Lực lượng mũ nồi xanh góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam
Những đóng góp khi tham gia HĐBA LHQ, cùng dấu ấn của lực lượng mũ nồi xanh đã khẳng định, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, là đối tác tin cậy vì hòa bình thế giới bền vững.
Sáng 5/10/2021, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 của Việt Nam đón tiếp đoàn cố vấn quân sự Liên hợp quốc do Đại tướng Birame Diop, Cố vấn quân sự Cục Hoạt động hòa bình Liên hợp quốc tại New York dẫn đầu ảnh: cục gìn giữ hòa bình Việt Nam.
Những đóng góp quan trọng trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cùng dấu ấn sâu sắc của lực lượng mũ nồi xanh tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã khẳng định, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, là đối tác tin cậy vì hòa bình thế giới bền vững.
Lực lượng mũ nồi xanh ngày càng hùng hậu
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ Công tác liên ngành, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cho biết, việc triển khai các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam là cụ thể hóa Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã được Bộ Chính trị phê duyệt từ năm 2013.
Từ khi chính thức tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc hồi tháng 6/2014 đến nay, Việt Nam đã cử 246 lượt cán bộ, nhân viên của quân đội nhân dân Việt Nam đi làm nhiệm vụ này tại các phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Trụ sở Liên hợp quốc (New York, Hoa Kỳ) theo hai hình thức chính là cá nhân và đơn vị.
Với hình thức cá nhân, đã có 57 sĩ quan của Việt Nam được cử đến các phái bộ Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan với các vị trí: quan sát viên quân sự, sĩ quan liên lạc, sĩ quan tham mưu, sĩ quan hậu cần và các vị trí khác theo nhu cầu của Liên hợp quốc.
Với hình thức đơn vị, Việt Nam tham gia ở lĩnh vực quân y với mức độ bệnh viện dã chiến cấp 2 và sẽ tham gia trong lĩnh vực công binh với mức độ đội công binh. Đến nay, 3 bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam đã sang làm nhiệm vụ tại Nam Sudan với sự tham gia của 189 cán bộ, nhân viên. Ngày 17/11, Bộ Quốc phòng tiếp tục tăng cường lực lượng này với việc tổ chức Lễ ra mắt Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Các chiến sĩ mũ nồi xanh của Việt Nam đã đại diện cho hình ảnh của dân tộc Việt Nam yêu hòa bình, vì hòa bình; phát huy và lan tỏa phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ; làm cho các đồng nghiệp quốc tế, nhân dân bản địa, nhất là lực lượng quân đội nhiều nước hiểu thêm về đất nước, quân đội, truyền thống, văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam; từ đó thực sự yêu quý, tôn trọng và ủng hộ Việt Nam.- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc
Hiện cơ quan chức năng đang đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị mọi mặt về pháp lý, ký kết Bản ghi nhớ với Liên hợp quốc về triển khai Đội Công binh số 1 trước khi triển khai tới Phái bộ Lực lượng an ninh lâm thời của Liên hợp quốc tại Abyei (UNISFA). Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho biết, biên chế hiện nay của Đội Công binh là 203 người (21 nữ). Đây là những sĩ quan đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về trình độ chuyên môn, sức khỏe và ngoại ngữ của Liên hợp quốc, có phẩm chất chính trị và năng lực tốt, được tuyển chọn kỹ lưỡng từ 11 cơ quan, đơn vị quân đội.
Cùng với bệnh viện dã chiến cấp 2, đội công binh đầu tiên của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc sẽ góp phần cung cấp các hoạt động hỗ trợ nhân đạo, giúp các phái bộ thực hiện nhiệm vụ, góp phần vào công cuộc gìn giữ hòa bình, tái thiết đất nước, mang lại cuộc sống hòa bình, ổn định cho các quốc gia bản địa, đồng thời góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, ngay từ trong thời bình.
Tiếp nối sứ mệnh gìn giữ hòa bình thế giới, ngày 22/11, Bộ Quốc phòng tổ chức lễ trao quyết định của Chủ tịch nước cho 12 sĩ quan chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi nhiệm kỳ 2021-2022. Theo Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, đây là một trong những lần Việt Nam triển khai đông đảo nhất các sĩ quan theo hình thức cá nhân sang đảm nhận nhiệm vụ tại địa bàn.
Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 của Việt Nam tặng thuốc men, sát khuẩn tay cho Bệnh viện Bentiu (Nam Sudan) trong đợt lũ lụt nặng nề nhất 60 năm qua tại đây Ảnh: Cục gìn giữ hòa bình việt nam
Những dấu ấn sâu sắc
“Kể từ nhiệm kỳ 2021-2022, Liên hợp quốc đã tin tưởng và lựa chọn mời Việt Nam triển khai thêm 2 vị trí mới làm việc tại Phái bộ Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi là sĩ quan tình báo và sĩ quan truyền thông. Trong đó, vị trí sĩ quan truyền thông là suất triển khai đặc biệt dành riêng cho nữ quân nhân, đáp ứng chủ trương bình đẳng giới và gia tăng số lượng nữ quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng cho hay.
