Lợi ích từ nuôi sâu canxi

Từ đầu năm 2023, Hội Nông dân tỉnh thực hiện thí điểm mô hình nuôi sâu canxi tại một số địa phương theo Dự án 'Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế', bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Mô hình nuôi sâu canxi của ông Nguyễn Đức An, khu Phương Lai, thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao bước đầu đem lại hiệu quả, tạo nguồn thức ăn cho chăn nuôi.

Mô hình nuôi sâu canxi của ông Nguyễn Đức An, khu Phương Lai, thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao bước đầu đem lại hiệu quả, tạo nguồn thức ăn cho chăn nuôi.

Ông Nguyễn Đức An ở khu Phương Lai, thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao là một trong những hộ tiên phong tham gia mô hình nuôi sâu canxi. Ông An chia sẻ: “Gia đình tôi thường xuyên nuôi giống gà lai thả vườn, nhưng do lượng thức ăn trong tự nhiên không đủ nên tôi phải tìm kiếm, mua bổ sung cho thức ăn của gà. Được Hội Nông dân thị trấn cho nuôi thử nghiệm, chỉ sau vài tuần, tôi đã có lượng sâu lớn để cung cấp cho đàn gà. Nếu như nhân rộng được mô hình còn giúp giảm chi phí thức ăn cũng như xử lý rác thải hữu cơ”.

Nhận thấy nuôi sâu canxi (hay còn gọi là ấu trùng ruồi lính đen) kỹ thuật đơn giản, tiết kiệm chi phí, có khả năng tiêu hóa thành phần hữu cơ trong chất thải sinh hoạt, đặc biệt các loại rau, củ, quả bị hư hỏng... tạo nguồn thức ăn dinh dưỡng trong chăn nuôi, tạo thành chất mùn dinh dưỡng cho cây trồng, Hội Nông dân huyện Thanh Ba đang cho triển khai nuôi thí điểm ở 2 xã là Ninh Dân và Hanh Cù, được tập huấn tổng quan, kỹ thuật nuôi sâu canxi với trên 80 lượt hội viên tham gia. Theo một số người dân đang nuôi sâu canxi thí điểm, nuôi sâu canxi vừa làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, giảm chi phí trong chăn nuôi, tăng lợi nhuận cho nông dân vừa giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường từ nguồn rác thải hữu cơ trong sinh hoạt chưa qua xử lý, tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường. Không những thế, trong sâu canxi có thành phần dinh dưỡng gồm 43-51% protein, 15-18% chất béo, 2,8-6,2% canxi, 1-1,2% phốt pho, là loại thức ăn giàu dinh dưỡng, phù hợp cho chăn nuôi các loại gia cầm, thủy sản... Chỉ từ 10gram trứng sâu ban đầu, sau một thời gian nuôi cho thu hoạch từ 25 -30kg sâu thành phẩm.

Ông Vũ Công Bình - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp, Phó Ban quản lý Dự án rác thải, Hội Nông dân tỉnh cho biết: Nuôi sâu canxi là một hoạt động nằm trong Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần nỗ lực giảm thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” (DART) do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tổ chức ủng hộ các giải pháp khu vực vì cộng đồng và hệ sinh thái (Quỹ BRACE) xây dựng, triển khai thực hiện. Ban quản lý Dự án rác thải cấp tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội Nông dân tham gia dự án, tổ chức tập huấn, xây dựng mô hình điểm cho cán bộ, hội viên tham quan, học tập kinh nghiệm. Các hộ nuôi sâu canxi được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật nuôi cho đến con giống từ nguồn của dự án, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, mở hướng cho nhiều nông hộ tiếp cận với vật nuôi này...

Thông qua Dự án góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, phát thải khí nhà kính, đồng thời tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng các phương pháp chuyển đổi chất thải để nâng cao năng suất, thu nhập. Chuyển đổi chất thải trên đồng ruộng như rơm, rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải hữu cơ từ các hộ gia đình, kinh doanh, nhà hàng thành thức ăn chăn nuôi, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Linh Nguyễn

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/loi-ich-tu-nuoi-sau-canxi-212323.htm