Lấy ý kiến vào Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Sáng 23/2, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Lào Cai tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Quy hoạch cần tính ổn định cao

Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Lào Cai:

Nhiều cấp, ngành tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tham gia Hội nghị có Thường trực HĐND, UBND thành phố Lào Cai; đại diện ban Xây dựng Đảng Thành ủy Lào Cai, các ban của HĐND thành phố, các cơ quan, ngành có liên quan, tổ chức chính trị - xã hội; các xã, phường và một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Lào Cai.

Các đại biểu tập trung nghiên cứu, cho ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo báo cáo của UBND thành phố Lào Cai, tính đến ngày 21/2/2023, các cấp, ngành trên địa bàn thành phố Lào Cai đã tổ chức được 210 hội nghị lấy ý kiến tham gia của Nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), với tổng số 2.114 ý kiến.

Trong đó, cơ quan Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức 17 hội nghị, tổng hợp được 970 ý kiến tham gia; có 190 trong tổng số 212 thôn, tổ dân phố tổ chức họp với 1.144 ý kiến tham gia. Ngoài ra còn có hội nghị của các xã, phường, của UBND thành phố Lào Cai.

Các ý kiến được UBND thành phố Lào Cai tổng hợp trước đó và ý kiến tại hội nghị sáng 23/2 là rất phong phú, sát thực, tập trung vào các nội dung về: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; hạn mức giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; hộ gia đình sử dụng đất.

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Lào Cai quán triệt việc triển khai lấy ý kiến trong thời gian tới.

Cụ thể, nhiều ý kiến cho rằng, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần có tầm nhìn hợp lý, tránh việc gây ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất của người dân. Trong phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cần có quy định về thời hạn hoàn thành tái định cư; bổ sung, làm rõ một số điều kiện được hưởng tái định cư; cần quy định rõ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất (Điều 125 dự thảo Luật)…

Tại Hội nghị, phóng viên đã lược ghi một số ý kiến nổi bật, điển hình của các đại biểu đóng góp đối với Luật Đất đai (sửa đổi).

Ông Nguyễn Tiến Thanh, Ban tư vấn Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Lào Cai

Theo tôi, việc điều chỉnh, công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất rất cần tính ổn định, giàu tính khả thi, thời gian tối thiểu cần ít nhất 5 năm, như thế mới tránh việc điều chỉnh tùy tiện, hạn chế nảy sinh lợi ích nhóm trong sử dụng tài nguyên đất.

Cần có sự giám sát của cộng đồng, phát huy vai trò của ban thanh tra Nhân dân, tăng cường việc lấy ý kiến Nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; nội dung cần có chiếu dẫn các quy định liên quan như Luật Đầu tư công, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Về thu hồi đất, bồi thường tái định cư cần đảm bảo quyền lợi nhà nước, doanh nghiệp và người dân, bởi trên thực tế, khi đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật sẽ làm tăng giá trị đất, nhất là khi lấy đất nông nghiệp để thực hiện các dự án phi nông nghiệp.

Thu hồi đất cần tính đến yếu tố thực tế và lịch sử

Ông Phạm Anh Hùng, Phó giám đốc Trung tâm Quỹ đất TP. Lào Cai

Dự thảo Luật Đất đai đang quy định chỉ đền bù cho người đứng tên quyền sử dụng đất nông nghiệp (đất trồng lúa) và hiện chỉ có người đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp mới được cấp quyền sử dụng loại đất này.

Như vậy, nếu người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà tham gia tích tụ, thực hiện các dự án, mô hình sản xuất sẽ không được đền bù khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp (đất trồng lúa). Đây là một bất cập cần sửa đổi để huy động, thu hút các thành phần, nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp.

Hiện mới có quy định đền bù làm công trình kiến trúc trên đất ở, tôi đề nghị bổ sung đối tượng trên đất nông nghiệp, bởi đây là vấn đề có tính lịch sử, xảy ra phổ biến, như vậy mới thuận lợi trong triển khai các dự án đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Hiện đang có hàng chục nghìn trường hợp xây nhà, công trình kiến trúc trên đất nông nghiệp đang phải xử lý hoặc nằm trong vùng quy hoạch.

Tránh xác định giá khi sốt đất cục bộ

Bà Nguyễn Thị Minh Đức, TGĐ Công ty TNHH Xây dựng TH Minh Đức.

Cần có quy định rõ, cụ thể về thời điểm xác định giá đất, tránh việc tính giá đất khi thị trường bất động sản đang sốt cục bộ, giá đất ảo, bong bóng ngắn hạn sẽ khiến việc triển khai các dự án đầu, công tác giải phóng mặt bằng khó khăn.

Theo tôi, cần áp dụng khung thời hạn áp dụng bảng giá đất 5 năm/lần để tạo tính ổn định của thị trường đất đai, bất động sản, thu hút các nguồn lực đầu tư xã hội đối với các dự án.

Để tạo điều kiện cho người thu nhập thấp có cơ hội mua nhà ở, các địa phương có thêm nhiều công trình nhà ở xã hội rất cần cơ chế miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với các dự án thuộc diện này, để thống nhất thực hiện trên cả nước cần luật hóa nội dung này vào Luật đất đai.

Quy định cụ thể về thời điểm xác định giá đất

Bà Tô Thị Hoan, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Minh Sơn

Hiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa quy định cụ thể về thời điểm xác định giá đất nói chung và giá giao đất tái định cư, khi áp dụng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các dự án có đấu thầu sử dụng đất, gây khó khăn trong giải phóng mặt bằng (nếu dự án kéo dài).

Vậy cần quy định rõ, cụ thể về thời điểm xác định giá đất phù hợp với từng trường hợp đặc thù, đặc biệt là các dự án đấu thầu có sử dụng đất cần xác định giá đất ngay từ khi đấu thầu thực hiện dự án.

Tôi cũng thấy việc rất cần thiết mở rộng đối tượng nhận chuyển sử dụng đất nông nghiệp hợp pháp để đảm bảo tính công bằng xã hội và phát triển kinh tế. Bổ sung các cơ quan, cấp, ngành có chức năng giải quyết khi tranh chấp đất đai xảy ra.

Quan tâm việc thu hồi đất từ Nhân dân

Bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Pom Hán

Luật Đất đai cần quan tâm đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Luật đang áp dụng hiện chưa quy định thời gian phải hoàn thành khu tái định cư bao nhiêu ngày trước khi tiến hành thu hồi đất (vì quỹ đất tái định cư gặp rất nhiều khó khăn), quy định còn chung chung đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của các hộ dân bị ảnh hưởng.

Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp đất theo dự thảo là chỉ có cơ quan tòa án, cần bổ sung đối tượng là UBND cấp cơ sở, như thế vừa giảm tải cho cơ quan tư pháp, vừa phù hợp với Luật Hòa giải ở cơ sở, Bộ Luật dân sự.

Trên thực tế, hiện cơ chế giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã có thủ tục đơn giản, người dân không phải nộp lệ phí, hiệu quả giải quyết lại khá cao, nhất là các trường hợp tranh chấp đơn giản xảy ra.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/364892-lay-y-kien-vao-du-an-luat-dat-dai-sua-doi