn bán của Gia Nghĩa vẫn mãi in đậm trong bà Quế mỗi khi được nhắc lại.

Vỡ òa trong ngày giải phóng

Bà Quế vẫn nhớ như in thời khắc loa phát thanh phát thông tin về giải phóng miền Nam Việt Nam trong ngày 30/4/1975 lịch sử năm ấy.

Suốt thời gian buôn bán tại chợ, bà và các tiểu thương vẫn thường xuyên cập nhật, nghe ngóng tình hình chiến sự miền Nam. Bà Quế nhớ lại: "Trong ngày lịch sử đặc biệt đó, khi tôi đang tất bật buôn bán thì bỗng nhiên trên loa truyền thanh ở chợ vang lên: “Mời quý vị và các bạn nghe bản tin đặc biệt. 11h30 trưa nay, Quân giải phóng đã chiếm được Dinh Độc lập. Tổng thống ngụy Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng…”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Quế say sưa kể lại không khí của khu chợ trong thời khắc miền Nam Việt Nam được giải phóng

"Cả khu chợ Quảng Đức khi đó đang ồn ào, nhộn nhịp, bỗng như bất động giây lát, rồi vỡ òa trong niềm vui khôn tả. Người người, nhà nhà hò reo, vui mừng. Rất nhiều người khóc vì sung sướng trước tin đại thắng. Bởi từ thời khắc này sẽ không còn tiếng súng, tiếng đạn văng vẳng, nơm nớp bên tai mỗi ngày", bà Quế nói trong xúc động.

Theo bà Quế, niềm vui đó kéo dài lâng lâng. Đến buổi tối 1/5/1975, bà được chứng kiến cảnh người dân bàn tán, hoan hỷ nói về chiến thắng, giải phóng miền Nam.

“Bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” liên tục được phát đi phát lại nhiều lần trên đài phát thanh, hòa cùng với tiếng hô vang mừng chiến thắng của người dân”, bà Quế rưng rưng nhớ lại.

Dù đã ở tuổi ngoại 70, nhưng bà Nguyễn Thị Thanh Quế vẫn gắn bó hàng ngày với việc buôn bán ở Chợ Gia Nghĩa

Những ngày sau đó, không khí hân hoan mừng chiến thắng và giai điệu bài hát vang lên khắp nơi, từ trong nhà, ra chợ. Niềm vui lớn nhất có lẽ là ở việc đi lại mua bán đã trở nên thuận tiện hơn.

Bà không còn phải lỉnh kỉnh đồ đoàn xuống tận Sài Gòn để nhập hàng về như trước. Thay vào đó là bắt xe từ Quảng Đức lên Buôn Ma Thuột đế lấy hàng. Cứ sáng đi, chiều về. Hàng hết lại đi lấy trong ngày, rất nhanh.

“Lúc bấy giờ, đường sá đã khá thuận lợi. Không còn những hầm hào ngăn cách băng qua, cắt ngang những tuyến đường như trước. Tất cả đã được lấp lại, san bằng để xe cộ lưu thông. Mọi quy định đi lại cũng được nới lỏng để sinh hoạt của người dân trở lại bình thường, bà Quế trầm tư.

Với bà Quế, không khí hân hoan đón mừng chiến thắng lịch sử của những ngày tháng Tư năm ấy đã trở thành một phần ký ức không thể nào quên trong suốt cuộc đời.

Những hồi ức ùa về giúp bà càng thêm trân trọng và luôn nhắc nhở cháu con phải ghi nhớ, gìn giữ những giá trị của hòa bình hôm nay.

Lê Dung

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/lung-linh-ky-uc-thang-tu-nam-ay-210149.html