Làng hoa lay-ơn của đồng bào dân tộc Chơ-ro

Dưới bàn tay tài hoa và chăm chút từng công đoạn, cộng đồng người dân tộc Chơ-ro ở xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai đã xây dựng nên thương hiệu hoa lay-ơn nức tiếng mỗi độ Tết đến, Xuân về.

Cánh đồng hoa lay-ơn ở xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai nhìn từ trên cao.

Cánh đồng hoa lay-ơn ở xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai nhìn từ trên cao.

Rộn ràng mùa vui

Khoảng vài năm trở lại đây, làng hoa lay-ơn ở xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) được nhiều người biết đến. Với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng phù hợp, Hoa lay-ơn ở đây được thương lái thu mua khẳng định là đẹp hơn so với nhiều nơi khác cũng trồng tương tự. Nhưng ít ai biết, cánh đồng hoa lay-ơn ấy được xây dựng, phát triển và mở rộng phần lớn là nhờ công sức của cộng đồng người dân tộc Chơ-ro bản địa.

Bà Điểu Thị Nhung - người uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở xã Xuân Trường cho biết, hoa lay-ơn ở đây được đồng bào dân tộc Chơ-ro trồng để bán vào dịp Tết âm lịch. “Gần Tết, ở đây vui như lễ hội vậy. Vui nhất có lẽ là đồng bào Chơ-ro vì mấy năm nay, hoa được thương lái thu mua giá cao, và đặc biệt là hoa của đồng bào trồng được thị trường biết đến nhiều hơn. Tôi nghe thương lái nói, hoa này còn đem lên tận TP.HCM, ra Hà Nội để bán Tết. Như vậy là thành công rồi”, bà Nhung phấn khởi.

Trao đổi với phóng viên, ông Lương Minh Tân - Phó chủ tịch UBND xã Xuân Trường chia sẻ, vào khoảng thời gian từ 20 - 25 tháng Chạp âm lịch hàng năm là thời điểm làng hoa rộn ràng nhất. “Lúc này thương lái đến thu mua hoa để bán Tết, không khí rất vui. Đặc biệt những năm gần đây, làng hoa lay-ơn trên địa bàn xã được nhiều người biết đến nên gần Tết, mọi người thường hay đến đây để chụp hình lưu lại những khoảnh khắc đẹp những ngày đầu Xuân năm mới”, ông Tân nói.

Theo ông Tân, bà con đồng bào Chơ-ro có công sức lớn trong việc xây dựng hình ảnh của làng hoa lay-ơn. “Dù mùa vụ chỉ diễn ra trong khoảng 3 tháng cuối năm, nhưng bà con đồng bào Chơ-ro xem đây là vụ mùa chính mang lại thu nhập ổn định và cao nhất trong năm. Trước mùa hoa Tết, bà con trồng lúa, hoặc ngô để duy trì sản xuất và thu nhập. Đến mùa hoa, ai đến mua hoa thì hồ hởi, chào mời. Ai đến chụp hình thì lại càng hoan nghênh vì sẽ có nhiều người biết về làng hoa hơn”, ông Tân cho hay.

Đúng như lời vị Phó chủ tịch xã nói, những ngày cuối tháng Chạp, không khí tại làng hoa lay-ơn Xuân Trường khá tất bật, rộn ràng, vui tươi, từ thương lái đến thu mua hoa, cho đến những bạn trẻ mê check-in cảnh đẹp.

Chị Nguyễn Thị Hải Yến, ngụ thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc chia sẻ, năm trước nghe bạn bè kể về cánh đồng hoa lay-ơn ở xã Xuân Trường nên năm nay sẵn sàng “lên đồ” để đến đó check-in lưu lại khoảnh khắc đón mùa Xuân mới. “Dù chưa đến thời điểm thu hoạch nhưng em và nhóm bạn đã đến đây chụp trước. Cứ nghĩ là chỉ có mỗi nhóm của em nhưng không ngờ khi đến đây thấy rất nhiều bạn khác cũng đã check-in”, chị Yến vui vẻ nói.

