Vì sao bệnh nhân tiểu đường cần đặc biệt chú ý đến việc uống rượu?
Do cơ thể gặp khó khăn trong việc cân bằng lượng đường trong máu, bệnh nhân tiểu đường phải cẩn thận khi uống rượu vì nó có thể làm tăng khả năng bị hạ đường huyết và làm tăng các biến chứng.
Đối với một số người, uống rượu ở mức vừa phải được cho là có lợi cho sức khỏe.
Tuy nhiên, đối với những người có vấn đề sức khỏe, nhất là bệnh tiểu đường, rượu có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu và gây nguy cơ làm tăng các biến chứng của bệnh tiểu đường.
1. Rượu và bệnh tiểu đường
Rượu có thể làm cho tình trạng hạ đường huyết dễ xảy ra hơn. Cơ chế đằng sau tác động này liên quan đến gan.
Gan là cơ quan đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định lượng glucose. Gan thực hiện nhiệm vụ này bằng cách hoạt động như một nguồn dự trữ carbohydrate.
Khi một người ăn, gan dự trữ đường dưới dạng glycogen, nó có thể giải phóng đường khi cần thiết để giữ cho nguồn cung cấp nhiên liệu của cơ thể ổn định. Khi cơ thể đói, gan sẽ biến glycogen dự trữ thành glucose và giải phóng nó vào máu. Quá trình này cho phép cơ thể duy trì lượng đường trong máu ổn định.
Gan cũng rất cần thiết trong việc giải độc cho cơ thể. Nó phá vỡ các chất độc, chẳng hạn như rượu, thành các thành phần mà thận sau đó bài tiết ra ngoài.
Tuy nhiên, các vấn đề nảy sinh nếu gan phải lựa chọn giữa cân bằng lượng đường trong máu và giải độc vì nó không thể thực hiện hai hành động này đồng thời.
Nếu gan phải lựa chọn giữa duy trì lượng đường trong máu hoặc giải độc rượu, gan sẽ chuyển hóa rượu trước. Nếu gan không thể hoàn thành vai trò của mình trong việc duy trì lượng đường trong máu vào thời điểm đó, bạn có thể bị hạ đường huyết.
Lượng đường trong máu thấp có thể xảy ra khi rượu kết hợp với thuốc tiểu đường, chẳng hạn như insulin và sulfonylureas.
Ngoài ra, nếu một người uống rượu khi bụng đói hoặc khi lượng đường trong máu của họ đã thấp, nó sẽ làm tăng khả năng hạ đường huyết.
Ngoài việc tăng khả năng hạ đường huyết, rượu còn làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng tiểu đường như tăng huyết áp, tăng mỡ máu, các bệnh về mắt, giảm thị lực, bệnh tim và đột quỵ.
Đồ uống có cồn cung cấp calo cho cơ thể nhưng lại chứa ít chất dinh dưỡng. Do đó, nếu một người tiêu thụ nhiều calo hơn mức họ yêu cầu, nó có thể góp phần làm tăng cân. Duy trì cân nặng vừa phải giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và các biến chứng sức khỏe khác như bệnh tim và đột quỵ.
2. Các dấu hiệu của hạ đường huyết
Cũng như nhiều căn bệnh khác, bệnh nhân tiểu đường bị hạ đường huyết sẽ có các triệu chứng cơ bản như buồn nôn, run rẩy, chóng mặt, đau đầu, buồn ngủ, nói lắp, hoang mang, co giật; thường đổ mồ hôi và cảm thấy đói; tim đập nhanh và da tái.
Hạ đường huyết nghiêm trọng xảy ra khi một người nào đó có mức đường huyết rất thấp. Nếu không điều trị, nó có thể dẫn đến mất ý thức và hôn mê. Vì vậy, khi có những triệu chứng trên, điều quan trọng là phải đi khám ngay lập tức để xác định chẩn đoán này và được điều trị thích hợp.
3. Điều trị hạ đường huyết
Mặc dù uống rượu có thể làm giảm lượng đường trong máu, nhưng điều này rất hiếm xảy ra ở những người không mắc bệnh tiểu đường. Những người có tình trạng này phải điều trị hạ đường huyết ngay lập tức.
Nếu lượng đường trong máu dưới 70 miligam mỗi decilit (mg/dl), bác sỹ khuyên bạn nên tuân theo “quy tắc 15-15," nghĩa là bạn nên nạp 15 gam carbohydrate và kiểm tra lại lượng đường trong máu sau 15 phút. Nếu mức duy trì quá thấp, bạn nên lặp lại các bước này cho đến khi lượng đường trong máu trên 70 mg/dl.
Khi lượng đường trong máu ở trong ngưỡng an toàn, bạn nên ăn một bữa ăn nhẹ hoặc bữa ăn chính để ngăn lượng đường trong máu giảm trở lại.
Những người mắc bệnh tiểu đường có lượng đường trong máu quá thấp để điều trị bằng quy tắc 15-15 một cách an toàn có thể yêu cầu tiêm glucagon.
4. Bệnh nhân tiểu đường cần lưu ý gì khi uống rượu?
Người bệnh tiểu đường không phải kiêng hoàn toàn không được uống rượu. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, bệnh nhân tiểu đường cần lưu ý một số điểm sau khi uống rượu.
- Nên ăn thức ăn có tinh bột khi uống rượu (cơm, bánh mỳ, bún...) để tránh bị hạ đường máu. Không bao giờ uống rượu khi bụng đói, hãy chắc chắn ăn một bữa ăn hoặc ăn nhẹ những thức ăn có chứa carbohydrate nếu bạn đang uống rượu.
- Giảm uống rượu và dùng bia thay thế.
- Không uống rượu cùng lúc khi uống thuốc hạ đường máu.
- Tránh các loại rượu trộn có đường, rượu vang ngọt hoặc rượu mạnh.
- Uống rượu từ từ, không nên uống hết quá nhiều trong 1 lần.
- Hãy trao đổi với bác sỹ điều trị về việc bạn có được sử dụng rượu bia hay không và nếu được thì lượng phù hợp là bao nhiêu. Tùy trình trạng bệnh lý của mỗi người mà bác sỹ sẽ đưa ra lời khuyên phù hợp, một số trường hợp phải ngừng rượu hoàn toàn do phải sử dụng một số loại thuốc./.