Logistics - mở rộng và dịch chuyển
Hà Nội và TPHCM là 2 trung tâm của mạng lưới logistics Việt Nam. Nhưng gần đây, quy mô doanh số logistics của các địa phương như Bình Dương, Đà Nẵng và Nam Định lại có tốc độ tăng trưởng doanh số... xu hướng này báo hiệu việc mở rộng, dịch chuyển cần thiết trong phân phối và vận hành của mạng lưới logistics Việt Nam.

Mở rộng mạng lưới kho bãi logistics không chỉ phục vụ thương mại điện tử nội địa mà còn là nền tảng để đẩy mạnh xuất khẩu. Ảnh: Quang Vinh.
Giúp cắt giảm chi phí vận chuyển, cải thiện chất lượng dịch vụ
Số liệu thống kê của Shopee cho thấy, trong quý I/2025, các kho hàng đặt tại Hà Nội và TPHCM chiếm đến 81% tổng doanh số từ tất cả các kho nội địa, điều này cho thấy hai đầu cầu kinh tế vẫn giữ vai trò trung tâm đầu não trong vận hành thương mại điện tử (TMĐT). Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm 2024, quý I/2025, các tỉnh như Bình Dương, Đà Nẵng và Nam Định có tốc độ tăng trưởng doanh số kho hàng tăng từ 20% đến gần 40%. Tín hiệu này cho thấy xu hướng mở rộng mạng lưới kho vận.
Theo đó, Bình Dương với lợi thế địa lý là gần TPHCM, cũng như hạ tầng công nghiệp phát triển nên ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) TMĐT đặt kho bãi, trung tâm phân phối. Trong khi đó, Đà Nẵng trở thành điểm trung chuyển quan trọng tại miền Trung, còn Nam Định bất ngờ vươn lên với tỷ lệ tăng trưởng doanh số kho hàng cao so với mặt bằng chung.
Ghi nhận của Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho thấy, mạng lưới logistics tại Hà Nội và TPHCM là hạt nhân quan trọng cho sự phát triển của TMĐT nhưng cũng gây áp lực lớn về hạ tầng và tốc độ xử lý đơn hàng. Số liệu thống kê của Bộ Công thương năm 2024 cho thấy, hơn 72% đơn hàng TMĐT trong cả nước được xử lý từ kho ở Hà Nội và TPHCM, dẫn đến tình trạng ùn ứ hàng hóa trong cao điểm, kéo dài thời gian giao nhận. Vào các đợt cao điểm như lễ, tết hay mùa khuyến mại lớn, hệ thống logistics thường bị quá tải, ảnh hưởng đến tốc độ giao hàng và trải nghiệm người tiêu dùng TMĐT. Như vậy, phân bổ lại mạng lưới kho vận là yêu cầu tất yếu để giảm áp lực cho các đô thị lớn, đồng thời rút ngắn thời gian giao nhận ở các tỉnh thành.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, hiện nay, chi phí logistics của Việt Nam vẫn ở mức cao, chiếm khoảng 16,8% GDP, trong khi con số này ở Thái Lan chỉ khoảng 12%. Điều này ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm và sức cạnh tranh của DN TMĐT. Chính vì vậy, mở rộng hệ thống kho bãi có thể giúp DN cắt giảm chi phí vận chuyển, đồng thời cải thiện chất lượng dịch vụ… là điều rất cần thiết.
Cấp phép kho vận tại các tỉnh có tiềm năng
Trước thực trạng phân tán, mở rộng mạng lưới kho vận ra ngoài hai đầu cầu kinh tế lớn đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc mở rộng logistics không chỉ phục vụ TMĐT nội địa mà còn là nền tảng để đẩy mạnh xuất khẩu qua kênh số, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do tiếp tục mở ra thị trường rộng lớn. Bên cạnh hai trung tâm lớn, các tỉnh, thành nếu được chú trọng đầu tư hạ tầng và công nghệ logistics sẽ tạo điều kiện để DN TMĐT mở rộng quy mô, nhất là ở khu vực nông thôn và miền núi.
Vẫn theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, trên thực tế, với hàng chục triệu đơn hàng mỗi tháng, sự phân bố lại mạng lưới logistics không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu cấp thiết để đảm bảo tính bền vững. Các số liệu thị phần TMĐT mới đây cho thấy, thị trường này đang có sự thay đổi nhanh chóng về cục diện cạnh tranh giữa các sàn với nhau. Trong bối cảnh này, các DN vẫn tiếp tục cuộc đua đầu tư vào mạng lưới kho bãi logistics. Đây được đánh giá sẽ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh. Mới đây, một trung tâm phân loại hàng hóa có tổng giá trị đầu tư 30 triệu USD được xây dựng tại Bình Dương. Trung tâm này có khả năng xử lý đến 4 triệu đơn hàng mỗi ngày.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cho hay: Mạng lưới kho vận sẽ là yếu tố quyết định tính cạnh tranh của TMĐT trong giai đoạn tới. Muốn giảm chi phí logistics, vốn đang ở mức 16 - 20% GDP thì không thể cứ dồn hết về hai đô thị lớn. Hạ tầng vùng, thủ tục thông quan nội địa và liên kết DN địa phương cần được tháo gỡ. Trong khi đó, theo đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương), cơ quan này đang phối hợp cùng các sàn TMĐT và địa phương để khuyến khích DN mở rộng mạng lưới phân phối, đồng thời hỗ trợ cấp phép kho vận tại các tỉnh có tiềm năng.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/logistics-mo-rong-va-dich-chuyen-10305317.html