Lời thề Hippocrates: Hỏi Giám đốc, bác sĩ Bệnh viện Nhi TW, Xanh Pôn đã quên?
Từ vụ việc các nhân viên y tế BV Xanh Pôn cắt đôi que thử HIV đến việc bác sĩ ở BV Nhi Trung ương cho trẻ uống thuốc hết hạn sử dụng, dư luận đặt câu hỏi, phải chăng, Giám đốc, bác sĩ hai bệnh viện này đã quên lời thề Hippocrates và 12 tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế.
Vụ việc điều dưỡng Bệnh viện Nhi Trung ương cấp phát thuốc kháng sinh Augmentin 250mg dạng gói đã hết hạn sử dụng gần 1 tháng cho bệnh nhi 1 tuổi nhập viện điều trị viêm phổi khiến dư luận vô cùng bức xúc. Đến nay sau quá trình rà soát, bệnh viện Nhi Trung ương đã thừa nhận việc này và xin lỗi gia đình bệnh nhân khi để xảy ra “sự cố y khoa” như lời Giám đốc Bệnh viện ông Lê Thanh Hải mới đây đã nói.
Đồng thời, theo Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng, điều dưỡng của bệnh viện đã thực hiện chưa đầy đủ các quy trình trong sử dụng thuốc và khẳng định tất cả những cá nhân vi phạm sẽ được báo cáo Hội đồng kỷ luật của bệnh viện để xét xem mức độ và trách nhiệm để có quyết định kỷ luật phù hợp.
Tuy nhiên dư luận cho rằng, lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cần thẳng thắn nhận trách nhiệm của bản thân trong công tác quản lý chung khi để sự việc trên xảy ra. Bởi việc cấp phát thuốc hết hạn cho bệnh nhân là việc làm không thể chấp nhận được và sẽ không thể xảy ra khi quy trình quản lý nghiêm ngặt.
Hơn nữa, Khoa quốc tế nơi xảy ra sự việc trên được cho là khoa cung cấp dịch vụ chất lượng cao, hướng đến tiêu chuẩn quốc tế với các dịch vụ, chuyên môn chất lượng cao, tất nhiên, chi phí khám chữa bệnh tại đây cũng không hề rẻ do vậy để xảy ra sự việc trên không phải chỉ là “sự cố y khoa” như là lời Giám đốc Bệnh viện nói như trên mà còn là sự thiếu trách nhiệm, thiếu đạo đức nghề nghiệp của y bác sĩ liên quan cũng như bộc lộ sự lỏng lẻo trong công tác quản lý của Ban giám đốc Bệnh viện.
Có những câu hỏi liên quan vụ việc trên hiện vẫn chưa được làm rõ như lô thuốc Augmentin dạng gói 250 mg, lô 9J3S, hạn sử dụng 27/11/2019, được nhập ngày 1/8/2018 và đã xuất hết ngày 1/11/2018 nhưng đến ngày 11/12 được người nhà phát hiện loại thuốc hết hạn này vẫn được cấp cho bệnh nhân.
Do vậy, không chỉ người nhà nghi ngờ thuốc này đã được sử dụng cho bệnh nhi này trong những ngày vào viện đến thời điểm bị phát hiện mà dư luận cũng phải đặt câu hỏi, trong thời gian gần một tháng qua, đã có bao nhiêu bệnh nhi phải uống thuốc quá hạn trên. Điều này bệnh viện phải làm rõ và trả lời người nhà các bệnh nhân bởi thuốc chữa bệnh khi đã hết hạn luôn tiềm ẩn những nguy hại.
Trước đó ít ngày, tại Bệnh viện Xanh Pôn cũng xảy ra tình trạng nhân viên y tế không thực hiện đúng quy trình test nhanh HIV và viêm gan B khi dùng kéo cắt đôi que thử để nhân bản số lượng que thử HIV, viêm gan B này khiến dư luận bức xúc và yêu cầu kiểm điểm xử lý nhân viên y tế và cả lãnh đạo Khoa Vi sinh, thậm chí lãnh đạo Bệnh viện trong công tác quản lý chung.
Bởi việc chẻ dọc que thử test nhanh HIV, viêm gan B không chỉ không đúng quy trình xét nghiệm, có thể làm sai lệch kết quả xét nghiệm mà còn vi phạm nghiêm trọng y đức của một số cán bộ y tế của bệnh viện này khi coi thường sức khỏe, tính mạng của những người nghi nhiễm bệnh hiểm nghèo như HIV, viêm gan B. Không ai có thể lường trước được nếu kết quả sai lệch, những người mắc các căn bệnh trên không được phát hiện kịp thời, không chỉ ảnh hưởng đến quá trình điều trị mà còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho nhiều người khác.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) nói rằng, không thể hiểu được ngành y tế thời gian gần đây liên tục xảy ra vấn đề nọ đến vấn đề kia mà toàn là những vụ việc bê bối khiến dư luận bức xúc.
“Tình trạng bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng dư luận vẫn chưa hết ý kiến thì đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương lại bán thuốc kháng sinh đã hết hạn để điều trị cho trẻ em”, đại biểu Hòa nêu ý kiến.
Đại biểu Phạm Văn Hòa đánh giá việc cấp thuốc đã hết hạn để điều trị bệnh cho trẻ em là hành động phi đạo đức.
“Còn đâu lời thề Hippocrates, “lương y như từ mẫu” khi liên tiếp xảy ra những vụ việc mất đạo đức nghề y như thế. Với các bác sĩ bệnh viện Nhi, họ thừa hiểu thuốc kháng sinh hết hạn sử dụng mà cho trẻ uống sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hại nhưng vẫn cấp phát để điều trị. Người lớn uống loại thuốc quá hạn này đã là nguy hiểm rồi chứ đừng nói đến trẻ em, trẻ sơ sinh. Với việc các bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn cắt que thử HIV, viêm gan B để “nhân bản” dù có trục lợi hay không cũng là hành vi rất vô đạo đức, không thể chấp nhận được”, Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, với các vụ việc trên, cơ quan thanh tra Sở, Bộ y tế cần vào cuộc kiểm điểm xử lý trách nhiệm đối với các nhân viên y tế sai phạm, đồng thời làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo Bệnh viện.
“Bởi ngành y là ngành chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của con người mà lại bán thuốc quá “date”, nhất là thuốc kháng sinh và cắt que thử là không thể chấp nhận được, cần phải xử lý nhân viên, đội ngũ thầy thuốc và cả trách nhiệm người đứng đầu. Không thể để trong ngành được ví “lương y như từ mẫu” có những kẻ “thú đội lốt người” như vậy được”, Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
Trong bất cứ ngành nghề gì, đạo đức nghề nghiệp luôn được coi trọng, nhất là đối với ngành y bởi nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người, vì vậy làm việc trong ngành y cần phải có những phẩm chất đặc biệt.
Bất kể ai theo học ngành y đều phải ghi nhớ lời thề Hippocrates - ông tổ ngành y thời Hy Lạp cổ đại nhưng những tư tưởng và kiến thức của ông đến nay vẫn còn nguyên giá trị cốt lõi. Trong những lời thề của Hippocrates có nêu rõ: “Tôi sẽ kê toa vì lợi ích của bệnh nhân, tùy theo khả năng và thẩm định của tôi, và không bao giờ làm hại ai. Tôi không bao giờ đưa thuốc giết người cho bất kỳ ai hỏi tôi và sẽ không tư vấn một kế hoạch như vậy; và cũng như thế tôi sẽ không cho bất kỳ người phụ nữ nào một dụng cụ phá thai. Nhưng tôi sẽ giữ tinh khiết cho đời tôi và cho nghề nghiệp của tôi. Tôi sẽ không giải phẫu để lấy sạn, kể cả đối với bệnh nhân biểu lộ là mang bệnh này; tôi sẽ dành việc giải phẫu cho những y sĩ, chuyên gia về bệnh này...”.
Theo 12 tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế. Ban hành kèm theo quyết định số 20881BYT-QĐ ngày 6.11/1996 của Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nêu rõ:
Chǎm sóc sức khỏe cho mọi người là nghề cao quý. Khi đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ y tế phải nghiêm túc thực hiện lời dạy của Bác Hồ. Phải có lương tâm và trách nhiệm cao, hết lòng yêu nghề, luôn rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức của thầy thuốc. Không ngừng học tập và tích cực nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn. Sẵn sàng vượt qua mọi khó khǎn gian khổ vì sự nghiệp chǎm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Tôn trọng pháp luật và thực hiện nghiêm túc các quy chế chuyên môn. Không được sử dụng người bệnh làm thực nghiệm cho những phương pháp chẩn đoán, điều trị, nghiên cứu khoa học khi chưa được phép của Bộ Y tế và sự chấp nhận của người bệnh.
Tôn trọng quyền được khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân. Tôn trọng những bí mật riêng tư của người bệnh; khi thǎm khám, chǎm sóc cần bảo đảm kín đáo và lịch sự. Quan tâm đến những người bệnh trong diện chính sách ưu đãi xã hội. Không được phân biệt đối xử với người bệnh. Không được có thái độ ban ơn, lạm dụng nghề nghiệp và gây phiền hà cho người bệnh. Phải trung thực khi thanh toán các chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Khi tiếp xúc với người bệnh và gia đình họ, luôn có thái độ niềm nở, tận tình; trang phục phải chỉnh tề, sạch sẽ để tạo niềm tin cho người bệnh. Phải giải thích tình hình bệnh tật cho người bệnh và gia đình họ hiểu để cùng hợp tác điều trị; phổ biến cho họ về chế độ, chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của người bệnh; động viên an ủi, khuyến khích người bệnh điều trị, tập luyện để chóng hồi phục. Trong trường hợp bệnh nặng hoặc tiên lượng xấu cũng phải hết lòng cứu chữa và chǎm sóc đến cùng, đồng thời thông báo cho gia đình người bệnh biết.
Khi cấp cứu phải khẩn trương chẩn đoán, xử trí kịp thời không được đùn đẩy người bệnh.
Kê đơn phải phù hợp với chẩn đoán và bảo đảm sử dụng thuốc hợp lý an toàn; không vì lợi ích cá nhân mà giao cho người bệnh thuốc kém phẩm chất, thuốc không đúng với yêu cầu và mức độ bệnh.
Khi bản thân có thiếu sót, phải tự giác nhận trách nhiệm về mình không đổ lỗi cho đồng nghiệp, cho tuyến trước...
Không biết lời thề Hippocrates và 12 tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế, Giám đốc, bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Xanh Pôn còn nhớ hay đã quên?
Mời độc giả xem video Bệnh viện Nhi Trung ương xác nhận kê thuốc hết hạn cho bệnh nhân: