Liệu Ấn Độ có thể thay đổi thế giới?
Liệu Ấn Độ có phải là con hổ kinh tế tiếp theo của thế giới, sẵn sàng nối gót một Trung Quốc đang chậm lại để trở thành trụ cột của nền kinh tế toàn cầu?
Đó không có gì mới mẻ, chỉ đơn giản là phục hồi vị trí truyền thống của nước này. Một nhà sử học kinh tế ước tính rằng gần đây nhất vào năm 1700, Ấn Độ chiếm khoảng 24% GDP toàn cầu, tương tự như tỷ lệ hiện nay của Mỹ hoặc châu Âu. Nhưng ngày nay, Ấn Độ chỉ chiếm 3% GDP toàn cầu, tăng từ mức 1% vào năm 1993.
Khi các công ty quốc tế tìm kiếm cơ sở sản xuất mới bên ngoài Trung Quốc, Ấn Độ có cơ hội lịch sử để phục hồi quyền năng của mình theo cách có thể thay đổi thế giới.
Nhưng liệu quốc gia khổng lồ ì ạch này có thực sự làm được điều đó không?
Bob Sternfels, công sự quản lý toàn cầu của McKinsey & Company, lạc quan rằng giờ không chỉ là thập kỷ của Ấn Độ mà còn là thế kỷ của Ấn Độ. Ngân hàng Morgan Stanley cũng cho rằng Ấn Độ đang trên đà “tăng trưởng kinh tế chưa từng có” sẽ giúp nước này vượt qua Nhật Bản và Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2027.
Theo The New York Times, Ấn Độ có cơ hội bằng vàng để tăng trưởng kinh tế, nếu đương đầu với ba thách thức chính: cải thiện giáo dục, thúc đẩy phụ nữ tham gia lực lượng lao động và cải thiện môi trường kinh doanh để tăng gia sản xuất.
Trung Quốc phát triển thịnh vượng một phần là do nước này đã đầu tư rất lớn vào nguồn nhân lực – và điều đó đã tạo nên một lực lượng lao động biết chữ, biết tính toán. Còn tại Ấn Độ chỉ khoảng 35% trẻ em được học đến lớp 11 và 12.
Một đánh giá về thách thức vốn nhân lực khái quát hơn ở Ấn Độ cho thấy, khoảng 35% trẻ em bị suy dinh dưỡng thể chất, cao hơn so với các nước châu Phi nghèo hơn nhiều như Somalia và Burkina Faso. Thật khó để nuôi dưỡng một lực lượng lao động hiện đại, có học thức khi có quá nhiều trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng, vì điều này cũng có thể làm giảm sự phát triển của não bộ và khả năng nhận thức.
Tuy nhiên, Ấn Độ đã có nỗ lực và cải thiện đáng kể về giáo dục và phúc lợi. Hơn nữa, các bậc cha mẹ Ấn Độ ngày nay dường như cũng quan tâm sâu sắc đến giáo dục. Ước tính khoảng một nửa số trẻ em Ấn Độ theo học tại các trường tư thục – một gánh nặng lớn đối với ngân sách gia đình – bởi vì cha mẹ muốn con cái được giáo dục tốt nhất có thể, bao gồm cả việc học bằng tiếng Anh.
Ngoài việc cải thiện giáo dục, Ấn Độ cũng phải tạo cơ hội cho phụ nữ có học thức trong nền kinh tế. Sự bùng nổ kinh tế Đông Á dựa trên các mô hình kinh tế rất khác nhau. Con đường của Hàn Quốc không giống con đường của Đài Loan, và con đường của Trung Quốc khác với con đường của Malaysia. Nhưng điểm chung là các quốc gia này thịnh vượng một phần nhờ giáo dục các cô gái làng quê và sau đó chuyển những phụ nữ có học thức này vào lực lượng lao động thành thị, giúp tăng đáng kể năng suất của đất nước. Bangladesh cũng đã thực hiện tương tự.
Ngược lại, Ấn Độ lãng phí tài năng của một nửa dân số là phụ nữ, ít nhất là về mặt kinh tế. Chỉ có 23% phụ nữ Ấn Độ tham gia lực lượng lao động – so với 61% ở Trung Quốc và 56% ở Mỹ; và ở Ấn Độ, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ đã thực sự giảm trong hầu hết hai thập kỷ qua.
Mặc dù những trở ngại về sức khỏe và giáo dục ảnh hưởng đến tất cả trẻ em, nhưng chúng thường đặc biệt nghiêm trọng đối với trẻ em gái do thái độ phân biệt đối xử lâu đời.
Ruchira Gupta, người sáng lập tổ chức chống buôn người có tên Apne Aap, lưu ý: “Nhiều bé gái vẫn bị thiếu ăn, suy dinh dưỡng, còi cọc và thiếu máu. Họ không được học cấp 2, và phụ nữ trẻ không được tiếp cận đầy đủ các trường đại học, các chương trình đào tạo và hơn hết là việc làm trong khu vực chính thức”.
