Làng nghề hối hả vào vụ Tết
Còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Đây cũng là thời điểm các làng nghề trong tỉnh vào mùa sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm và phục vụ thị trường Tết.
Làng nghề mộc Thụy Lân, xã Thanh Long ( Yên Mỹ) tất bật vụ cuối năm
Những ngày cuối năm, Làng nghề mộc Thụy Lân, xã Thanh Long (Yên Mỹ) náo nhiệt tiếng máy xẻ, máy cưa, tiếng đục, đẽo cùng tiếng xình xịch của những chiếc xe tải tấp nập chở nguyên liệu. Khắp các con đường nối về thôn, đâu đâu cũng trắng xóa màu ván, gỗ ép xếp thành từng chồng, thẳng hàng đang được hong khô để giảm độ co của gỗ. Là làng nghề hoạt động lâu năm, nghề mộc nơi đây là nguồn sống, nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình. Toàn thôn có khoảng 200 hộ làm nghề mộc, trong đó có trên 20 hộ mở xưởng quy mô lớn, trang bị đầy đủ các thiết bị máy móc hiện đại, sản xuất các sản phẩm nội thất cao cấp với mức giá từ 5 đến 30 triệu đồng/sản phẩm. Nhờ sự sáng tạo, hài hòa và tinh tế giữa các đường nét hoa văn, sản phẩm của làng nghề đã vươn xa ra các thị trường như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… Anh Nguyễn Đăng Chính, chủ một cơ sở sản xuất của làng nghề cho biết: Thời điểm giáp tết, nhu cầu mua sắm các đồ gia dụng của người dân tăng cao gấp 4 - 5 lần so với các thời điểm khác trong năm. Năm nay, số lượng đơn hàng của các xưởng đều tăng khoảng 20% nên từ tháng 10 âm lịch, các xưởng đã thu gom nguyên liệu, tập trung nhân lực sản xuất. Nhiều xưởng phải làm thông đêm mới bảo đảm được số lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Thời điểm này, nhiều gia đình trồng đào tại thôn Ngọc Đà, xã Tân Quang (Văn Lâm) tập trung chăm sóc, chuẩn bị công đoạn nuôi mắt, cho đào ra nụ, nở hoa đúng dịp Tết Nguyên đán. Là người có kinh nghiệm hơn 10 năm trồng đào cảnh, gia đình ông Phùng Viết Quang hiện có hơn 1 nghìn gốc đào to, nhỏ các loại. Ông Quang cho biết: Nhà tôi có hơn 2,8 nghìn m2 đất trồng đào. Trước đây, khi mới trồng, chúng tôi chưa biết cách hãm để cho hoa nở đúng dịp Tết. Ngoài ra, cây cũng thường bị các loại sâu bệnh làm ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng, phát triển của hoa. Sau một thời gian vừa trồng vừa học hỏi, chúng tôi đã có kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc hoa đào. Sau Tết Nguyên đán, gia đình tôi đem những gốc đào ra ruộng trồng, chăm sóc. Đến cuối tháng 8, tháng 9, chúng tôi lấy dao tiện quanh thân cây, đối với cây có gốc xù xì thì đào đất quanh gốc để hạn chế sự phát triển cành, lá. Sang tháng 11, chúng tôi bắt đầu bẻ hết lá để nhường chỗ cho mầm cây nảy lộc, ra nụ, kịp ra hoa đúng dịp Tết. Năm nào cũng vậy, cứ đến đầu tháng 10 âm lịch là đã có khách buôn đến xem cây và đặt mua, thuê cây. Từ trồng đào, gia đình tôi có thu nhập trung bình trên 300 triệu đồng/năm. Hiện nay, thôn Ngọc Đà có gần 100 hộ trồng đào với diện tích khoảng 10ha. Ngoài giống đào của địa phương, vài năm trở lại đây, người trồng đào ở Ngọc Đà còn mua những gốc đào rừng về tiến hành ghép mắt đào phai, đào bích cung cấp cho thị trường. Hiện nay, tại một số nhà vườn có những cây đào được trồng cả chục năm, chăm sóc, cắt tỉa có thế đẹp, hoa nhiều được bán với giá hơn chục triệu đồng/cây, cho khách thuê để chơi Tết với giá từ 4 đến 8 triệu đồng/cây... Trung bình, mỗi hộ dân trồng đào có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, góp phần ổn định cuộc sống.
Làng nghề sản xuất miến dong Lại Trạch, xã Yên Phú (Yên Mỹ)
Đồng chí Lê Văn Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Thời gian qua, các làng nghề của tỉnh tiếp tục phát triển, sản xuất, kinh doanh thuận lợi do các chính sách hỗ trợ làng nghề của tỉnh phát huy hiệu quả. Trong đó, các sở, ngành, địa phương chú trọng khuyến khích các cơ sở sản xuất làng nghề áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng những làng nghề có điều kiện lợi thế về vị trí địa lý, có các sản phẩm đặc trưng bố trí gắn với các tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng hạ tầng, huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển làng nghề, đào tạo lao động… Bên cạnh đó, để tăng giá trị sản phẩm, nhiều làng nghề đã đầu tư máy móc, thay thế dần các hoạt động lao động chân tay hay công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, nhờ đó sản phẩm làm ra đã cơ bản bảo đảm chất lượng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Nhờ có hướng đi phù hợp, các làng nghề phát triển tương đối ổn định, duy trì được mức tăng trưởng khá, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm ổn định cho gần 50 nghìn lao động.
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202212/lang-nghe-hoi-ha-vao-vu-tet-3fc2fd8/