Đặc biệt, mặc dù tham gia chưa lâu vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Việt Nam đã có 3 sĩ quan làm việc tại trụ sở Liên hợp quốc. “Điều này cho thấy sự trưởng thành về trình độ chuyên môn của các sĩ quan Việt Nam và sự lớn mạnh của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam ngày càng đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi cao của hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc”, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng khẳng định.
Trong cuộc gặp với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York hồi tháng 9/2021, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres một lần nữa đánh giá cao những đóng góp của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam tại các địa bàn khó khăn; khẳng định các cán bộ, chiến sỹ của Việt Nam với nhiều quân nhân nữ tham gia đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, là tấm gương tốt cho lực lượng của các quốc gia khác. Liên hợp quốc mong Việt Nam tiếp tục phát huy, tham gia nhiều hơn, quy mô lớn hơn vào hoạt động này.
Bên cạnh đó, Liên hợp quốc cũng đánh giá cao Việt Nam trong việc đáp ứng tỷ lệ nữ quân nhân theo Nghị quyết 1325 của Liên hợp quốc về phụ nữ, hòa bình và an ninh. Trong 7 năm qua, Việt Nam đã cử 33 nữ quân nhân trong đội hình bệnh viện dã chiến cấp 2 và 5 nữ sĩ quan nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc theo hình thức cá nhân. Tỷ lệ nữ trong lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Việt Nam cao hơn tỷ lệ nữ hiện tại của lực lượng hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại các phái bộ.
Theo Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, là một nước mới tham gia, nhưng Việt Nam đã để lại dấu ấn rất lớn trong lòng bạn bè quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc và các phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi.
Kết quả thực hiện nhiệm vụ của bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam được Chỉ huy Phái bộ và Liên hợp quốc đánh giá cao. Phó tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách hoạt động gìn giữ hòa bình Jean-Pierre Lacroix đã gửi thư cảm ơn Chính phủ Việt Nam về sự đóng góp y tế này.
Hoạt động của Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương, nữ quan sát viên đầu tiên của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan Ảnh do nhân vật cung cấp
Cũng theo Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, ở các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, điều kiện an ninh luôn bất ổn, cuộc sống sinh hoạt gặp nhiều khó khăn… Tuy nhiên, đây lại là điều kiện thuận lợi cho những chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam có cơ hội được trải nghiệm thử thách để ngày càng trưởng thành hơn.
Đồng thời, phát huy phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ, bằng sự tích cực, chủ động, các chiến sĩ mũ nồi xanh của Việt Nam không những hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trên các mặt công tác, được chỉ huy phái bộ và đồng nghiệp các nước đánh giá cao, mà còn dành nhiều thời gian giúp đỡ người dân địa phương tại 2 phái bộ Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi.
Hằng ngày, sau khi hoàn thành nhiệm vụ của phái bộ, sĩ quan các nước đều trở về làm các công việc cá nhân, nhưng sĩ quan Việt Nam tiếp tục thực hiện những công việc giúp đỡ người dân bản địa, như bổ củi, xách nước, làm vườn, dạy học… Ngoài ra, các bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam còn thường xuyên tổ chức các chương trình thiện nguyện để giúp đỡ người dân và đặc biệt là trẻ em tại Nam Sudan, qua đó giới thiệu tới bạn bè quốc tế về đất nước, con người Việt Nam, nhất là về lịch sử truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam, của Quân đội Nhân dân Việt Nam, làm lan tỏa phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ.
“Trụ cột” đối ngoại quốc phòng
Có thể nói, sự ra đời của Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam (nay là Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam) ngày 27/5/2014 là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước ngoặt cho sự phát triển và lớn mạnh không ngừng của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Theo chia sẻ của Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, sự tham gia của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam tại các phái bộ của Liên hợp quốc góp phần hiện thực hóa các cam kết chính trị của Đảng và Nhà nước Việt Nam với vai trò là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề quốc tế, duy trì môi trường hòa bình, ổn định vì hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
“Qua đó góp phần nâng cao uy tín, vị thế của đất nước, của Quân đội Nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế; thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước. Đồng thời khẳng định, đối ngoại quốc phòng là một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước; đóng góp tích cực vào thành công của Việt Nam khi đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021”, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến nói.
Một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển là khát vọng lớn lao của toàn nhân loại, là mục tiêu cao cả mà mỗi quốc gia đều mong muốn hướng tới. Giúp đỡ bạn là giúp đỡ mình, để cuộc sống hòa bình trở lại trên những vùng đất vốn đã khô cằn lại bị tàn phá bởi chiến tranh là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta cả trong đối ngoại và hợp tác quốc tế, cũng là khát vọng và truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đang tiếp tục xây dựng hình ảnh Việt Nam là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao vị thế đất nước.