Nhưng Ấn Độ có nhiều phụ nữ độc lập, mạnh mẽ hơn bao giờ hết và họ đang thúc đẩy sự thay đổi.
Ngoài việc giáo dục trẻ em tốt hơn và trao quyền cho phụ nữ, Ấn Độ cũng cần có các chính sách kinh tế hỗ trợ tăng trưởng. Chính phủ nhận ra điều này và đã thực hiện một số bước theo hướng đó, đồng thời cũng có một số cạnh tranh lành mạnh giữa các bang nhằm thu hút các nhà đầu tư. Cơ sở hạ tầng được cải thiện rất nhiều và tạo điều kiện cho việc kinh doanh.
Lĩnh vực IT của Ấn Độ thì thật tuyệt vời và ở một số khía cạnh đi trước cả Mỹ. Tại Ấn Độ, dữ liệu kỹ thuật số trên điện thoại di động cực kỳ rẻ và bạn có thể mua một quả xoài từ người bán hàng rong bằng điện thoại của mình. Giao dịch kỹ thuật số ở khắp mọi nơi và mọi người dễ dàng lưu giữ hồ sơ kỹ thuật số một cách an toàn trên điện thoại.
Nandan Nilekani, người tiên phong trong lĩnh vực dịch vụ thông tin, nói rằng cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số của Ấn Độ cho phép mô hình tăng trưởng dựa trên công nghệ và thực sự có dấu hiệu bùng nổ hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ: Ấn Độ có 452 công ty khởi nghiệp vào năm 2016 và 84.000 công ty như vậy hồi năm ngoái.
Nhưng chính sản xuất định hướng xuất khẩu mở đường cho đột phá kinh tế ở châu Á vì ngành này có thể sử dụng số lượng lớn lao động. Ở Ấn Độ, tỷ trọng của ngành sản xuất trong nền kinh tế bị đình trệ, và các giám đốc điều hành quốc tế chia sẻ những câu chuyện kinh dị về nạn quan liêu và khó khăn trong kinh doanh.
Alyssa Ayres, một chuyên gia về Ấn Độ tại Đại học George Washington, lưu ý: “Điểm quan trọng của sản xuất là tạo ra việc làm”, và điều đó không xảy ra nhiều. “Mọi người lo lắng về việc tình thế không thay đổi”.
Ngày nay, Ấn Độ có cơ hội mới để thu hút các nhà sản xuất. Trung Quốc có dân số già, thương hiệu của nước này bị ảnh hưởng bởi những hạn chế, và các công ty toàn cầu đang mong muốn tìm cơ sở sản xuất mới. Ấn Độ có những người nói tiếng Anh, hệ thống luật pháp quen thuộc, nhân công giá rẻ và những kỹ sư xuất sắc xuất thân từ Học viện Công nghệ Ấn Độ.
Tuy nhiên, Ấn Độ cũng bị ô nhiễm không khí là mối đe dọa đáng kể. Đồng thời Ấn Độ có mức thuế quan tương đối cao gây khó khăn cho việc nhập khẩu nguyên liệu sử dụng trong chuỗi cung ứng. Dường như tồn tại nghi ngờ dai dẳng ở Ấn Độ rằng các nhà sản xuất nước ngoài đang bóc lột, gây trầm trọng thêm căng thẳng lao động.
Ford Motor là loại tập đoàn nên mở rộng sản xuất ở nước này, nhắm vào thị trường ô tô rộng lớn ở đây và sử dụng Ấn Độ làm cơ sở xuất khẩu. Nhưng sau khi thử nỗ lực và thành lập các đại lý, Ford đã từ bỏ vào năm 2021 và rút khỏi Ấn Độ. General Motors và Harley-Davidson rời thị trường này sớm hơn.
Arvind Subramanian, cựu cố vấn kinh tế của Chính phủ Ấn Độ, hiện đang làm việc tại Đại học Brown, hoài nghi Ấn Độ sẽ thay đổi chính sách của mình đủ để nắm bắt cơ hội từ những khó khăn của Trung Quốc mang lại. Nhưng ông cho rằng những nỗ lực của Apple trong việc sản xuất iPhone ở Ấn Độ mang lại tia hy vọng bằng cách khuyến khích các công ty khác làm theo.
Nếu Ấn Độ có thể thúc đẩy giáo dục, giải phóng phụ nữ tham gia lực lượng lao động và thu hút các công ty đang khao khát tìm cơ sở sản xuất mới, đất nước này có thể khiến chúng ta ngạc nhiên một lần nữa.
Theo The New York Times
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/lieu-an-do-co-the-thay-doi-the-gioi/