Lắng nghe để đồng thuận!
Trước thềm Đại hội XIII của Đảng, Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII đã được công bố rộng rãi để lấy ý kiến nhân dân, vừa để góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện, vừa củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng, làm cho ý Đảng hợp với lòng dân.
Bài liên quan
“Bệ đỡ của niềm tin”
Khi Đảng ở trong trái tim của nhân dân!
Cho một Việt Nam mạnh mẽ, phồn vinh
Chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, khoa học và cầu thị
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là sự kiện chính trị trọng đại, có ý nghĩa định hướng, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh phát triển toàn diện đất nước theo hướng nhanh, bền vững.
Theo đó, thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng; Thông báo Kết luận số 159-TB của Bộ Chính trị về việc thảo luận các văn kiện Đại hội XIII của Đảng tại Đại hội Đảng bộ các cấp, gửi lấy ý kiến nhân dân và tổng hợp các ý kiến đóng góp vào văn kiện Đại hội XIII của Đảng, dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã được công bố, gửi xin ý kiến các Đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân từ ngày 20/10 đến ngày 10/11/2020.
Dự thảo các văn kiện công bố lấy ý kiến nhân dân gồm: Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng; Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.
Đồng bào dân tộc thiểu số xã Quảng An, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: Báo Quảng Ninh
Đông đảo đảng viên và nhân dân trên cả nước đã đóng góp hàng triệu ý kiến vào dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Những đóng góp đó thể hiện tâm tư tình cảm và cả những trăn trở, nguyện vọng với mong mỏi đất nước ngày càng phát triển vững mạnh, phồn vinh.
Trước Đại hội, việc đưa dự thảo các báo cáo, văn kiện của Đảng để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi trong cán bộ, đảng viên, tầng lớp nhân dân thể hiện chủ trương hết sức đúng đắn, khách quan và dân chủ. Qua đó, nhằm tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của nhân dân, tham gia đóng góp với Đảng trong quá trình hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng mang tính quyết định đối với cả giai đoạn. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm, tình cảm trong việc tham gia góp ý vào những vấn đề trọng đại của Đảng, của đất nước.
Thể hiện đậm nét vai trò làm chủ của nhân dân
Với việc lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: Văn kiện Đại hội không phải là nghị quyết bình thường, là văn kiện 5 năm mới có một lần, vừa mang tính lý luận, vừa mang tính thực tiễn, tính chính trị, mang tầm chiến lược, đồng thời phải có tính quần chúng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ kiểm tra. Việc nhân dân tham gia đóng góp xây dựng văn kiện Đại hội là công việc có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, thể hiện đậm nét vai trò làm chủ của nhân dân.
Là một giáo viên vùng cao, cô giáo Vi Thị Hành - giáo viên trường Tiểu học xã Lăng Can, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang cho biết, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Theo cô giáo Vi Thị Hành, nhờ có chủ trương, chính sách đúng đắn và phù hợp của Đảng, Nhà nước những năm qua công tác giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều biến chuyển tích cực. Việc Đảng lắng nghe nhân dân góp ý kiến vào dự thảo văn kiện càng thể hiện rõ sự quan tâm, tiếp thu của Đảng, để xây dựng đường lối, chính sách gần gũi, thiết thực vào đời sống nhân dân.
Anh Trần Bùi Nam (xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) bên trong trang trại nuôi gà đẻ công nghệ cao của mình.
Với niềm tin đó, góp ý kiến vào Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII, cô giáo Vi Thị Hành cho rằng: “Mong muốn trong nhiệm kỳ tới, Đảng cần tăng nguồn đầu tư cho công tác phát triển giáo dục ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có dân số ít. Đồng thời đào tạo đội ngũ giáo viên là người dân tộc thiểu số có trình độ cả về sư phạm và kiến thức cho từng vùng, từng dân tộc. Bên cạnh việc đào tạo, cần xây dựng chế độ đãi ngộ và sử dụng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, sao cho họ yên tâm với nghề nghiệp, gắn bó với sự nghiệp "trồng người" ở chính quê hương của mình”.
Được tham gia góp ý Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII, anh Trần Bùi Nam (thôn Đồng Chèo, xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) cho rằng, với việc được đóng góp ý kiến vào Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII, tin rằng Đảng sẽ lãnh đạo và đưa ra những chủ trương, quyết sách đúng để đưa đất nước phát triển nhanh, toàn diện, bền vững.
“Là một nông dân trẻ, phát triển mô hình trang trại nuôi gà đẻ công nghệ cao với xuất phát điểm từ chính quê hương của mình, tôi mong muốn những người trẻ quan tâm hơn đến nông nghiệp. Đảng và Nhà nước có nhiều hơn phong trào khởi nghiệp, khuyến khích thế hệ trẻ. Có nhiều cơ chế tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn đầu tư sản xuất kinh doanh đối với những người trẻ phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, hiện đại từ đó để động viên khích lệ cho các bạn trẻ dấn thân vào lĩnh vực nông nghiệp”.
Ông Hoàng Minh Tuân (thôn Tân Lập, Eakpam, Cư Mgar, Đắk Lắk) cho rằng, chủ trương lấy ý kiến của nhân dân vào dự thảo các báo cáo, văn kiện của Đảng cho thấy Đảng thực sự muốn lắng nghe ý kiến của nhân dân. Các dự thảo văn kiện được chuẩn bị rất công phu, đánh giá đúng tình hình thực tế của đất nước, giúp cho nhân dân dễ hiểu dễ tiếp thu. Chúng tôi kỳ vọng sau Đại hội Đảng lần này, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội phải đặt lên là nhiệm vụ hết sức quan trọng để góp phần nâng mức sống của nhân dân càng ngày càng tốt hơn.
Ông Giàng A Ngài - thị trấn Vĩnh Lộc, Chiêm Hóa, Tuyên Quang cho rằng: “Trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tôi rất tán thành nội dung “Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố”.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành và thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách pháp luật nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chủ động tham gia giám sát và phản biện xã hội, làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước. Đặc biệt trong đợt lũ lụt miền Trung vừa qua, tinh thần đoàn kết đó lại được phát huy mạnh mẽ là minh chứng rõ nét nhất.
Trong nhiệm kỳ tới, tôi mong muốn Đảng ta tiếp tục phát huy, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước nhanh, bền vững”.
Ông Nguyễn Ngọc Huy (huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn nhất trí về nội dung các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Chúng tôi mong muốn, trong các giải pháp, định hướng giai đoạn tới được đưa vào trong dự thảo Báo cáo chính trị, Trung ương quan tâm nhiều hơn nữa đến chính sách hỗ trợ, đào tạo, chuyển đổi nghề, tạo việc làm cho cá nhân, gia đình khi Nhà nước thu hồi đất, để bà con ổn định đời sống, sản xuất, phát triển kinh tế, gắn bó xây dựng quê hương”.
Có thể thấy những ý kiến đóng góp đều xuất phát từ trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, cho thấy niềm tin, kỳ vọng của nhân dân, rằng trong nhiệm kỳ mới, Đảng lãnh đạo sẽ đưa ra những chủ trương, quyết sách đúng để đưa đất nước phát triển nhanh, toàn diện, bền vững. Và rõ ràng, thông qua việc công bố, thảo luận, lấy ý kiến của nhân dân vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII góp phần tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động và ý chí quyết tâm trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lang-nghe-de-dong-thuan-post111401.html