Liên tiếp triệt phá các vụ trồng cây cần sa trái phép
Thời gian qua, lực lượng Công an liên tiếp phát hiện nhiều vụ việc người dân trồng cây cần sa trái phép. Điều đáng nói, việc trồng cây cần sa không chỉ diễn ra ở địa bàn biên giới hẻo lánh như những năm trước đây, mà còn xuất hiện ở ngay trong thành phố.
Phát hiện nhiều trường hợp trồng cần sa trái phép
Ngày 5/6, Công an phường Ngọc Thụy phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an quận Long Biên, Hà Nội, kiểm tra khu vực bãi giữa sông Hồng thuộc địa bàn phường Ngọc Thụy đã phát hiện một vườn trồng nhiều cây cần sa. Tại thời điểm kiểm tra trên khu đất rộng khoảng 3.000 m2 do vợ chồng ông Tiberghien Frederec (55 tuổi, quốc tịch Pháp, tạm trú và làm việc tại Công ty LAVIE Vũ Linh, xã Vũ Linh, H.Yên Bình, Yên Bái) thuê thâm canh, lực lượng chức năng thu giữ 115 cây cần sa tươi với trọng lượng 34 kg và hơn 40 gram cần sa khô.
Trước đó ngày 3/4/2021, Công an tỉnh Đắk Lắc phát hiện 4 vụ trồng cây cần sa với quy mô lớn tại rẫy của 4 hộ dân ở xã Hòa Thuận, TP Buôn Ma Thuột. Tại đây lực lượng chức năng đã nhổ bỏ hơn 1.500 cây cần sa. Để qua mặt người dân và cơ quan chức năng, các đối tượng đã xây tường rào cao quanh rẫy và xây dựng khu vườn ươm với hệ thống đèn Led chiếu tia cực tím để cây cần sa phát triển tốt.
Ngày 6/3/2021, Công an huyện Ea H leo (Đắk Lắc) bắt quả tang hai đối tượng đang trồng trái phép gần 1.600 cây cần sa xen canh trong vườn cà phê, hồ tiêu ở xã Ea Hiao. Cả hai khai trồng để làm thuốc chữa bệnh gia cầm.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Đắk Lắk, tính từ đầu năm 2020 đến hết tháng 3/2021, tỉnh Đắk Lắk phát hiện 32 vụ trồng trái phép cây cần sa (5 vụ trồng cây cần sa trái phép với số lượng lớn tại 3 huyện Ea H’leo, Cư M’gar và Krông Búk), với 33 đối tượng, thu giữ 8.495 cây cần sa tươi, tăng 25 vụ so với năm 2019. Các đối tượng thường trồng cây cần sa trong các khu rẫy vắng, thưa dân cư và trồng xen giữa các vườn cà phê, hồ tiêu để tránh sự chú ý của người dân và lực lượng chức năng.
Một vụ khác, vào chiều 7/3/2021, Công an huyện Mộc Châu (Sơn La) làm nhiệm vụ ở khu vưc nương rẫy tại tiểu khu Pa Khen, thị trần Nông trường Mộc Châu đã phát hiện bà Lầu Thị Mỷ (dân tộc Mông) trồng 200 cây thuốc phiện tại nương rẫy của gia đình.
Ngày 9/2, Công an Bắc Giang cũng triệt phá một vườn trồng hơn 3.000 cây cần sa và cây anh túc trong vườn nhà.
Trồng cây cần sa bị xử phạt như thế nào?
Theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15-5-2018 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất thì cần sa và các chế phẩm từ cần sa thuộc các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội. Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Văn phòng luật sư Thanh Hà và Cộng sự) cho biết, hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cần sa và các loại cây khác có chứa chất ma túy sẽ bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến năm triệu đồng theo Điều 21, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
Điều 247, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội trồng cây thuốc phiện, cây cô-ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy, thì những đối tượng: Đã được giáo dục hai lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; trồng với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án từ 6 tháng đến 3 năm. Người nào phạm tội thuộc các trường hợp nêu trên nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự...