Loài người đối diện 'nguồn sống từ địa ngục' hàng ngày mà không hay?

Nguồn sống cho muôn loài trên Trái Đất đã được giải phóng từ 'địa ngục' nóng bỏng thẳm sâu bên dưới, thông qua kiến tạo mảng dữ dội thuở sơ khai?

Khí oxy là yếu tố quan trọng nhất cho sự tồn tại của loài người cũng như nhiều sinh vật khác trên Trái Đất, chỉ cần thiếu oxy khoảng 5 phút là mô não bị chết vĩnh viễn không có khả năng hồi phục. Mặc dù vậy, không phải ai cũng biết nguồn gốc của nguyên tố phổ biến đứng thứ 3 trong vũ trụ này xuất hiện từ khi nào.

Từ các hạt mầm trong không gian, từ các quá trình sinh học của vi sinh vật sơ khai... nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, nhưng có cái gì đó vẫn chưa đầy đủ. Các nhà khoa học Trái Đất từ Trường Đại học Laurentian (Canada) và Đại học Michgan (Mỹ) đã chỉ ra một nguồn khác khó tin: Từ "địa ngục" dưới lòng đất.

Các dữ liệu địa chất cho thấy trong suốt đại Tân Thái Cổ - thời kỳ cuối cùng của liên đại Thái Cổ - khoảng 2,8 đến 2,5 tỉ năm trước, lượng oxy dồi dào trong bầu khí quyển Trái Đất hầu như không có.

Dữ liệu mới cho thấy ngay cuối thời kỳ nói trên, oxy đã ra đời dồi dào một cách bất thường và trùng hợp với giai đoạn kiến tạo mảng mạnh mẽ 2,7 tỉ năm trước.

Kiến tạo mảng mô tả các chuyển động ở quy mô lớn của thạch quyển Trái Đất. Học thuyết này hoàn thiện các quan niệm trước đây về trôi dạt lục địa do Alfred Wegener đề xuất trong các thập niên đầu thế kỷ 20 và tách giãn đáy đại dương trong thập niên 1960.

Phần ngoài cùng nhất của Trái Đất được cấu tạo bởi thạch quyển nằm trên và quyển mềm bên dưới. Thạch quyển bao gồm vỏ Trái Đất và phần trên cùng nhất của quyển manti. Quyển mềm thuộc manti ở trạng thái rắn, nhưng có độ nhớt và ứng suất cắt tương đối thấp nên có thể chảy giống như chất lỏng nếu xét theo thời gian địa chất. Phần sâu nhất của manti bên dưới quyển mềm thì cứng do chịu áp suất lớn hơn.

Thạch quyển bị vỡ ra thành các mảng kiến tạo và chúng trượt trên quyển mềm. Các mảng này di chuyển tương đối với nhau theo một trong ba kiểu ranh giới mảng: hội tụ hay va chạm; tách giãn, cũng được gọi là trung tâm tách giãn; và chuyển dạng.

Các trận động đất, hoạt động núi lửa, sự hình thành các dãy núi, và rãnh đại dương đều xuất hiện dọc theo các ranh giới này. Sự dịch chuyển sang bên của các mảng vào khoảng 50–100 mm/năm.

Theo bài viết của nhóm nghiên cứu trên chuyên san The Conversation, họ đã thu thập tàn tích của lần kiến tạo mảng 2,7 ti năm đó - thứ gọi là "Superior Province", một mảng lục địa đã may mắn giữ nguyên hiện trạng từ cuối liên đại Thái Cổ, hiện trải dài trên một số địa phương của Mỹ và Canada.

Bằng cách đo tỉ lệ và hàm lượng một số nguyên tố mắc kẹt trong đá cổ, họ xác định được rằng magma ở mảnh lục địa cổ đại này đã bị oxy hoa mạnh mẽ. Thời kỳ xuất hiện magma oxy hóa này cũng trùng khớp với thời kỳ xảy ra sự khoáng hóa vàng lớn ở miền đất xa xôi Tây Úc, mà dấu tích là các mỏ quặng tầm cỡ thế giới ngày nay.

Như vậy, quá trình hút chìm trong đợt kiến tạo mảng cổ đại đó - nuốt một phần lớn các mảnh đại dương vào lòng đất và giải phóng những thứ khác lên bề mặt - đã giải phóng cả oxy hòa tan từ một nơi nào đó sâu thẳm và bí ẩn. Điều này cho phép các nhà khoa học kết luận rằng khả năng lớn là bên trong các hành tinh đá có chứa sẵn oxy.

Điều này cũng giải thích cho sự "khó thở" của các hành tinh đá khác trong hệ Mặt Trời dù được sinh ra trong vùng sự sống. Bởi Trái Đất là hành tinh duy nhất được xác nhận có kiến tạo mảng. Có lẽ một cuộc xáo trộn dữ dội giúp giải phóng nguồn sống tiềm ẩn là thứ mà những người bạn cùng loại như Sao Hỏa, Sao Kim còn thiếu.

Xem thêm video: NASA 'bắn' tiểu hành tinh để bảo vệ Trái đất (Nguồn: VTV24).

Thiên Trang (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/loai-nguoi-doi-dien-nguon-song-tu-dia-nguc-hang-ngay-ma-khong-hay-1781543.html