Lo ngại di sản mai một, sai lệch sau khi ghi danh
Di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quan trọng nhưng cũng mong manh và nhạy cảm trước sự thay đổi của thời cuộc. Việc bảo tồn và phát huy di sản tiếp tục thu hút nhiều ý kiến của nhà nghiên cứu, cộng đồng...
Ngày 26.8, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo - Hội nghị - Tập huấn Đánh giá công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh.
Chương trình có sự tham gia của thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; đại diện Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/ Sở Văn hóa và Thể thao/ Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch của 63 tỉnh, thành phố; đại diện các cơ quan nghiên cứu, các Hội; các nghệ nhân đại diện cho cộng đồng chủ thể thực hành các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh và các di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục quốc gia của 63 tỉnh/thành phố.

Toàn cảnh chương trình
Phát biểu khai mạc chương trình, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho rằng: Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa luôn được Đảng ta quan tâm, chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để giữ gìn được những bản sắc văn hóa của dân tộc, lan tỏa các giá trị tới bạn bè quốc tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội…
Tính tới thời điểm hiện nay, UNESCO đã ghi danh 15 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam vào các Danh sách (bao gồm 13 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 2 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp).
Bên cạnh đó, hiện đã có 1.881 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”, trong đó có 131 Nghệ nhân nhân dân và 1.750 Nghệ nhân ưu tú. Có khoảng 7 vạn di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, 497 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia phân bố rộng khắp trên cả nước…
Theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, việc gia tăng số lượng di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào các danh sách của UNESCO và Danh mục quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể cũng như sự phát triển của kinh tế - xã hội trong những năm gần đây đã và đang đặt ra những yêu cầu mới trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể có tính chuyên môn đặc thù, cần có lộ trình tiếp cận vấn đề, chiến lược lâu dài, hướng tới quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể sau ghi danh một cách bền vững.
Tại hội thảo, các ý kiến tập trung đánh giá tổng thể công tác quản lý nhà nước trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục của quốc gia sau khi được ghi danh; nhận diện rõ hơn vị trí, vai trò của các bên liên quan như: các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương các cấp, các nghệ nhân và chủ thể của di sản; chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể giữa các địa phương; góp ý các giải pháp ngăn chặn và chấn chỉnh những hoạt động làm mai một, sai lệch các di sản...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang sửa đổi Luật Di sản văn hóa, xây dựng dự thảo Nghị định quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền cho biết, các ý kiến tại Hội thảo – Hội nghị - Tập huấn sẽ được tiếp thu nhằm hoàn thiện dự thảo phù hợp với thực tiễn, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc.