Liệt hai chân sau khi nhờ thầy lang cắt lể
Phát hiện bị đau lưng, ông Đ. nghe hướng dẫn của hàng xóm đã đến thầy lang gần nhà cắt lể vùng đau bằng dao lam. Tình trạng đau của ông Đ. không giảm mà còn trở nên nặng hơn vì liệt cả hai chân.
Ngày 11/4, bác sĩ Lê Viết Thắng – Khoa Ngoại Thần kinh, BV Đại học Y dược TPHCM cho biết, sau hơn 10 ngày điều trị tại đây, tình trạng đau lưng lan dần xuống dưới, khiến hai chân tê và liệt, không cử động được của ông L.V. Đ, 45 tuổi, ở Kiên Giang, đã được cải thiện.
Trước đó, bệnh nhân nhập viện tại bệnh viện địa phương do bị đau lưng và điều trị tại đây. Tuy nhiên, nghe hàng xóm mách nước nên ông Đ. đến thầy lang gần nhà cắt lể vùng đau bằng dao lam. Tình trạng đau không giảm mà còn trở nên nặng nề hơn. Sau khi bệnh khởi phát 5 ngày, người nhà đưa ông Đ. nhập cấp cứu tại BV Đại học Y dược TPHCM.
Qua thăm khám, các bác sĩ nhận định bác Đ có triệu chứng nhiễm trùng, sốt, lạnh run, khô môi, lưỡi đơ, kèm theo hội chứng chèn ép tủy như đau lưng lan hai chân, tê, liệt và mất phản xạ hai chân, bí tiểu.
Kết quả chụp cộng hưởng từ cũng ghi nhận áp xe ngoài màng cứng trong ống sống ngực – thắt lưng – cùng về phía sau, gây hẹp lan tỏa ống sống, chèn ép tủy sống ngực; tổn thương viêm, áp xe rải rác cơ thắt lưng chậu, cơ cạnh sống hai bên.
Sau đó, ông Đ. được bác sĩ khoa Ngoại Thần kinh chỉ định phẫu thuật cấp cứu giải ép tủy sống. Trong quá trình phẫu thuật, phẫu thuật viên đã lấy dịch mủ cột sống để cấy tìm vi trùng ra tụ cầu vàng, là loại vi trùng thường gây nhiễm trùng ngoài da.
Bác sĩ Lê Viết Thắng – Khoa Ngoại Thần kinh cho biết, ông Đ. là trường hợp đầu tiên diễn tiến nhiễm trùng nặng trước khi nhập viện. "Hiện tại, chưa có chứng minh rõ ràng về tính hiệu quả của phương pháp cắt lể, ngược lại còn gây ra các biến chứng nguy hiểm như chảy máu nhiều, nhất là khi rạch phạm vào các mạch máu nông hoặc các tĩnh mạch nông bị dãn, chảy máu không cầm trên các người bệnh có tiền sử bệnh máu khó đông hay đang dùng thuốc loãng máu”- bác sĩ Thắng cảnh báo.