Giấc mơ thành hiện thực

Ông Tòng Văn Út (63 tuổi), người dân tộc Chơ-ro ở xã Xuân Trường được biết đến là một trong những nông dân tiên phong phát triển cây hoa lay-ơn và biến loài hoa này trở nên nức tiếng trên thị trường hoa Tết dịp cuối năm.

Nhiều bạn trẻ đến với cánh đồng hoa lay-ơn để chụp hình lưu giữ những khoảnh khắc đầu Xuân năm mới.

Nhiều bạn trẻ đến với cánh đồng hoa lay-ơn để chụp hình lưu giữ những khoảnh khắc đầu Xuân năm mới.

Với thâm niên trồng hoa lay-ơn hơn 30 năm nay, ông Út khẳng định đây là loại hoa dễ trồng nhưng cũng dễ sâu bệnh, đặc biệt củ hay bị thối, lá bị nấm dễ khiến cây chết yểu. Vì vậy, người trồng phải đi thăm cây thường xuyên, thấy cây sâu bệnh là nhổ bỏ liền để tránh lây lan cho các cây khác.

“Trước đây, các hộ trồng hoa chủ yếu dựa trên kinh nghiệm là chính nên năng suất, chất lượng không tốt. Nay được tiếp cận nhiều kiến thức về kỹ thuật trồng hoa, kết hợp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên chất lượng hoa đã được cải thiện nhiều, thậm chí cạnh tranh tốt với hoa từ Đà Lạt”, ông Út nói và cho hay, hoa lay-ơn đẹp cũng là nhờ đôi bàn tay chăm sóc kỹ lưỡng của bà con đồng bào.

Với ông Út, tư duy làm nông nghiệp để có ăn nay đã không còn mà thay vào đó là làm để có dư, có thêm. Theo ông Út, trước đây, đồng bào không dám bỏ ra số tiền lớn để mua giống, nhưng từ khi nắm bắt được thị trường hoa Tết, được hướng dẫn kỹ thuật, chọn giống nên bà con rất “chịu chơi” đầu tư. Năm nay gia đình ông Út trồng hơn 1.000 m2 diện tích hoa lay-ơn, chủ yếu là giống đỏ mới giá cao.

“Năm ngoái thu được gần 80 triệu đồng. Năm nay giá có cao hơn năm trước. Thương lái thu mua còn không đủ”, ông Út phấn khởi và cho biết thêm, không chỉ ông mà nhiều gia đình dân tộc Chơ-ro trong ấp đều trông đợi thu nhập vào vụ hoa Tết.

Ông Nguyễn Xuân Mạnh -Trưởng ấp Trung Sơn khẳng định, hoa lay-ơn chính là loại cây mang lại nhiều đổi thay về tư duy làm nông nghiệp cho bà con nơi đây, đặc biệt là cộng đồng đồng bào dân tộc Chơ-ro. “Trồng hoa lay-ơn đã có từ cách đây hơn 30 năm. Ngày trước, bà con trồng đại trà, không có phương pháp nên chất lượng hoa không đẹp, không đáp ứng được thị trường. Nay được các cấp hướng dẫn kỹ thuật, chọn giống nên chất lượng hoa năm sau thường tốt hơn năm trước, nhờ vậy, hoa được giá, thu nhập cũng cao hơn. Có nhà thu được tiền trăm, tiền tỷ cho một vụ hoa Tết”, ông Mạnh nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, trên địa bàn xã Xuân Trường có khoảng 40 hộ người đồng bào dân tộc Chơ-ro đang canh tác hoa lay-ơn vụ Tết. Với bà con, vụ hoa Tết không chỉ mang lại thu nhập cao mà còn biến giấc mơ đổi đời của họ thành hiện thực. Không còn câu chuyện “ăn bữa hôm lo bữa mai”, việc thay đổi tư duy để phát triển kinh tế giúp đồng bào ngày càng ổn định hơn về đời sống, thu nhập và đặc biệt, sản phẩm làm ra đã tạo được tính cạnh tranh trên thị trường nhờ vào chất lượng. Thương hiệu hoa lay-ơn Tết ở Xuân Trường được thị trường biết đến nhiều hơn.

Thìn Nguyễn

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/lang-hoa-lay-on-cua-dong-bao-dan-toc-cho-ro-369761.html