Lễ hội Katê của người Chăm - điểm nhấn đặc sắc của du lịch văn hóa
Ngày 1/7 lịch Chăm hằng năm (khoảng tháng 9, tháng 10 Dương lịch) đều diễn ra Lễ hội Katê của đồng bào Chăm Bàlamôn tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận với nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ truyền thống Chăm đặc sắc.
• LỄ HỘI KATÊ CỦA NGƯỜI CHĂM
Năm nay, Lễ hội Katê của người Chăm ở Bình Thuận được tổ chức tại di tích tháp Pô Sah Inư (TP Phan Thiết) trong 2 ngày 1 và 2/10, với nhiều phần lễ truyền thống và phần hội mang đậm nét văn hóa dân gian Chăm. Trong đó, ngày 2/10 còn có lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia đợt 12, năm 2023 đối với Linga vàng phát hiện tại tháp Pô Dam (thuộc xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong), niên đại khoảng thế kỷ VIII - IX.
Vào ngày lễ chính có đầy đủ các nghi thức mang giá trị văn hóa dân gian truyền thống đặc sắc, đậm nét tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào Chăm, như các nghi thức: nghinh rước trang phục Nữ thần Pô Sah Inư lên tháp chính, mở cửa tháp, tắm bệ thờ Linga - Yoni, mặc trang phục bệ thờ Linga - Yoni và đại lễ cúng tạ ơn Nữ thần Pô Sah Inư, các vị thần linh và ông bà, tổ tiên... Phần hội là những hoạt động sôi nổi diễn ra tại sân khấu chính,như: Hội thi thổi kèn Saranai và đội nước vượt chướng ngại vật; trang trí lễ vật trên Thônla và Cổ bồng để dâng tế Nữ thần Pô Sah Inư; giao lưu nghệ thuật dân gian truyền thống; biểu diễn nghề làm gốm, dệt thổ cẩm...
Tại Ninh Thuận, Lễ hội Katê năm 2024 của đồng bào Chăm tổ chức trong 3 ngày 1, 2 và 3/10. Trong đó, lễ chính được tổ chức vào sáng ngày 2/10 tại 3 khu vực đền, tháp Chăm: Tháp PôKlong Garai (TP Phan Rang - Tháp Chàm), tháp PôRômê và đền Pô Inư Nưgar (huyện Ninh Phước). Cùng với Lễ hội Katê năm 2024, tỉnh Ninh Thuận cũng xây dựng Kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và du lịch chào mừng Lễ hội Katê năm 2024 và quảng bá về Lễ hội Katê đến các đơn vị lữ hành, du lịch gắn với việc tổ chức thành công Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI, năm 2024 tại tỉnh Ninh Thuận. Lễ hội Katê năm 2024 tại Ninh Thuận cũng là dịp công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận 4 bảo vật Quốc gia đợt 12, năm 2023...
Katê là lễ hội dân gian có từ lâu đời và đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Bàlamôn ở Bình Thuận và Ninh Thuận - là hai địa phương tập trung nhiều đồng bào Chăm, với ý nghĩa tưởng nhớ đến các vị thần, tổ tiên, ông bà; cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi; lứa đôi hòa hợp, con người và vạn vật sinh sôi nảy nở... Vào dịp Lễ hội Katê, không chỉ người Chăm ở Bình Thuận, Ninh Thuận; mà người Chăm sinh sống, làm việc ở khắp mọi nơi đều trở về đoàn tụ và quây quần cùng gia đình, bạn bè và người thân.
• TÀI NGUYÊN DU LỊCH VĂN HÓA ĐẶC SẮC
Lễ hội Katê là sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn có sức thu hút đông đảo Nhân dân, du khách trong nước và quốc tế đến tham dự và hòa cùng vào không khí lễ hội của cộng đồng người Chăm. Lễ hội Katê được tổ chức hằng năm, bắt đầu bằng lễ hội ở các đền, tháp Chăm; cho đến các hoạt động vui chơi, đón Tết tại dòng họ, gia đình. Phong tục này được xem như một dòng chảy từ cộng đồng đến cá nhân, được người Chăm gìn giữ hàng ngàn năm qua. Năm nay, tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận đều cho phép cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức, người lao động, công nhân, sinh viên, học sinh là người dân tộc Chăm theo đạo Bàlamôn trên địa bàn tỉnh nghỉ Tết Katê năm 2024 trong 3 ngày (từ ngày 2 - 4/10).
Lễ hội Katê là một trong 5 lễ hội đặc sắc nhất của tỉnh Bình Thuận, được đưa vào Danh mục các lễ hội tiêu biểu của địa phương cần bảo tồn và phát huy giá trị phục vụ phát triển du lịch. Đặc biệt, ngày 4/4/2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 776/QĐ-BVHTTDL đưa Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Trước đó, vào tháng 10/2017, “Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Ninh Thuận” đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Ngược dòng lịch sử, giai đoạn từ thế kỷ XV về trước, vương quốc Champa mang đậm ảnh hưởng của Ấn giáo. Sau thế kỷ XV, có thêm Hồi giáo xâm nhập vào xã hội Champa… Cho đến nay, những người Chăm Việt Nam gồm có 3 nhánh tôn giáo chính: người Chăm Ahier (hay Balamon), ảnh hưởng của Ấn giáo; người Chăm Awal (hay Bani), ảnh hưởng của Hồi giáo; người Chăm Islam (một ít ở Ninh Thuận và chủ yếu ở vùng An Giang) theo Hồi giáo chính thống. Lễ hội Katê hiện nay là lễ hội của nhánh Chăm Ahier.
Trước năm 1965, Katê chỉ là một lễ tục trên đền tháp, có sự hiện diện của một số tín đồ người Chăm Ahier, nhưng rất thưa thớt, không có mặt các “khán giả”, vì theo phong tục, đây là dâng hiến lễ vật cho thần linh trong ngày Katê trên đền tháp... Vào năm 1965, quan chức địa phương đề nghị các chức sắc Ahier cho phép đưa vào lễ tục Katê phần văn nghệ để đón chào phái đoàn Việt Nam đến viếng thăm dân tộc Chăm nhân dịp Katê. Kể từ đó, lễ tục Katê có thêm phần lễ hội, rồi về sau càng ngày càng phong phú, linh đình và phát triển cho đến hôm nay...
Katê là lễ hội lớn, có ý nghĩa quan trọng về tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo, tình cảm của cộng đồng người Chăm Bàlamôn; góp phần quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của người Chăm; phản ánh nhiều khía cạnh văn hóa, phong tục tập quán, nghệ thuật liên quan đến đời sống của cộng đồng người Chăm. Trải qua hàng ngàn năm, với nhiều thăng trầm của lịch sử, cũng như quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, nhưng về cơ bản Lễ hội Katê vẫn được gìn giữ, duy trì theo đúng tập tục truyền thống; góp phần nâng cao ý thức về cội nguồn dân tộc, giá trị đạo đức, cũng như kế thừa và trao truyền di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc...